Bên lề WC 2014: Đừng “đổ oan” cho trái bóng!

Ngày 17/06/2014 11:09 AM (GMT+7)

Mùa World Cup, cùng với không khí sôi động khi trái bóng lăn thì cũng là mùa “cá độ” bóng đá “lên ngôi”. Đây cũng được xem là hệ quả “mặt trái” mà không ai mong muốn.

“Này, để xe đấy để tôi đi làm với đưa con đi học. Đừng có mà đụng vào. Dám làm dám chịu, cầm xe rồi thì chịu khó cuốc bộ mà đến cơ quan”, tiếng chị Hà (hàng xóm nhà tôi) lanh lảnh nói với chồng. Và sau vài tiếng lầu bầu, chồng chị - anh Thanh dựng chiếc xe máy vào góc sân rồi đi bộ ra ngõ gọi xe ôm chở đi làm. Ba hôm nay, vợ chồng chị giận nhau, anh Thanh không về nhà, bữa cơm tối chỉ có 3 mẹ con chị ngồi ăn. Khuya anh Thanh mới về.

Trước kia gia đình chị sống rất hạnh phúc, vợ chồng chị rất ít khi to tiếng với nhau. Hai con của anh chị bé Hoa học lớp 6 và cu Minh học lớp 2, cả hai cháu đều ngoan ngoãn và đều học giỏi. Anh Thanh là kỹ sư, làm ở một công ty xây dựng nhà nước, còn chị Hà thì làm kế toán ở Công ty CP bóng đèn và phích nước, cả hai đều có thu nhập ổn định.

Bên lề WC 2014: Đừng “đổ oan” cho trái bóng! - 1

Bóng đá là "môn thể thao vua" được nhiều người, nhiều lứa tuổi yêu thích. (Ảnh minh họa)

Chuyện “lục đục” của vợ chồng anh chị mới xảy ra gần đây, khi trái bóng mùa World Cup bắt đầu lăn trên sân cỏ. Anh Thanh là người đam mê bóng đá, điều này không có gì lạ bởi đa phần đàn ông trên thế giới này ai mà chẳng đam mê bóng đá. Song có một thứ khác còn khiến anh Thanh đam mê hơn: cá độ bóng đá. Dù World Cup mới bắt đầu 1 tuần nay nhưng anh Thanh đã tham gia tới 5 trận cá độ, mà rủi thay, cả 5 trận anh đều bắt trượt, trắng tay.

Tôi nhớ cách đây mấy hôm, lúc trà đá ở đầu ngõ, anh Thanh bảo: “Tối mai bắt trận Hà Lan – Tây Ban Nha. Tôi đặt ‘cửa trên’ Tây Ban Nha. Chắc chắn gỡ được mấy trận trước, mà có khi còn… ‘ăn ra’ cũng nên”.

Tôi không rõ anh Thanh “bắt” trận Hà Lan – Tây Ban Nha với giá bao nhiêu nhưng chỉ biết tối hôm sau tuyển Tây Ban Nha đã thua đậm trước tuyển Hà Lan với tỉ số 1 – 5. Trên các trang mạng xã hội, dân mạng kêu rầm trời vì thua độ, bắt trượt khi chọn đội bóng Tây Ban Nha làm “cửa trên”.

Bên lề WC 2014: Đừng “đổ oan” cho trái bóng! - 2

Hiện nay, việc quản lý các cơ sở kinh doanh dạng cầm đồ, cho vay nặng lãi vẫn chưa có một chế định, chế tài thống nhất và cụ thể nào nên rất khó để kiểm soát hoạt động này. (ảnh minh họa)

Tối hôm sau, người ta nghe thấy từ bên nhà anh Thanh, vọng ra tiếng cãi nhau to giữa vợ chồng anh chị. Qua tiếng chị Hà, người ta cũng lờ mờ đoán ra được phần nào câu chuyện: vì ham gỡ mấy lần thua từ cá độ các trận trước đó, trong trận Hà Lan – Tây Ban Nha, anh Thanh đã quyết chơi một vố lớn. Anh đã lấy hết tiền lương của mình và vợ, lại cắm luôn chiếc xe máy hay đi làm để ném vào trận cá độ này. Anh chọn “cửa trên” là Tây Ban Nha. Chung cuộc, Tây Ban Nha thua. Anh Thanh trắng tay. Chị Hà mở tủ lấy tiền đi chợ nhưng không thấy, lại không thấy xe máy của chồng đâu, anh lại nằm dài cả ngày ở nhà mà không đi làm, sinh nghi mới gặng hỏi và biết mọi chuyện. Vậy là vợ chồng cãi nhau.

