3 nàng công chúa Việt nổi tiếng, vừa có tài, vừa có sắc khiến người người ngưỡng mộ

Ngày 25/04/2017 00:10 AM (GMT+7)

Họ đều là những mỹ nhân Việt tài sắc vẹn toàn, được đánh giá có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử.

Công chúa Huyền Trân

Huyền Trân công chúa là công chúa đời nhà Trần, con gái của Trần Nhân Tông, em gái của vua Trần Anh Tông.

Muốn xóa đi mối hận thù, mặc cảm Chiêm – Việt từ bao đời nên vua Trần Nhân Tông đã hứa gả con gái yêu Huyền Trân cho Chế Mân. Thượng hoàng hẹn sau 4 năm, khi công chúa đủ 18 tuổi thì sẽ cho Chế Mân mang sính lễ sang cầu hôn.

Trở về nước, ông kể về chuyến du hành phương Nam và ông vua trẻ Chế Mân văn võ song toàn cho con gái Huyền Trân. Người bảo Huyền Trân giơ bàn tay lên và nói: “Con có thấy trên bàn tay con có hình bóng của phụ hoàng và Thái Hậu không? Trên bàn tay con không những có ta, có mẹ con mà còn có cả giống nòi đất nước”. Câu nói đầy ý nghĩa ấy khiến Công chúa Huyền Trân hiểu được trọng trách mà Phụ hoàng giao phó trên đôi vai bé nhỏ của mình.

3 nàng công chúa Việt nổi tiếng, vừa có tài, vừa có sắc khiến người người ngưỡng mộ - 1

Công chúa Huyền Trân (Ảnh minh họa).

Tháng sáu năm Bính Ngọ (1306), lễ rước dâu được cử hành trọng thể. Huyền Trân được rước về nhà chồng ở phương Nam xa lạ. Chế Mân cho mở hội 3 ngày trên cả nước để đón mừng cô dâu, làm lễ đăng quang Hoàng hậu. Ông còn cho khắc bia đá ghi sự kiện lịch sử này.

Sống trên đất Chăm, Hoàng hậu Huyền Trân được vua yêu quý cho đi du hành, vãn cảnh, đồng thời tìm hiểu cuộc sống, hoàn cảnh của dân. Những thực tại đói khát, vất vả, bệnh tật nơi thôn dã khiến Hoàng hậu không vui. Bà tâu bày với vua việc quan tâm đến dân, chỉ ra những tồn tại yếu kém của bộ máy quan lại nhũng nhiễu dân cần được khắc phục.

Chế Mân cảm phục tấm lòng từ bi, bác ái của Huyền Trân nên đã có những chấn chỉnh để gần dân hơn. Thế nhưng chỉ sau gần một năm nghĩa tình đằm thắm, hương lửa mặn nồng, vua Chiêm bị ám sát. Huyền Trân trở thành góa bụa. Theo lệ người Chăm khi vua mất, Hoàng hậu, phi tần phải lên giàn hỏa chết theo. Việc này sẽ đến với Huyền Trân ngay sau khi bà sinh con.

Trần Anh Tông đã sai Trần Khắc Chung tới Chiêm Thành cứu Huyền Trân về. Trần Khắc Chung vờ sang viếng tang, tìm cách cứu Huyền Trân. Bày kế thành công, Khắc Chung đã cứu được Huyền Trân đưa xuống thuyền về Đại Việt bằng đường biển. Còn Huyền Trân thì như xác không hồn, khi tỉnh mới rõ cơ sự. Tháng 8 năm Mậu Thân (1308), công chúa Huyền Trân về đến Thăng Long. Theo di mệnh của Thượng hoàng, công chúa xuất gia ở núi Trâu Sơn (nay thuộc Bắc Ninh) vào năm (1309) và được ban pháp danh “Hương Tràng”.

Cuối năm Tân Hợi (1311), Hương Tràng cùng một thị nữ quy y đến làng Hổ Sơn, huyện Thiên Bản (nay thuộc Nam Định), lập am dưới chân núi Hổ để tu hành. Sau đó, am tranh trở thành điện Phật, tức chùa Nộm Sơn hay còn gọi là Quảng Nghiêm Tự. Bà là người nổi tiếng thương chúng sinh, giúp người cơ nhỡ, để lại tiếng thơm trên quê hương Nam Định. Khi bà mất, dân trong thôn còn tạc tượng tôn thờ.

Công chúa An Tư

An Tư công chúa là một trong 2 vị công chúa nổi tiếng nhất lịch sử nhà Trần vì cuộc hôn nhân mang tính trọng đại. Công chúa An Tư Là con gái vua Trần Thái Tông, em gái út của vua Trần Thánh Tông.

3 nàng công chúa Việt nổi tiếng, vừa có tài, vừa có sắc khiến người người ngưỡng mộ - 2

Công chúa An Tư (Ảnh minh họa).

Tuy công chúa An Tư đã có công lớn góp vào chiến thắng chung của cả dân tộc, nhưng sử sách ghi chép rất sơ lược về cuộc đời bà. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chỉ viết vẻn vẹn: “Sai người đưa công chúa An Tư (em gái út của Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan, là muốn làm thư giãn loạn nước“.

