Bác sĩ mổ nhầm chân bệnh nhân, mong sự tha thứ để làm gì?

Ngày 22/07/2016 09:01 AM (GMT+7)

Dung thứ cho sai lầm của bác sĩ là việc của những người vị tha nhưng lên án cũng không hẳn là những người không có trái tim thương cảm. Mà đó là cách để người ta nhắc nhở những người đang nắm trong tay sinh mệnh của người khác không được phép lơ là khi cầm trên tay dao mổ.

Những sự việc xảy ra gần đây luôn chia rẽ quan điểm của cộng đồng thành hai luồng quan điểm trái ngược. Đó cũng là điều tất yếu của cuộc sống, khi mỗi người đều đứng trên một bình diện khác nhau để đánh giá sự việc.

Ban đầu là trường hợp anh công an “giơ chân bật nhảy” khiến cho hai thanh niên chạy ngược chiều lao vào dải phân cách. Bên ủng hộ cho rằng đó là biện pháp ngăn chặn cần thiết trước hành vi vi phạm có thể gây nguy hiểm cho người khác. Bên phản đối cho rằng, hành vi trên là quá mức cần thiết, có thể trực tiếp cướp đi mạng sống của người tham gia giao thông, trong khi lỗi của họ chưa đến mức bị đối xử như vậy.

Tiếp đến là trường hợp chấn động dư luận về đêm, khi thông tin bác sĩ mổ nhầm chân bệnh nhân được truyền thông đưa tin. Theo thống kê của một tờ báo, việc mổ nhầm chân hóa ra không phải là trường hợp hy hữu, lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là nó lại xảy ra ở một bệnh viện tuyến Trung ương và là một trong những bệnh viện đầu ngành về ngoại khoa.

Tại buổi họp báo công bố sự kiện này, GS.TS Trần Bình Giang (Phó giám đốc bệnh viện) đã nhắc đến lịch sử vẻ vang hơn 110 năm của bệnh viện, với 50 ngàn ca mổ một năm…Những con số đó không hề vô cảm, nhưng vô tình nó lại nhấn mạnh thêm rằng, với từng ấy bề dày thành tích, với từng ấy năng lực “mổ xẻ”, sai lầm này đúng là hy hữu và không thể chấp nhận được.

Bác sĩ mổ nhầm chân bệnh nhân, mong sự tha thứ để làm gì? - 1

Giả sử, nếu không phải là chân mà là một bộ phận nào đó khó thấy trong cơ thể, liệu bệnh nhân và người nhà có thể phát hiện ra sai lầm của bác sĩ hay  không? (ảnh internet)

GS Trần Bình Giang khi được hỏi về quan điểm cá nhân, với tư cách một người có thâm niên cầm dao mổ rằng, theo ông điều gì đã làm nên sai sót kể trên, vị GS tự nhận rằng “tôi mổ cũng được đấy, nhưng trả lời báo chí thì chưa quen lắm”, cho biết: Nguyên nhân phải chờ kết luận của hội đồng. Nói như thế, phải công nhận ông trả lời báo chí cũng khéo kém gì cầm dao mổ đâu.

Còn trước câu hỏi: Có hay không việc phẫu thuật viên không đọc bệnh án trước khi mổ?, GS Trần Bình Giang khẳng định chắc nịch: Tôi chắc chắn không có chuyện đó.

Tuy nhiên, nhiều thông tin từ người nhà và bệnh nhân lại chứng minh một điều ngược lại, phẫu thuật viên có vẻ như đã không thực hiện đầy đủ công đoạn nêu trên.

GS Trần Bình Giang cũng nhắc đến nhiều quy trình để thực hiện mổ, từ quy trình của ngành y tế, đến quy trình của bệnh viện. Những quy trình rất chặt chẽ. Nhưng dù chặt chẽ đến đâu thì việc thực hiện vẫn do con người đảm nhận. Và chẳng ai dám chắc họ có bỏ qua một truy trình đáng lẽ ra phải thực hiện hay không ?.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn vừa có một bài viết, trong bài viết này ông có nhắc lại câu chuyện mình từng mổ nhầm vào não của bệnh nhân cũng do việc nhầm lẫn trái hay phải, dù ông có hỏi xác nhận đồng nghiệp trong phòng mổ. Ngay sau khi sự cố xảy ra, ông đã khắc phục và được ai đó tư vấn nên diễn giải sai lầm này của mình thành “mổ thăm dò”. Bác sĩ Võ Xuân Sơn đã không làm điều đó, tuy nhiên nếu ông trả lời như trên thì có lẽ cũng chẳng mấy ai ngoài ê kíp mổ nhận ra sự thật.

Nghề Y là một nghề đặc thù. Đặc thù nên người ta phải học nhiều hơn các ngành khác. Học trong trường và còn cần nhiều hơn thế nữa để được cầm dao mổ rạch lên thân thể bệnh nhân. Nhưng cũng chính vì đặc thù đó mà không phải khi nào bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân có đủ kiến thức để phán đoán việc mình bị mổ sai, mổ nhầm. Tha thứ hay không cũng có nghĩa lý gì? Vì việc cũng đã xảy ra rồi và thường trực chính là nỗi lo lắng của những chuyện tương tự xảy ra những lần sau nữa.

Giả sử, nếu không phải là chân mà là một bộ phận nào đó khó thấy trong cơ thể, liệu bệnh nhân và người nhà có thể phát hiện ra sai lầm của bác sĩ hay  không? Nghĩ đến chợt thấy rùng mình...

Có câu rằng: “Thánh nhân nào cũng có một quá khứ còn kẻ tội đồ nào cũng có một tương lai”. Bác sĩ mổ nhầm dĩ nhiên cũng có tương lai, nhưng bệnh nhân bị mổ nhầm cũng có một tương lai. Dung thứ cho sai lầm của bác sĩ là việc của những người vị tha, phán xét và lên án hành động đó cũng là việc của những người phẫn nộ. Người lên án chưa hẳn đã là người không có trái tim thương cảm, mà đó là cách để người ta nhắc nhở những người đang nắm trong tay sinh mệnh của người khác không được phép lơ là khi cầm trên tay dao mổ.

Hồ Viết Thịnh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Buôn chuyện