Tự truyện Lê Duy phần 5: Đoạn trường

Ngày 29/11/2013 00:16 AM (GMT+7)

Đã theo nghề “sướng ca vô loài” lại không nổi tiếng thì nghèo rớt mồng tơi.

"Phát hiện má tôi có bạn trai mới, bà ngoại tôi đã rất tức tối. Bà cho rằng, ba tôi là loại đàn ông không ra gì mới theo nghề “xướng ca vô loài”. Đã theo nghề “sướng ca vô loài” lại không nổi tiếng thì nghèo rớt mồng tơi".

Xin tiếp tục trích đăng tự truyện của ca sĩ - chuyên gia trang điểm chuyển giới Lê Duy, với sự chấp bút của nhà báo Hà Tùng Long.

Tự truyện Lê Duy phần 4: Trốn chạy

Chương 5: Đoạn trường

Đã có lúc tôi định cất tiếng hỏi má: “Ba ruột con giờ ở đâu? Tại sao ba không về sống với mẹ con mình?” nhưng vì thấy má buồn nên tôi lại không dám hỏi. Cho đến khi đã yên vị trên xe đò, tâm trạng má tôi mới đỡ hơn được một chút. Nhiều lần, tôi thấy má nhìn mình với ánh mắt rất lạ. Dường như má muốn chia sẻ với tôi điều gì đó nhưng đang phân vân hoặc ngại ngùng chưa thốt ra. Cũng có thể má sợ tôi còn quá nhỏ, chưa hiểu hết những điều má nói.

Trong lúc đó, tôi chợt nhớ đến điều mình muốn hỏi má từ lâu nên hồn nhiên buột miệng: “Má nói cho con biết, ba ruột con là ai?”. Nghe tôi nói, má tôi rất đỗi ngạc nhiên. Mắt má mở to hết cỡ, nhìn thẳng vào mặt tôi và hỏi lại “Tại sao con biết chuyện này?”. Tôi thật thà kể lại cho má nghe ngọn ngành mọi việc vì sao tôi lại biết ba dượng không phải là ba ruột của tôi. Nghe câu chuyện tôi kể, má tôi ôm lấy tôi rồi òa khóc. Trên xe lúc đó, bao ánh mắt đổ dồn về phía má con tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Phải mất một lúc lâu má mới lấy lại được bình tĩnh và bà bắt đầu kể cho tôi nghe những đoạn trường trong cuộc đời của bà.

Tự truyện Lê Duy phần 5: Đoạn trường - 1
Ca sỹ chuyển giới Lê Duy.

Má kể, năm 16 tuổi, má là một nữ sinh xinh xắn và hát hay có tiếng trong trường cấp 3 của thị xã Tây Ninh. Quanh má lúc nào cũng có bạn trai theo đuổi nhưng má chưa hề biết yêu là gì. Gia đình cúa má hồi đó là một gia đình giàu có và quyền quý có tiếng của đất Tây Ninh. Má tôi cũng được xem như một tiểu thư khuê các. Bà ngoại tôi là người buôn bán rất giỏi nhưng cũng là người rất nghiêm khắc và quyết đoán. Bà có rất nhiều mối quan hệ với các thương gia ở các tỉnh thành. Thế rồi đang yên đang lành thì đùng một phát, bà ngoại bắt má nghỉ học để lấy chồng. Nghe đến chuyện lấy chồng má tôi nhất định không chịu. Bà ngoại đã mắng chửi má tôi rất nhiều. Bà thậm chí còn đánh và dọa sẽ đuổi má tôi ra khỏi nhà nếu không nghe theo lời của bà. Cho đến mãi sau này, má vẫn không hiểu vì sao mẹ mình lại bắt mình lấy chồng vội vàng như vậy, trong khi má chỉ mới 16 tuổi và đang là một cô nữ sinh trong trắng, hồn nhiên.

