1001 tình huống dở khóc dở cười khi lì xì ngày Tết

Ngày 29/01/2017 00:10 AM (GMT+7)

Tục lì xì đang biến tướng khiến nó mất dần đi ý nghĩa và xung quanh đó là những tình huống, câu chuyện dở khóc dở cười khi lì xì ngày Tết.

Chị Nguyễn Thu Thủy (quê Hải Phòng) – nhân viên văn phòng trên đường Hoàng Cầu (Hà Nội) chia sẻ, mỗi dịp cận Tết năm trước, chị phải chạy đôn chạy đáo để đổi tiền lẻ về quê mừng tuổi.

Chị chuẩn bị tiền với nhiều mệnh giá khác nhau từ 10.000 đồng đến 100.000 đồng để cho vào các phong bao lì xì. Người lớn tuổi, chị Thủy mừng tuổi mệnh giá lớn, trẻ con trong họ chị mừng tuổi mệnh giá 20.000 đồng, còn trẻ con hàng xóm 10.000 đồng.

Nghĩ tưởng mọi chuyện như vậy là êm xuôi nhưng sáng mùng 1 Tết, chị Thủy đã được một phen “bẽ mặt”. Sau khi mừng tuổi, mấy đứa trẻ xé luôn phong bao lì xì để khoe với nhau. Đứa được 20.000 đồng thì mặt hớn hở, đứa được 10.000 đồng thì mặt buồn thiu và buông câu “giờ còn mừng tuổi 10 nghìn”.

1001 tình huống dở khóc dở cười khi lì xì ngày Tết - 1

Mỗi dịp cận Tết năm trước, chị phải chạy đôn chạy đáo để đổi tiền lẻ về quê mừng tuổi. (Ảnh minh họa)

Chị Đào Thị Hiên (quê Bắc Giang) - nhân viên kế toán trên Lê Văn Lương (Thanh Xuân, Hà Nội) nhớ lại, Tết năm trước chị suýt mang tiếng để đời vì chuyện mừng tuổi.

Chuyện là trước Tết, chị Hiên đã chuẩn bị tiền mừng tuổi với nhiều mệnh giá khác nhau cho vào bao lì xì. Đi chúc Tết nhà bà cố họ, chị rút lì xì ra mừng tuổi, không may rút phải phong bao 10.000 đồng.

“Vì mang theo nhiều phong bao nên tôi bị nhầm lẫn, may mà lúc đưa, tôi có hé ra xem rồi đổi lại. Nếu không xem lại thì chắc tôi mang tiếng để đời, là đi làm cả năm về mừng tuổi bà cố 10.000 đồng”, chị Hiên nói.

Chuyện của anh Hà Trọng Hùng (Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) lại là một tình huống bi hài khác. Một lần đi chúc Tết, do gặp nhiều trẻ con ở một nhà người bạn, anh đã dùng hết số tiền chuẩn bị sẵn để mừng tuổi. Khi đến nhà tiếp theo, trong ví chỉ còn tiền mệnh giá loại 500.000 đồng. Trong khi 2 người bạn đi cùng đã làm xong “nghĩa vụ” thì anh vẫn cứ loay hoay không biết phải làm sao.

Nhà bạn anh Hùng có hai đứa trẻ. Nếu lì xì mỗi đứa một tờ thì hết 1 triệu, mà năm mới đi đổi tiền lẻ không tiện. Loay hoay một hồi, cuối cùng anh Hùng quyết định “bùng”.

Sự biến tướng của tục lì xì ngày Tết

Còn rất nhiều câu chuyện bi hài khác liên quan đến tục lì xì đầu năm mà người dân gặp phải. Trong xã hội phát triển, tục lì xì ngày càng biến tướng. Nhiều người cảm thấy lo sợ mỗi khi Tết đến, tâm lý kiếm chác, thiệt hơn đã làm mất dần đi ý nghĩa của tục lì xì.

Giáo sư Kiều Thu Hoạch - Nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam cho biết, tục lì xì bắt nguồn từ Trung Hoa. Lì xì là tiếng Quảng Đông, sang Việt Nam bản địa hóa gọi là mừng tuổi.

1001 tình huống dở khóc dở cười khi lì xì ngày Tết - 2

Nhiều người cảm thấy lo sợ mỗi khi Tết đến, tâm lý kiếm chác, thiệt hơn đã làm mất dần đi ý nghĩa của tục lì xì. (Ảnh minh họa)

“Ngày xưa, người lớn thường mừng tuổi trẻ nhỏ bằng những đồng xu một vài hào để lấy may ngày Tết.Tuy nhiên, ngày nay, thay vì những đồng tiền lẻ, người ta mừng tuổi cho trẻ bằng những đồng polime, thậm chí là đô la có mệnh giá lớn. Lì xì ngày Tết dường như là một cơ hội để “kiếm chác, biếu xén” của các bậc cha mẹ”, giáo sư Hoạch nói.

Theo giáo sư Hoạch, trẻ nhỏ ngày nay đang bị ảnh hưởng chung của xã hội vụ lợi và từ chính các bậc phụ huynh. Những hành động làm biến dạng phong tục mừng tuổi chủ yếu là do người lớn gây ra nhưng lại vô tình tác động, ảnh hưởng không tốt đến tâm hồn con trẻ. Nhiều trẻ chỉ xem việc được người lớn mừng tuổi trong ngày Tết là dịp để “thu hoạch”.

Đáng buồn hơn, suy nghĩ thực dụng từ người lớn lan sang cả trẻ nhỏ khiến chúng bắt đầu có sự so bì, người này mừng tuổi ít, người kia mừng tuổi nhiều. Thậm chí, một số em còn đánh giá người lớn keo kiệt hay thoáng, tốt bụng qua tỷ lệ số tiền mà họ mừng tuổi…

“Chuyện trẻ nhỏ thích tiền thì thời nào cũng có. Thấy tiền lì xì ít, trẻ thường vùng vằng và có những câu nói dại dột. Khi đó, cha mẹ, người lớn phải là những người ứng xử tế nhị và sau đó dạy trẻ lại sao cho hiệu quả. Việc mừng tuổi cần phải được tuyên truyền và vận động rộng rãi để người lớn ý thức được rằng, đó là tiêu cực và trở về với đúng ý nghĩa tốt đẹp ban đầu”, giáo sư Hoạch cho hay.

Theo Triệu Quang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hôn nhân gia đình