Tháng Chạp năm Ất Dậu (1285), hơn nửa triệu quân nguyên do Thoát Hoan cầm đầu, tràn sang xâm lược nước ta lần thứ hai. Khi giặc áp sát kinh thành Thăng Long, tình hình trở nên vô cùng căng thẳng, Trần Khắc Chung được sai đi sứ để giảng hòa, làm chậm tốc độ tiến quân của giặc nhưng không có kết quả. Để tận dụng thời gian củng cố lực lượng, vua Trần Thánh Tông không còn cách nào khác, phải dùng đến kế mỹ nhân, sai dâng em gái út cho Trấn Nam Vương Thoát Hoan để tạm cầu hòa.

Tuân theo lệnh vua và vì an nguy của xã tắc, công chúa An Tư đã từ bỏ cuộc sống êm ấm, nhung lụa trong cung đình để hiến dâng tuổi trẻ, tính mạng để làm nội gián cho triều Trần. Tháng 3 năm 1285, An Tư vào dinh Thoát Hoan (ở bờ bắc sông Hồng). Ở trại giặc, công chúa đã sống như thế nào, làm được những gì, không ai biết. Song, một điều rõ rằng, bà đã phải âm thầm nuốt nhục, chiều chuộng con trai của Hốt Tất Liệt.

Đúng là “Anh hùng khó qua ải mỹ nhân”. Vì quá si mê An Tư, Thoát Hoan rơi vào ma trận tình cảm, đã quên cả việc tấn công Thăng Long, tạo cơ hội quý giá cho quân nhà Trần có thể rút lui một cách an toàn. Đến tháng Tư cùng năm, quân Đại Việt phản công dữ dội ở hầu khắp các mặt trận khiến cho quân Nguyên đại bại. Riêng Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trốn qua biên giới.

Số phận công chúa An Tư vẫn còn là một bí ẩn. Trong cuốn “An Nam chí lược” của Lê Tắc có ghi: “Trước, Thái tử (chỉ Thoát Hoan) lấy người con gái nhà Trần sinh được hai con”. Người con gái họ Trần này có thể là công chúa An Tư, tuy nhiên chưa có chứng cứ rõ ràng khẳng định điều này. Sau chiến thắng, các vua Trần làm lễ tế lăng miếu khen thưởng công thần, truy phong tướng lĩnh, nhưng không ai nhắc đến An Tư. Thế nhưng, dù triều Trần và sử sách có quên nàng thì các thế hệ đời sau vẫn dành cho nàng sự kính trọng, thương cảm…

Công chúa Ngọc Hân

Công chúa Lê Ngọc Hân sinh ngày 27 tháng 4 năm Canh Dần (1770) tại kinh thành Thăng Long. Bà là con gái thứ 9 của vua Lê Hiển Tông. Mối tình Ngọc Hân – Quang Trung lâu nay vẫn được xem là một mối tình đẹp: Trai anh hùng, gái thuyền quyên.

Nửa cuối thế kỷ 18, hai nhà Trịnh – Nguyễn sau 7 lần chiến tranh thôn tính nhau không thành đều sức cùng lực kiệt. Giữa lúc đó, anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ nổi lên như một thế lực ở đất Tây Sơn và mau chóng lật đổ hoàn toàn họ Nguyễn ở Đàng Trong.

Năm 1786, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc và và tiếp tục nhanh chóng đè bẹp quân Trịnh với chiêu bài “phù Lê diệt Trịnh”. Diệt xong họ Trịnh, Nguyễn Huệ tới yết kiến vua Hiển Tông. Do sự mai mối của tướng Bắc Hà vào hàng Tây Sơn là Nguyễn Hữu Chỉnh, Ngọc Hân vâng mệnh vua cha kết duyên cùng Nguyễn Huệ. Khi đó bà mới 16 tuổi, còn Nguyễn Huệ 33 tuổi.

3 nàng công chúa Việt nổi tiếng, vừa có tài, vừa có sắc khiến người người ngưỡng mộ - 3

Công chúa Lê Ngọc Hân và vua Quang Trung (Ảnh minh họa).

Lễ cưới được tổ chức linh đình vào ngày 11 tháng 7 năm Bính Ngọ (tức 4/8/1786 Dương lịch). Mối tình của Ngọc Hân và Quang Trung ban đầu chỉ là sự sắp đặt theo mưu đồ chính trị của Nguyễn Hữu Chỉnh và tôn thất nhà Lê nhằm tạo một sự ràng buộc bằng tình cảm giữa Nguyễn Huệ với nhà Lê.

Tuy nhiên, sau đó, cuộc tình này lại trở thành một thiên tình sử đẹp. Khi Nguyễn Huệ xưng Quang Trung hoàng đế để tiến ra Bắc đánh quân Thanh đã phong Ngọc Hân làm Bắc cung Hoàng hậu. Đến khi nhà vua đại phá quân Thanh, giữa không khí thắng lợi tưng bừng vẫn không quên cho người mang một cành đào cấp tốc đưa về Phú Xuân cho Ngọc Hân. Đặc biệt nhất, khi vua Quang Trung mất, Ngọc Hân đã viết nên tác phẩm “Ai Tư Vãn” bất hủ để khóc Quang Trung khiến cho mối tình của họ đi vào văn học.

Theo Chu Quang Trứ trong “Danh nhân Lê Ngọc Hân”, sau khi Quang Trung mất, bà đưa con ra khỏi cung điện Phú Xuân, sống trong chùa Kim Tiền (Dương Xuân ở Huế) cạnh điện Đan Dương để thờ chồng nuôi con. Bà mất ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (4 tháng 12 năm 1799), lúc mới 29 tuổi.

LnH (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những nhan sắc một thời