Cấy phấn vào da, kiểu làm đẹp mạo hiểm khiến nhiều phụ nữ phải nhập viện

Ngày 28/10/2016 00:10 AM (GMT+7)

Thời gian gần đây, giới trẻ đang truyền tai nhau phương pháp cấy phấn làm đẹp cho da. Chưa biết hiệu quả đến đâu nhưng đã có không ít trường hợp phải nhập viện sau khi thực hiện.

Điển hình là trường hợp của chị Mai Thị H. (42 tuổi, ở Tây Ninh) đã phải đến phòng khám Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh để thăm khám sau khi sử dụng phương pháp cấy phấn cho da.

Được biết, trước đây chị H. bị sạm da toàn bộ khuôn mặt, xen kẽ là các đốm màu. Sau khi được người quen giới thiệu một thẩm mỹ viện ở quận 12 chữa nám rất hiệu quả, chị tìm đến và được điều trị bằng cách phun màu làm sáng những đốm màu sậm trên da.

Do tính chất công việc nên chị H. vẫn phải tiếp xúc với ánh nắng nhiều, nên chỉ sau một thời gian vùng đốm nhạt không được phun lại đậm màu hơn, còn vùng da được phun màu thì biến thành từng đốm trắng vàng. Sau khi đến bệnh viện thăm khám, các bác sĩ đã yêu cầu chị H. phải nhập viện điều trị bằng cách đốt từng cụm để lấy màu trắng vàng đó ra.

Trường hợp thứ hai là chịTrần Ngọc T., (35 tuổi, TP.HCM), từ khi dậy thì chị T. xuất hiện rất nhiều đốm nám trên mặt. Dù chị đã chạy chữa nhiều nơi những vẫn không thuyên giảm.

Chán nản và mong muốn được điều trị nhanh chóng hơn, chị T. đã tìm đến một thẩm mỹ viện với lời quảng cáo dịch vụ cấy tế bào sẽ đánh bay vết nám. Tuy nhiên, màu được cấy vào đốm nám không hợp với màu da khiến mặt chị T. loang lổ rất khó coi. Cuối cùng, chị T. phải tìm đến bệnh viện để điều trị.

Cấy phấn vào da, kiểu làm đẹp mạo hiểm khiến nhiều phụ nữ phải nhập viện - 1

TS Lê Thái Vân Thanh đang khám cho một nữ bệnh nhân bị tác dụng phụ sau khi cấy phấn cho da.

Trước trào lưu cấy phấn làm đẹp cho da, TS. BS. Lê Thái Vân Thanh – Phòng khám Chăm sóc da Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bản chất của cấy tế bào, phun, xăm hay cấy phấn đều giống nhau, nhằm đưa chất màu nhân tạo vào che lấp các khuyết điểm da.

Theo phân tích của TS Thanh, da có 3 lớp là thượng bì, trung bì, hạ bì. Khi xăm sâu qua khỏi lớp thượng bì để những hạt màu nằm trong lớp trung bì thì những đại thực bào, tế bào của da sẽ “ngậm” những hạt màu đó, giữ màu tại vùng da đó được lâu dài.

Đối với cấy phấn cho da, chiều sâu của đầu kim được điều chỉnh xăm xuống da rất nông. Những hạt màu nằm trong các lỗ li ti tại da và chỉ giữ được khoảng 3 tháng. Hơn nữa, khi thực hiện phương pháp này sẽ có những tác dụng phụ không mong muốn như bít lỗ chân lông làm da dễ sinh mụn, hoặc về lâu dài da sẽ bị nám,…

“Đối với lứa tuổi dậy thì bị mụn trứng cá thì không nên sử dụng dịch vụ cấy phấn này. Vì đa số người Việt Nam thuộc loại da nhờn, da hỗn hợp nên những tuyến bã nhờn tăng tiết liên tục nhằm nuôi dưỡng bề mặt da. Vì vậy, khi đưa hạt màu vào da có thể gây nên bít tắt lỗ chân lông, nguy cơ gây nhiễm trùng, nhiễm siêu vi…”, TS Thanh khuyến cáo.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h