Cảnh giác với hiện tượng chảy máu khi mang thai

Ngày 03/11/2015 09:38 AM (GMT+7)

Chảy máu trong khi mang thai có thể là nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng nguy hiểm cho mẹ và thai nhi như nhau tiền đạo, thai ngoài tử cung, sảy thai.

Ra máu khi mang thai là một hiện tượng hết sức phổ biến và có khoảng 30% phụ nữ gặp phải tình trạng này. Những đốm máu nhỏ thường hay xuất hiện ở gần 1/3 phụ nữ mang thai và mẹ bầu không cần phải lo lắng về điều này bởi việc chảy máu này có thể là do quá trình “giao hợp” hoặc bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, nếu chảy máu nhiều và liên tục trong một thời gian dài thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo sảy thai, nhau tiền đạo, thai chết lưu…

Vì thế để mẹ bầu yên tâm và nắm bắt được những điều quan trọng liên quan đến việc chảy máu thai kỳ, dưới đây là một vài thông tin quan trọng mẹ cần nhớ.

20 tuần đầu tiên

Các bác sĩ đã ước tính rằng có khoảng 25% đến 40% phụ nữ sẽ có hiện tượng chảy máu âm đạo trong tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ. Theo Hiệp hội mang thai Mỹ, việc xuất hiện đốm máu hoặc chảy máu trong nửa đầu thai kỳ thường bắt nguồn từ các nguyên nhân như:

- Quan hệ tình dục

- Âm đạo hoặc cổ tử cung bị nhiễm trùng

- Do việc cấy trứng đã thụ tinh vào tử cung (đối với các mẹ dùng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm)

- Thay đổi nội tiết trong cơ thề mẹ

Thông thường nếu chảy máu do những nguyên nhân trên thì mẹ bầu không cần phải quá lo lắng bởi nó không nguy hiểm cho thai nhi. Tuy nhiên, đôi khi chảy máu trong nửa đầu của thai kỳ có thể là dấu hiệu dẫn đến một số tình trạng nghiêm trọng như:

- Tụ máu dưới vùng đệm: đây là hiện tượng chảy máu quanh nhau thai. Hầu hết các chứng tụ máu dưới vùng đệm đều được loại bỏ nếu kịp thời phát hiện và điều trị, tuy nhiên cũng có nhiều phụ nữ bị biến chứng dẫn đến sinh non.

- Nguy cơ sảy thai: trong 20 tuần đầu tiên của thai kỳ, nếu mẹ bầu nhận thấy việc chảy máu âm đạo kèm theo các triệu chứng như chuột rút, đau bụng thì cần phải đi khám bác sĩ ngay bởi đây có thể là nguyên nhân dẫn đến sảy thai.

Cảnh giác với hiện tượng chảy máu khi mang thai - 1
Trong 20 tuần đầu tiên của thai kỳ, nếu mẹ bầu nhận thấy việc chảy máu âm đạo kèm theo các triệu chứng như chuột rút, đau bụng thì cần phải đi khám bác sĩ ngay bởi đây có thể là nguyên nhân dẫn đến sảy thai (Ảnh minh họa)

- Thai ngoài tử cung: Trong trường hợp này, phôi nằm ngoài tử cung và thông thường là ở ống dẫn trứng. Thai ngoài tử cung không thể phát triển bình thường và có thể đe dọa tính mạng cho bà bầu nếu không được phát hiện sớm. Các triệu chứng khác của chửa ngoài tử cung là bị đau quặn hoặc đau âm ỉ ở bụng dưới và choáng váng.

- Thai trứng: nhau thai phát triển không bình thường, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai.

Nửa sau của thai kỳ

Trong nửa sau của thai kỳ (từ tuần thứ 20 trở đi), nếu mẹ bầu thấy có hiện tượng chảy máu âm đạo thì cần nghĩ ngay đến các nguyên nhân sau:

- Chảy máu do quan hệ tình dục

- Nhau tiền đạo: Là hiện tượng xảy ra khi bánh nhau bao phủ lấy một phần hay toàn bộ cổ tử cung. Thông thường những thai phụ bị nhau tiền đạo đều được chỉ định nằm im tại chỗ để tránh ra máu quá nhiều. Khi tới thời điểm phù hợp, bác sĩ sẽ chỉ định mổ để bảo toàn cho cả mẹ và con.

- Nhau bong non: Khi đó một phần hay toàn bộ nhau thai đã bị bong ra khỏi thành tử cung, có thể gây chảy máu âm đạo, đe dọa tính mạng cho cả mẹ và bé. Hiện tượng này thường xảy ra vào thời gian cuối của thai kỳ. Hiện tượng này tương đối hiếm gặp nhưng các mẹ bầu cần cảnh giác nếu thấy kèm theo các hiện tượng đau vùng bụng dưới, lúc đầu từng cơn sau đó đau liên tục.

- Sinh non: chảy máu âm đạo kèm theo triệu chứng chuột tút, co thắt, tiêu chảy, đau vùng chậu hoặc đau lưng trước tuần thứ 37 của thai kỳ, điều đó có thể cho thấy tỉ lệ mẹ sinh non sẽ rất cao.

Tóm lại: Cho dù xuất hiện những đốm máu nhỏ hay chảy máu nhiều trong thời kỳ mang thai, các mẹ bầu không nên chủ quan mà cần phải gọi điện hoặc đi khám bác sĩ ngay. Khi ấy, các mẹ hãy nắm rõ về màu sắc, mức độ chảy máu, thời gian chảy máu để có thể cung cấp cho bác sĩ những thông tin chính xác nhất.

NNM (parents)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh vùng kín khi mang thai