3 mỹ nhân nổi tiếng lịch sử vì suy nghĩ kì quái, thà chết chứ không làm hoàng hậu

Ngày 23/09/2017 00:02 AM (GMT+7)

Rất nhiều mỹ nữ trong lịch sử Việt Nam không mơ tưởng đến cuộc sống hào hoa mà chỉ muốn sống một cuộc đời bình dị.

Hoa Nương tự vẫn để thoát khỏi nhập cung

Tại trang An Lạc, đất Quảng An (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) có vợ chồng ông Nguyễn Nhân và bà Hoàng Thị, ăn ở hiền lành, tu nhân tích đức, ham làm việc thiện, chỉ hiềm nỗi mãi vẫn chưa có con.

Một lần vào mùa hè, bà Hoàng Thị ngồi hóng mát ở một gò nhỏ trong làng. Cái gò này có hình con rùa nên gọi là gò Kim Quy, ngồi một lát bà thấy người đau bụng, rồi bà có thai.

Đúng vào giờ ngọ, bà sinh được một người con gái, tương truyền lúc bấy giờ hương thơm ngào ngạt lan tỏa khắp nhà, ai ai cũng cho đó là điềm lạ, phúc lành. Hai vợ chồng đặt tên là Hoa Nương và nuôi nấng rất chu đáo.

3 mỹ nhân nổi tiếng lịch sử vì suy nghĩ kì quái, thà chết chứ không làm hoàng hậu - 1

Hoa Nương càng lớn càng xinh đẹp, tóc dài đen nhánh, mắt phượng mày ngài, môi đỏ như son, miệng cười tươi như hoa chúm chím nở.

Khi Hoa Nương 18 tuổi, rất nhiều chàng trai đến cầu hôn nhưng nàng chưa ưng ai cả. Vua Đinh Tiên Hoàng lúc đó dù đã có đầy đủ cung tần mỹ nữ, nhưng vẫn mê mẩn nhan sắc của Hoa Nương, mang lễ vật mời ông Nguyễn Nhân về triều, ngỏ ý muốn Hoa Vương nhưng nàng nhất quyết từ chối. 

Không thuyết phục được con, vợ chồng Nguyễn Nhân đành viết thư về triều xin nhận tội, Hoa Nương sợ rằng mình không vào triều thì vua sẽ trách tội lên cha mẹ, nên quyết định tìm đến cái chết để giải quyết nỗi khó xử này.

Mọi người ai cũng lấy làm xót thương, liền đưa thi hài cô gái hồng nhan mà mệnh bạc về táng trên gò đất Mộc Tinh ở làng.

Nữ tướng từ chối ngôi vị Hoàng Hậu

Mẹ mất sớm, Phạm Thị Toàn được người cha là Phạm Lương một tay nuôi nấng, dạy dỗ. Lúc đó, đất nước ta bị quân Lương đô hộ, ông luôn nhắc nhở cô con gái về nỗi đau của người dân mất nước. Ông cho con gái của mình học võ nghệ và cách bày quân đánh trận.

Phạm Lương bán dần gia tài, để có tiền của chiêu mộ binh mã chống quân Lương. Năm 541 khi hào trưởng Lý Bí dựng cờ khởi nghĩa đánh quân Lương, Phạm Lương liền đem nghĩa quân của mình gia nhập cùng quân của Lý Bí.

Phạm Thị Toàn tuy phận nữ nhi nhưng luôn dẫn đầu ba quân, dũng cảm xông pha giữa làn tên đạn, không quản nguy hiểm gian khổ khiến ba quân đều nể phục. Quân Lương nhanh chóng bị đánh tan.

3 mỹ nhân nổi tiếng lịch sử vì suy nghĩ kì quái, thà chết chứ không làm hoàng hậu - 2

Tuy phận nữ nhi nhưng Phạm Thị Toàn luôn dẫn đầu ba quân. (Ảnh minh họa)

Năm 542 quân Lương tiến sang xâm lược nước ta một lần nữa, nữ tướng Phạm Thị Toàn tiến quân ra bắc dẹp tan quân giặc. Năm 543, Phạm Thị Toàn lại tiến quân xuống phương nam dẹp tan quân Lâm Ấp.