Tuy nhiên, vì lúc đó má đang còn ít tuổi, lại đang sống phụ thuộc vào gia đình nên nghe những lời đe dọa của bà ngoại má tôi rất sợ. Trong cơn bế tắc, má tôi chạy về nhà bà nội của má cầu cứu và xin được ở lại để không phải lấy chồng nhưng bà nội của má cũng chỉ cho má ở nhờ được mấy ngày rồi lại đuổi má về lại nhà vì sợ bà ngoại tôi làm to chuyện. Má tôi trở về nhà trong một “trận mưa” nước mắt. Biết không thể cưỡng lại được ý của bà ngoại nên má đành gạt nước mắt làm theo sự sếp đặt của bà.

Do má tôi lúc đó mới 16 tuổi, chưa đủ tuổi kết hôn nên bà ngoại đã tìm cách chạy chọt để người ta tăng tuổi má lên và lấy một cái tên khác để làm giấy đăng kí kết hôn. Người đàn ông mà bà ngoại ép má lấy làm chồng tên là L., lớn hơn má mười mấy tuổi. Ông ta là một đại úy sĩ quan của chế độ cũ.

Khi về làm dâu xứ lạ, thời gian đầu ông chồng còn tỏ ra quan tâm và chiều chuộng nhưng chỉ một thời gian ngắn sau ông ta lộ rõ là một con bạc khát máu. Tối ngày ông nướng mình cho các trò chơi đỏ đen, sát phạt. Ông ta máu me đến mức, bán hết toàn bộ đồ đạc trong nhà để có tiền đánh bạc. Khi không còn thứ gì để bán, ông lại ép má tôi đưa toàn bộ quần áo, vòng nhẫn mà bà ngoại đã sắm cho má tôi làm của hồi môn trước khi về nhà chồng để ông ấy đi bán lấy tiền nướng vào sòng bạc. Mặc dù rất đau đớn và tủi nhục khi đã lỡ làm vợ người đàn ông ấy nhưng má tôi vẫn cắn răng chịu đựng không dám than vãn với bà ngoại tôi.

Được một năm sau thì má tôi có bầu và sinh ra được một người con trai. Sinh con ra, má tôi không có sữa, chồng cũng chả ngó ngàng. Toàn bộ tiền lương má tôi làm được (hồi đó, má tôi làm nhân viên bán vé ở rạp chiếu phim) bị ông chồng tịch thu hết nên không có tiền để mua sữa ngoài cho con. Có những lúc má tôi nhận được lương vội dấu một ít dưới lu gạo để phòng mua sữa cho con, ấy thế mà ông ấy vẫn tìm ra và lấy sạch. Thậm chí, một vài đồ nữ trang nho nhỏ, má rất thích nên đã cố giữ lại rồi tìm cách chôn kín phía sau nhà nhưng ông chồng vẫn “đánh hơi” đào lên đem đi bán. Trước sự tàn tệ của ông chồng, má tôi đành bế con về lại Tây Ninh để giải thoát cho mình.

Về Tây Ninh, má tôi lại thuê một ngôi nhà nhỏ để sống. Hàng ngày má nhờ một người vú em trông con còn má thì quần quật với nghề may quần áo cho búp bê. Một ngày nọ, khi má tôi đang đi giao hàng cho khách thì ông chồng cũ mò đến nhà. Sau khi uy hiếp không được ông ta đã dùng súng dí vào đầu bà vú em bắt phải đưa đứa con trai cho ông ta mang về Sài Gòn nếu không ông bắn bể sọ. Trước sự hung dữ của ông ta, bà vú nuôi đành thả tay để ông ta bế đứa bé đi.

Trở lại nhà, nghe bà vú nuôi kể lại toàn bộ câu chuyện, má tôi đã hết sức giận giữ. Bà tức tốc bắt xe xuống nhà chồng cũ ở Cần Đước (Long An) để đòi lại con. Thế nhưng khi đến đây, ông ta đã không cho vào nhà và tuyên bố một câu xanh rờn: “Nếu cô thích bỏ tôi thì cô chỉ được phép đi một mình. Còn nếu cô muốn ở gần con thì cô phải quay lại”.

