Bệnh sởi lan rộng tại TP.HCM

Ngày 17/04/2014 16:47 PM (GMT+7)

Nhiều bác sĩ cho rằng tình trạng bệnh sởi lan rộng trên địa bàn TP.HCM hiện nay là do không tiêm vắc xin sởi cùng thời điểm cách đây chừng một năm.

Ngày 17/4/2014, tại bệnh viện Nhiệt Đới, chị Nguyễn Thị Nhung (huyện Củ Chi) bồng con trên tay với nhiều vết ban đỏ trên người: “Cháu cứ khóc hoài, dỗ mãi vẫn không nín”. Ở khu vực chị ở, trước tết có một người lớn bị bệnh sởi. Sau đó, nhiều người khác cũng bị nhiễm. Sợ con vừa tròn một tuổi bị nhiễm, chị không bồng đi đâu, thế mà chỉ sau chưa đầy một tuần thì bị sốt, cháu đã phát ban đỏ khắp người.

Trong khi đó, chị Hoàng Thị Mai (huyện Nhà Bè) cho biết, đọc báo chí, biết thông tin bệnh sởi đang lan rộng trên khắp cả nước. Ở khu vực chị ở không có ai bị bệnh sởi. Tuy nhiên, chị lo con bị nhiễm sởi nên không cho cháu ra khỏi nhà. “Tôi cũng không biết bệnh từ đâu nhiễm cho cháu nữa”, chị thở dài ngao ngán.

Bệnh sởi lan rộng tại TP.HCM - 1

Chị Mai chăm con bị bệnh sởi trong bệnh viện.

Anh Nguyễn Hữu Truyền chia sẻ: “Con tôi chỉ mới hơn 7 tháng. Qua tìm hiểu, tôi biết, trẻ đến 9 tháng tuổi sẽ được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Tuy nhiên, cháu chưa đến tuổi thì đã bị nhiễm mất rồi”. Hơn ba ngày nằm trong bệnh viện, con của anh luôn quấy, khóc suốt.

Trong khi đó, chị Trần Thị Gái (quận 3) cho hay, cách đây chừng 20 ngày, chồng bị bệnh sởi. Sợ đứa con trai mới sinh sẽ bị nhiễm bệnh nên cho cách ly ở phòng khác. Thế nhưng, chồng vừa khỏi mấy ngày thì đứa con cũng bị nhiễm.

Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (bệnh viện Nhi Đồng 2) cho biết, trước tết nguyên đán, số ca bệnh sởi nhập viện còn thưa thớt. Chừng hai tháng trở lại đây, số trẻ nhập viện vì bệnh sởi ngày càng đông. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận chừng 3 đến 6 trẻ, thậm chí, ngày đông còn lên đến 10 trẻ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm (bệnh viện Nhi Đồng 1) cũng cho hay, khoảng 3 tháng trở lại đây, số lượng trẻ bị nhiễm sởi nhập viện ngày càng đông. Trong đó, có một số ca nhiễm bệnh bặng phải cho thở máy.

Bệnh sởi lan rộng tại TP.HCM - 2

Một số trẻ bệnh quá nặng phải thởi bằng máy

Các bác sĩ cho biết, dấu hiệu đầu tiên của bệnh sởi là sốt cao. Cùng thời điểm này, người bị nhiễm sởi bị chảy nước mũi, chảy nước mắt, mắt đỏ và các đốm nhỏ bên trong má… Khoảng chừng vài ngày, sởi sẽ xuất hiện đầu tiên ở mặt và cổ. Đây là những nốt ban đỏ. Khoảng chừng ba ngày tiếp theo, sởi sẽ lan xuống tay, thân và chân. Ban sởi kéo dài chừng 5 đến 6 ngày rồi mất dần. Trung bình, ban sởi xuất hiện sau khi tiếp xúc với virut chừng nửa tháng.

Đối với các trẻ có kháng thể mạnh sẽ chóng khỏi bệnh. Tuy nhiên, đối với các trẻ được nuôi dưỡng kém, suy dinh dưỡng, đặc biệt là những trẻ thiếu vitamin A có nguy cơ bị bệnh nặng. Nếu trẻ không được chữa trị bệnh sởi có thể biến chứng như tiêu chảy gây mất nước, nhiễm trùng tai, nhiễm trùng hô hấp, mù mắt, viêm não… Đối với những trường hợp quá nặng, suy dinh dưỡng cao và không được chăm sóc y tế tốt có thể dẫn đến tử vong.

Bác sĩ khuyên, đối với những trẻ bị nhiễm sởi nhẹ thì có thể triều trị tại nhà. Đối với những kẻ bị nhiễm bệnh, phụ huynh không nên cho đến trường vì sẽ lây lan cho những trẻ khác. Khi phát hiện trẻ bị sốt cao, co giật, đi phân ra máu, chảy mủ tai… phụ huynh nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị. Trong quá trình điều trị nên đo nhiệt độ thường xuyên của trẻ, không để sốt cao kéo dài để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Tất cả các bệnh viện hiện nay đều có trường hợp trẻ bị nhiễm sởi dạng nhẹ. Tuy nhiên, do phụ huynh lo lắng nên xin được nằm viện. Chính điều này đã khiến tình trạng quá tải thêm nghiêm trọng.

Bệnh sởi lan rộng tại TP.HCM - 3

Tiêm chủng là cách tốt nhất để phòng bệnh sởi

Nhiều bác sĩ cho rằng tình trạng bệnh sởi lan rộng trên địa bàn TP.HCM hiện nay là do không tiêm vắc xin sởi cùng thời điểm cách đây chừng một năm. Tại bệnh viện Nhi Đồng 2, các trẻ nhập viện hầu hết là chưa được tiêm phòng sởi.

Trong khi đó, tại khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1, một y tá cho hay nhiều trường hợp trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm phòng bệnh sởi thì đã nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh lo ngại những biến chứng sau khi tiêm vắc xin sởi nên khi con đã đến tuổi nhưng vẫn không cho tiêm ngừa.

Ông Nguyễn Trí Dũng, giám đốc Trung tâm y tế Dự phòng TP.HCM cho biết, việc tiêm vắc xin sởi đang gặp nhiều khó khăn. Bởi, nhiều phụ huynh lo lắng biến chứng sau khi tiêm nên từ chối tiêm vắc xin sởi. Đây cũng chính là lý do tạo điều kiện cho bệnh sởi phát triển. Bên cạnh đó, một số địa điểm lượng trẻ đến tiêm vắc xin cao hơn so với công suất 50 trẻ, mỗi bàn tiêm một buổi.

Trao đổi với chúng tôi, hầu hết tất cả các bác sĩ đều lo ngại, theo diễn biến hiện nay, trong khoảng thời gian tới, bệnh sởi có thể bùng phát mạnh mẽ hơn.

Ngọc Bình
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch sởi bùng phát