Mùa xuân năm 544 đất nước bình yên Lý Bí lên ngôi Hoàng Đế, tự xưng là Lý Nam Đế, đổi tên nước là Vạn Xuân và ngỏ ý muốn đưa Phạm Thị Toàn vào cung nhưng đã bị bà khéo léo từ chối: “Vì sự nghiệp phục quốc mà phận gái liễu bồ nghĩ cũng phải góp phần gánh vác, đó là tâm nguyện lớn lao không mong gì hơn. Nay việc lớn đã thành, chỉ xin cho thiếp ở lại chốn quê hương chăm sóc phần mộ cha mẹ, vui với cảnh ruộng đồng, hàng ngày nghe câu kinh tiếng kệ”.

Không dám cưỡng ép, Lý Bí đành phải chấp thuận lời thỉnh cầu này. Từ đó Phạm Thị Toàn về quê tịnh tu cho đến lúc mất, người dân lập đền thờ phong bà là Thành Hoàng.

Ni cô chạy trốn để thoát khỏi làm vợ vua

Một lần vua Lê Thánh Tông ghé thăm trường Quốc Tử Giám, lúc về có ghé ngôi chùa gần đó là chùa Ngọc Hồ. Vào tới sân chùa, vua nghe thấy có tiếng người tụng kinh, giọng trong trẻo diệu kỳ như vút lên tận tầng mây, lại gần thì ngây ngất, sững sờ khi thấy ni cô đẹp như một tiên nữ giáng trần khiến cho tâm thần đức vua không khỏi xốn xang.

Ni cô quay lại, làm lễ, nhận thấy đôi mắt nhà vua nhìn mình đăm đắm, bèn lấy bút đề vào vách chùa hai câu thơ Nôm:

Tới đây mến cảnh mến thầy

Tuy vui đạo Bụt, chưa khuây lòng trần!

3 mỹ nhân nổi tiếng lịch sử vì suy nghĩ kì quái, thà chết chứ không làm hoàng hậu - 3

Vua Lê Thánh Tông thật sự cảm phục trước sự mẫn tuệ và cao khiết của ni cô, bèn một mực rước mời ni cô lên xa giá về cung để lập làm phi. (Ảnh minh họa)

Câu thơ nói đúng tâm trạng của vua lại càng làm Lê Thánh Tông xao xuyến, vua liền sai các quan hầu cận làm thơ vịnh để ghi nhớ buổi kì ngộ. Bài của phó nguyên soái Thân Nhân Trung làm nhanh nhất và hay nhất viết rằng:

Ngẫm sự trần duyên khéo cực cười

Sắc không, tuy Bụt, ấy lòng người

Chày kình một tiếng tan niềm tục

Hồn bướm ba canh lẩn sự đời

Bể ái nghìn tầm mong tát cạn

Nguồn ân muôn trượng chửa khơi vơi

Nào nào cực lạc là đâu tá?

Cực lạc là đây chín rõ mười.

Đọc xong, ni cô liền phê rằng: “Hai câu thực và luận còn thiếu ý lại chưa thanh, nên sửa là: Gió thông đưa kệ tan niềm tục/Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời”.

Vua Lê Thánh Tông thật sự cảm phục trước sự mẫn tuệ và cao khiết của ni cô, bèn một mực rước mời ni cô lên xa giá về cung để lập làm phi.

Biết khó có thể chối từ ngay được, ni cô đành thuận theo nhưng tìm cách thoát khỏi tình cảnh khó xử này. Không rõ bằng cách nào, khi xa giá vừa đến cửa Đại Hưng (khu vực Cửa Nam, Hà Nội ngày nay) thì trong xe không còn thấy bóng ni cô đâu nữa.

Vua Lê Thánh Tông ngạc nhiên tin chắc ni cô là một tiên nữ giáng trần. Lòng ngơ ngẩn tiếc nuối mãi, rồi truyền lệnh cho xây lầu Vọng tiên ở ngay đó để kỷ niệm và cũng để ngóng trông, hy vọng có dịp tái ngộ với người con gái tài sắc ấy.

LN (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thâm cung bí sử