Nghe những lời lạnh lùng của chồng cũ, má tôi chấp nhận quay trở lại Tây Ninh vì biết không thể nào tiếp tục sống chung với người đàn ông đó được nữa. Một thân một mình về lại Tây Ninh má chấp nhận những trận mắng nhiếc nặng nề của bà ngoại để có chỗ dung thân. Trong suy nghĩ của bà ngoại lúc đó, má tôi là một đứa con gái hư hỏng, cứng đầu. Còn má thì không thể nào nghe theo bà mãi được vì bà không thể hiểu được những nỗi khổ khó nói của cuộc sống vợ chồng. Cũng chính vì thế mà cho đến tận bây giờ, giữa má tôi với bà ngoại còn có những khúc mắc không thể nào hóa giải được.

Về nhà ngoại được một thời gian, má quyết lấy lại tên thật của mình trước đây là Nhan Thị Kim Hương và bắt tay làm lại cuộc đời. Má xin vào hát trong các chương trình văn nghệ của chế độ cũ. Thực ra, trước đây, khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, má tôi đã là một hạt nhân văn nghệ rất tích cực của trường. Má từng ước mơ sau khi học xong sẽ theo học ngành thanh nhạc để trở thành ca sĩ. Tuy nhiên, do dòng đời đẩy đưa nên má đã không thể thực hiện được giấc mơ ấy. Chính vì thế việc bắt đầu cuộc đời mới bằng công việc ca hát không chỉ để kiếm tiền mưu sinh mà còn là để má đến gần hơn với niềm đam mê của mình. Và má tôi cũng không ngờ, chính trong đoàn văn công này má tôi đã có duyên gặp gỡ ba tôi.

Ba tôi tên là Dũng, người gốc Huế. Má tôi kể, năm 17 tuổi, ba tôi buộc phải đi lính theo luật quân dịch của chế độ cũ. Vì có giọng hát hay nên ba tôi được phân vào đội văn công chuyên đi hát cho lính nghe trong các chương trình văn nghệ chính trị. Cảm nhận của má lúc mới gặp ba là một mặt điển trai, ngoại hình dong dỏng cao, hát hay nhất đoàn nhưng lại có đôi mắt buồn khó hiểu. Ông sống rất trầm lặng và hay tư lự. Chính vì sự trầm lặng ấy mà ba tôi đã khiến má tôi để ý. Trong những lần gặp nhau phía sau sân khấu, má thường hay lại gần ba trò chuyện, hỏi han…

Những cuộc gặp gỡ và trò chuyện giữa má và ba cứ tăng dần theo thời gian. Đến một thời điểm, má nhận tháy ba ngày càng gầy và xanh xao một cách khó hiểu, bà liền ngỏ lời đưa ba đi khám và được ba tôi đồng ý. Má không nhớ ba tôi hồi đó bị bệnh gì. Chỉ biết, vì thương ba là người hiền lành, bệnh tật không có người chăm sóc nên má thường qua lại thuốc thang, chăm sóc Qua những lần gặp gỡ, cả hai đã nảy sinh tình cảm và yêu nhau thật sự. Đối với má tôi, dù đã qua một đời chồng nhưng đây là lần đầu tiên má cảm nhận được tình yêu đích thực. Về phía ba, má cũng chính là mối tình đầu. Tình yêu của họ vì thế mà rất nên thơ và lắm chuyện ly kỳ.

Phát hiện má tôi có bạn trai mới, bà ngoại tôi đã rất tức tối. Bà cho rằng, ba tôi là loại đàn ông không ra gì mới theo nghề “xướng ca vô loài”. Đã theo nghề “sướng ca vô loài” lại không nổi tiếng thì nghèo rớt mồng tơi. Bà ngoại tôi chỉ chấp nhận cho má tôi có người đàn ông mới nhưng người đó phải là một người đàn ông giàu có, có địa vị và quyền lực. Bà tuyên bố: “Nếu mày yêu thằng Dũng thì tự khăn gói ra khỏi nhà, giữa tao và mày sẽ không còn tình mẹ con nữa”. Chính vì ác cảm với ba nên cứ mỗi lần ba đến nhà chơi bà ngoại lại dùng chổi quét nhà đuổi không cho ba vào thăm má.

Má tôi kể, bà ngoại càng chửi mắng, má lại càng yêu ba hơn. Và vì là mối tình đầu của nhau nên hai người yêu nhau say đắm, mãnh liệt. Ngày má chấp nhận đi ra khỏi nhà bà ngoại để được sống với tình yêu của mình cũng là ngày má phát hiện mình đã có bầu.

