Suy ngẫm về ranh giới thực - ảo trong "Cưỡng cơn gió bấc"

Ngày 07/05/2016 00:09 AM (GMT+7)

Bộ đôi tiểu thuyết nổi tiếng Cưỡng cơn gió bấc - Con sóng thứ bảy khiến người đọc phải suy nghĩ về ranh giới giữa cái thực và cái ảo, quan niệm về cái tôi và hạnh phúc cá nhân.

Độc giả Việt Nam chắc hẳn chẳng mấy ai xa lạ với cái tên Daniel Glattauer. Ông là cha đẻ của bộ tiểu thuyết nổi tiếng Cưỡng cơn gió bấc (2006) - Con sóng thứ bảy (2009). Với bộ đôi này, Daniel Glattauer khai thác một hình thức tiểu thuyết độc đáo, gần 300 trang sách chỉ gồm toàn những bức thư được gửi và nhận giữa hai người. Qua đó, Daniel Glattauer bộc lộ sự am hiểu sâu sắc về diễn biến tâm lý của cả hai giới, đặc biệt ở lớp người độ tuổi 30 – 40.

Những suy nghĩ và khát vọng thầm kín nhất, tự nhiên nhất được tác giả mô tả vừa tinh tế vừa hóm hỉnh, đầy đam mê. Đặc biệt, Glattauer khiến người đọc phải suy nghĩ về ranh giới giữa cái thực và cái ảo, quan niệm về cái tôi và hạnh phúc cá nhân.

Suy ngẫm về ranh giới thực - ảo trong quot;Cưỡng cơn gió bấcquot; - 1

Cưỡng cơn gió bấc là câu chuyện đẹp về tình yêu của hai người chưa từng gặp nhau. Họ tình cờ quen biết, hiểu nhau và chia sẻ cùng nhau qua những bức thư điện tử đi lạc… Một ngày trong hộp thư của Leo Leike xuất hiện email gửi lạc của một Emmi Rothner nào đó. Anh lịch sự trả lời. Và vì Emmi thấy thú vị mà cô cũng viết lại. 

Chẳng bao lâu Leo thú nhận: “Emmi thân mến, tôi quan tâm đến chị như phát điên! Nhưng tôi cũng biết rằng mối quan tâm ấy lố bịch đến mức nào”. Rồi đến lượt Emmi: “Các dòng chữ của anh cộng với suy luận của tôi – chúng cho ra kết quả là bóng dáng một người đàn ông, như tôi bỗng dưng hình dung ra là có thể con người như thế tồn tại thật”.

Thật khó có thể hình dung được, qua không gian ảo của những bức thư điện tử, Emmi và Leo đã trao đi và nhận lại, đã trải nghiệm những ngọt ngào, khắc khoải, hờn ghen, tin cậy, nồng nhiệt và cô đơn… Họ ngày càng lại gần nhau hơn trong không gian ảo ấy, và những khát vọng được phát lộ, trân trọng và nâng niu. 

Có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian cho đến khi hai con người ấy gặp nhau lần đầu ngoài đời, nhưng vấn đề ấy xáo trộn tâm can họ đến nỗi họ dùng dằng lùi mãi cuộc hẹn. Emmi Rothner và Leo Leike, hai con người phải lòng và say mê nhau qua thư điện tử ấy có thể cưỡng lại được và cơn gió bấc của cô đơn và khao khát được gặp nhau. Nhưng với thời gian và những khắc nghiệt của cuộc sống, liệu họ có cưỡng lại được con sóng thứ bảy?

Suy ngẫm về ranh giới thực - ảo trong quot;Cưỡng cơn gió bấcquot; - 2

"Ở đây người ta kể cho nhau về con sóng thứ bảy bất kham. Sáu con sóng đầu hiền hậu và có thể lường trước. Chúng đưa đẩy nhau, kích nhau lên, không làm gì bất ngờ. Nhưng đến con sóng thứ bảy thì phải dè chừng. Một hồi lâu chẳng có gì đáng để ý, nó hòa đồng vào sự chuyển động đơn điệu, nép theo những đợt sóng trước. Song đôi khi nó quẫy vùng ra.

Luôn là nó, lúc nào cũng là con sóng thứ bảy. Vì nó luôn vô tâm vô tính, lãng đãng, nổi loạn, đè lướt tất cả, nhào nặn tất cả lại từ đầu. Nó không biết quá khứ, chỉ biết hiện tại. Rồi sau đó mọi thứ đổi khác. Tốt hơn hay xấu hơn? Chỉ có ai bị nó đè xuống mới đánh giá được, chỉ có ai cả gan đương đầu nó, để nó cuốn vào lòng."

Những con sóng đã đẩy Leo và Emmi lại với nhau rồi lại kéo họ ra xa khỏi nhau. Với Leo là một cô gái đem lòng yêu anh, hứa hẹn cuộc sống lứa đôi hạnh phúc, còn với Emmi là gia đình riêng mà cô không muốn rời bỏ. Lý trí đã đặt ra những rào cản vô hình khiến đôi tình nhân lúc thì dùng dằng khắc khoải, khi lại dữ dội nồng nàn...

Con sóng nào đã cuốn họ đi? Và cuộc đời hai con người giàu tình yêu và đáng được yêu ấy sẽ trôi về đâu? Một khi sáu con sóng đã ập vào bờ, thì con sóng thứ bảy luôn ẩn chứa bất ngờ.

Bộ đôi Cưỡng cơn gió bấc và Con sóng thứ bảy hiện đã được tái bản và phát hành rộng rãi toàn quốc. 

Hà Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sách hay cho bạn