Những “ca” như gia đình vợ chồng anh Thanh – chị Hà trong mùa World Cup không phải là hiếm. Có nhiều gia đình, ông chồng đam mê bóng đá và cá độ bóng đá mà đã quên ăn quên ngủ, thậm chí quên cả… vợ con, sẵn sàng đem tài sản trong nhà đi cầm cố để lấy tiền ném vào các trận cá độ. Thắng thì “ham ăn”, thua thì “ham gỡ”, nhưng tựu chung chưa thấy ai giàu lên qua mùa bóng mà sau mùa giải, nhiều gia đình lâm vào cảnh ngập trong nợ nần, thậm chí phá sản.

Cùng với không khí sôi động của trái bóng mùa World Cup, thị trường cầm đồ cũng “vào mùa” và náo nhiệt không kém. Dạo qua các phố cầm đồ “truyền thống” như Đặng Dung, Đường Láng, Cổ Nhuế,…, các tiệm cầm đồ gần như mở 24/24 và không lúc nào ngớt khách. Mới đây, trên một số trang mạng xã hội còn lưu truyền rộng rãi một bức ảnh chụp một tiệm cầm đồ được cho là ở Bình Dương với các bảng hiệu khiến người xem không khỏi giật mình: “Tưng bừng World Cup 2014; Cầm đồ làm việc 24/24”!

Hiện nay, việc quản lý các cơ sở kinh doanh dạng cầm đồ, cho vay nặng lãi vẫn chưa có một chế định, chế tài thống nhất và cụ thể nào nên rất khó để kiểm soát hoạt động này. Có điều, trong khi còn chờ chế định thì theo quy luật có ‘cầu’ thì có ‘cung’, khi còn có những con bạc khát nước thì hoạt động này tất vẫn diễn ra. Và mùa World Cup cũng là mùa “thu hoạch” của những cơ sở cầm đồ này khi những con bạc cầm cố tài sản để “bắt độ” bị thua và trắng tay. Nhiều gia đình tan vỡ. Nhiều vụ trọng án đã xảy ra. Nhiều hoạt động xã hội bị đảo lộn,… Và nhiều người đã phải thốt lên rằng: giá như không có bóng đá, không có World Cup thì có lẽ những điều tồi tệ trên đã không xảy ra.

Bên lề WC 2014: Đừng “đổ oan” cho trái bóng! - 3

Bức ảnh được cho là của một tiệm cầm đồ ở Bình Dương đang được lưu truyền trên mạng xã hội. (Ảnh minh họa)

Rộng hơn một chút, ở mức độ quốc tế, lịch sử cũng đã ghi nhận từng có một cuộc “Chiến tranh bóng đá”. Vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, đã xảy ra chiến tranh giữa hai quốc gia Châu Mĩ La tinh là El Salvador và Honduras. Nguyên nhân cuộc chiến tranh này được khởi đầu từ chiến thắng 3-2 tại vòng loại World Cup 1970 của El Salvador trước Honduras. Những xung đột trong và sau trận đấu đã dẫn đến việc El Salvador đem quân tấn công Honduras, cuộc chiến đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và càng làm trầm trọng sự mâu thuẫn giữa hai nước láng giềng này.

Nhưng trái bóng tròn và môn “thể thao vua” này có thực sự là “tội phạm” của những điều tồi tệ trên không?

“Tất cả những gì tôi hiểu rõ nhất về đạo đức và nghĩa vụ của con người đều có được nhờ môn bóng đá” – đó là câu nói nổi tiếng của Albert Camus (1913 – 1960), một thủ môn và cũng là một nhà văn, một triết gia nổi tiếng người Pháp. Khi phát biểu câu nói này với phương danh của một triết gia, Camus (đại diện tiêu biểu cho chủ nghĩa hiện sinh) đã nhìn thấy được những giá trị tốt đẹp và cao thượng của “môn thể thao vua” này, hay nói đúng hơn, chính bóng đá đã hướng người ta đến cái đẹp, đến sự cao thượng.

Trái bóng không có lỗi. Chắc chắn thế. Lỗi là ở một số người đã khiến cho mục đích, bản chất tốt đẹp của bóng đá bị biến dạng, méo mó bởi những nhận thức và hành vi sai lệch mà thôi. “Cá độ” cũng là một hành vi đã và đang làm giá trị nhân văn của bóng đá bị biến dạng. Đó mới là điều cần phải lên án.

Mõ Làng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Góc nhìn sự kiện