Cứ ngỡ, sau những giông bão cuộc đời, ba sẽ là bến đỗ bình yên và hạnh phúc cho má trong quãng đời còn lại. Ấy thế nhưng hai chữ “đa truân” như đã vận vào cuộc đời của má. Khi về sống chung với ba chưa được bao lâu thì ba tôi lại “trở chứng”. Ba không chỉ có một vài mối tình vụng trộm ở bên ngoài mà còn rất hay ghen tuông vô lối. Chỉ cần thấy má thân mật với người đàn ông nào là ba lại nổi cơn ghen rồi thượng cẳng chân hạ cẳng tay với má. Những trận đòn giáng xuống đầu má tôi dần trở thành “cơm bữa” bất kể lúc đó má đang mang bầu tôi.

Má kể, mặc dù ba đánh má nhiều như thế nhưng không hiểu sao má vẫn rất yêu ba. Có một lần, má phải lên Sài Gòn giải quyết công việc, khi xong việc thì không còn xe để về Tây Ninh nên má buộc phải tá túc lại nhà của một người bà con ở Sài Gòn (Hồi đó, do đang chiến tranh nên dọc đường đi bom mìn rất nhiều, xe đò qua 4h chiều là không dám chạy nữa vì sợ va phải bom mìn). Lần đó, khi trở về má đã bị ba đánh một trận rất nặng.

Đánh chưa hả dạ ba còn dùng dao chém má nhưng may má đỡ được. Má vừa sợ vừa giận nên ôm cánh tay đầm đìa máu chạy về nhà bà ngoại cầu cứu (trên tay má nay vẫn còn vết thẹo đỡ đòn năm xưa do ba gây ra). Đêm đó, không những không thương xót, bà ngoại còn chửi rủa má rất thậm tệ và bắt má tôi phải đi phá thai để lấy người đàn ông do bà sắp đặt. Nói là làm, bà ngoại nhốt má vào phòng và cho người canh giữ để 5h sáng hôm sau đưa má lên Sài Gòn phá thai. Bị bà ngoại bắt phải phá thai má tôi rất lo sợ mà không có cách nào để liên lạc với ba. Thực lòng, do quá sợ con thịnh nộ của ba nên trong lúc cùng quẫn má mới chạy về nhà bà ngoại chứ thực tình trong thâm tâm má vẫn rất yêu ba. Và vì yêu nên má không thể bỏ đi đứa con của mình.

Bà giúp việc được bà ngoại giao canh chừng má tôi vì thương má nên dù biết việc bà mở cửa cho má tôi chạy trốn sẽ bị bà ngoại trừng phạt rất nặng nhưng bà ấy vẫn mở cửa cho má tôi chạy trốn trong đêm. Má trở lại nhà trọ, gặp lại ba, nghe má kể toàn bộ sự việc, ba tôi tỏ ra rất hối hận. Ba ôm má vào lòng rồi khóc rất nhiều. Kể từ đó ba má tôi sống hòa thuận với nhau cho đến khi tôi ra đời.

Má kể, khi tôi ra đời, ba rất vui mừng. Mọi tình cảm và thời gian ba dành hết cho tôi. Và khi tôi gần tròn 1 tuổi thì ba tôi với má tôi lại xảy ra mâu thuẫn. Lần này, ba tôi đã bỏ lại má con tôi trở về Huế. Được một vài tháng, vì nhớ ba nên má tôi đã gửi tôi lại cho một bà vú, lặn lội ra Huế tìm ba. Từ khi về sống với nhau theo nghĩa vợ chồng, ba chưa một lần dắt má về quê ra mắt họ hàng. Má chỉ biết quê ba qua những lời ba kể. Theo đó, nhà bà nội tức mẹ đẻ của ba ở Đà Nẵng thì gần nhà thờ Nội Hà, còn nhà ông nội thì ở gần nhà thờ Phú Cam (Huế). Lần theo những dòng địa chỉ ít ỏi đó, cuối cùng má tôi cũng đã tìm được nhà bà nội tôi ở Đà Nẵng.

Đến nhà bà nội má tôi không gặp được ba vì lúc này ba đã về Huế. Má chỉ gặp được o Tuyết và o Hạnh là chị em của ba tôi. Lúc mới giáp mặt, 2 o đã nhận ra ngay má tôi vì lúc ba tôi trở về có cho mọi người biết mình đã có vợ con. Má tôi còn nhớ, lúc má đến nhà bà nội thì o Hạnh mới đi học về nên đang mặc nguyên bộ áo dài màu trắng. Nhận ra má o Hạnh liền xung phong đưa má ra Huế để gặp ba.

Má tôi và o Hạnh bắt xe đò từ Đà Nẵng ra đến Huế thì trời đã xẩm tối. Khi 2 chị em đi xe ôm đến nhà bác Hiếu (anh hai của ba) thì o Hạnh bảo má tôi đứng bên ngoài hàng rào dâm bụt để o vô thưa chuyện với ba trước, xem ba có bất ngờ hay không. Má tôi đứng ngoài nhìn vào thấy ba đang đứng sửa soạn quần áo trước gương trong phòng khách như chuẩn bị đi đâu đó. Nhìn thấy ba má chỉ muốn chạy vào ôm chầm lấy ba vì quá nhớ nhung nhưng vẫn phải đứng im chờ o Hạnh ra. Không biết o Hạnh vào nhà nói gì với ba nhưng khi biết má ra tìm, ba chạy thật nhanh ra phía trước nhà như không tin. Tuy nhiên, khi nhìn thấy bóng dáng quen thuộc của má, ba chạy lại ôm chầm lấy má. Cả ba và má ôm chặt lấy nhau trong nước mắt.

Một lúc sau, ba đưa má tôi vào nhà giới thiệu với gia đình bác Hiếu. Cả nhà đều rất vui mừng trước sự hiện diện của má tôi. Ngày hôm sau bác Hiếu triệu tập mọi người về nhà của bác để họp gia đình bàn chuyện hôn sự cho ba má tôi. Vì hồi đó, gia đình nhà nội tôi theo đạo Thiên Chúa nên họ rất xem trọng chuyện hôn nhân. Ba tôi có thể không tổ chức đám cưới nhưng nhất thiết phải đưa má tôi và tôi vào nhà thờ làm lễ xưng tội, rửa tội và đặt tên thánh. Trong cuộc họp hôm đó, cả gia đình bắt ba tôi phải vào lại Tây Ninh đón tôi ra Huế để làm các nghi thức cần thiết.

Riêng má tôi thì phải học giáo lý để vào nhà thờ làm lễ xưng tội và đi theo đạo Thiên Chúa. Không biết lúc đó ba tôi nghĩ gì nhưng ba có nói với mọi người cho ba tôi một thời gian suy nghĩ. Bác Hiếu có nói với ba tôi: “Bây giờ mày đã có con với người ta rồi, mày không thể không cưới và sống chung với người ta được”. Bác cũng có “dụ” ba là nếu cưới má thì bác sẽ mua cho ba một chiếc xe máy. Một tuần sau, má tôi lại trở về Tây Ninh để đón tôi, còn ba ở lại Huế lo lắng các thứ chuẩn bị cho đám cưới.

Lúc má đưa tôi ra Huế tôi vừa tròn một tuổi. Má kể, nhìn thấy tôi, ai trong gia đình cũng quý và thương tôi vì lúc đó tôi rất bụ bẫm và dễ thương. Sống ở Huế được một thời gian thì má tôi bắt buộc phải kiếm việc làm để mưu sinh. Đúng vào thời điểm má tôi cần việc làm thì bác tôi mách cho biết có một đoàn văn công tâm lý chiến tuyển ca sỹ. Má liền tìm đến thử giọng và khi nghe má tôi hát người ta nhận luôn. Mỗi lần má đi làm lại gửi tôi nhờ bác gái và các anh chị trông hộ.

Còn ba tôi lúc đó vẫn chưa có việc làm vì ba thuộc thành phần trốn chế độ quân dịch nên rất khó xin việc. Khổ nỗi, má tôi đi làm là ba tôi lại “tái phát” bệnh ghen cũ. Vợ chồng vừa tái hợp chưa được bao lâu thì lại xảy ra đủ thứ chuyện lục đục. Thế rồi trong một lần cãi nhau ba giận má nên bỏ vào Đà Nẵng với bà nội. Má lại vội vàng bồng bế tôi vào Đà Nẵng để làm hòa với ba. Khi vào Đà Nẵng, nhờ có sự giới thiệu của ông thủ trưởng của đoàn văn công ở Huế nên má lại được nhận vào một đoàn văn công tâm lý chiến khác. Má tôi cũng tìm cách giới thiệu ba vào đây làm và được ông thủ trưởng của đoàn hết sức tạo điều kiện. Vào làm cùng một chỗ nhưng ba tôi vẫn thường xuyên ghen má tôi. Má kể, cứ mỗi lần chuẩn bị lên sân khấu là ba lại nổi cơn ghen, đánh má đến bầm tím mặt mũi, không thể lên sân khấu để hát được.

Ba đánh má nhiều tới mức má phải thường xuyên nghỉ diễn vì không dám ôm bộ mặt bầm tím lên sân khấu. Ông thủ trưởng biết chuyện đã gọi ba tôi lên dọa đuổi việc nhưng ba tôi vẫn không khắc phục. Cuối cùng ông đành sa thải cả ba và má tôi. Trước khi đuổi việc, ông có khuyên má tôi nên bế tôi về Nam sống vì nếu tiếp tục sống với ba má con rồi sẽ rất khổ. Được một thời gian thì má cũng bế tôi trở lại Tây Ninh.

Lúc về lại Tây Ninh, má tôi không dám về nhà bà ngoại mà ở nhờ nhà một người thân rồi xin vào làm trong Ty Thông tin Văn hóa của chế độ cũ. Cũng chính ở cơ quan này, má tôi đã gặp ba dượng tôi. Má tôi kể, hồi đó ba dượng tôi làm lái xe chở nghệ sỹ đi biểu diễn lưu động ở các đơn vị lính. Nhiều lần thấy má tôi bế tôi đi diễn cùng nên ông ấy bắt đầu để ý đến má. Lúc mới quen, ông tỏ ra là người rất quan tâm đến cuộc sống của má con tôi. Những lúc má tôi bận việc ông thường bế tôi đi chơi rồi mua quà cho tôi (sau này má tôi mới biết, thực ra, ông ấy làm thế là để lấy lòng má tôi chứ chẳng hề yêu thương gì tôi hết).

Trong thời điểm má tôi đang mang nhiều nỗi buồn riêng lại có người chia sẻ nên dần dà má tôi cũng quý mến ông ấy. Được một thời gian thì hai người cũng có tình cảm với nhau. Đến đầu năm 1973, má tôi nhận lời về sống chung với ông ấy và cuối năm 1973 má sinh em trai. Sang năm 1974, má lại sinh thêm một em nữa. Đó là lý do vì sao tôi sống với ông cha dượng này và bị ông ghét bỏ, không có tình thương.

Má dừng lại câu chuyện về cuộc đời lắm truân chuyên và sóng gió của mình khi hai con mắt đã nhòe lệ. Má nói với tôi rằng: “Nếu hồi đó, bà ngoại không ép duyên má thì chắc giờ này cuộc đời má không phải khổ thế này”. Tôi lúc đó vẫn chưa cảm nhận hết những điều má nói nên buột miệng hỏi “Vậy má có thể một lần đưa con về miền Trung gặp ba con được không?”. Má tôi trả lời: “Bây giờ má cũng không biết ba con ra sao, không biết ông ấy đã có vợ mới chưa. Thôi, cứ để từ từ rồi má sẽ tính, má sẽ cố gắng đưa con về gặp ba”. Nghe má nói, tôi vui sướng khôn cùng. Tôi tưởng tượng ra cảnh mình được gặp ba sẽ được ông ôm vào lòng, sẽ được ông chiều chuộng… Đúng lúc đó xe cũng vừa về đến thị xã Tây Ninh.

(Còn tiếp...).

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sách hay cho bạn