Chuyện chiếc bao lì xì

Ngày 07/02/2014 00:12 AM (GMT+7)

Tết là thời điểm thuận lợi để những người đang yêu “ghi điểm” với em, cháu… của gia đình “đối tác” qua những chiếc bao lì xì.

Lúc trước, tết là dịp để người lớn lì xì cho bọn trẻ những chiếc phong bao màu đỏ đựng ít tiền bên trong, trước là để bọn trẻ vui với chút tiền làm quà nhưng quan trọng hơn là những lời chúc phúc, những lời dặn dò, nhắn gửi để bọn trẻ thực hiện trong năm mới sau khi “tổng kết” những “thành tích” của năm cũ. Những lời chúc tốt lành cũng đồng thời của người nhận gửi đến người trao (phong bao lì xì). Ngày nay, những lời chúc tốt đẹp đi kèm việc trao và nhận chiếc phong bao đỏ vẫn không thay đổi nhưng đối tượng và hình thức lì xì đã phong phú hơn.

Trước kia chỉ có người lớn lì xì cho người nhỏ hơn (về tuổi tác, cấp bậc, chức vụ…) nhưng nay, những người trẻ tuổi có thể lì xì cho cha mẹ (đã già), con cháu có thể lì xì cho ông bà hoặc em út có thể lì xì cho anh, chị hoặc người có điều kiện lì xì cho người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Lì xì kiểu này chỉ là hình thức “giúp đỡ” một cách tế nhị, vui vẻ.

Tết là thời điểm thuận lợi để những người đang yêu “ghi điểm” với em, cháu… của gia đình “đối tác” qua những chiếc bao lì xì. Thậm chí đây còn là “thời khắc vàng” để những ai muốn lấy lòng “sếp” thể hiện “lòng thành” qua những chiếc bao lì xì trĩu nặng dành cho con của “sếp”. Không chỉ dịp tết mà trong các dịp thôi nôi, đầy tháng người ta còn lì xì cho những đứa trẻ với mong muốn đứa trẻ hay ăn, khoẻ mạnh, chóng lớn. Hình thức “lì xì” cũng là một cách tặng quà đầy thiết thực thay cho những món quà trùng lắp mà chủ nhân ít khi sử dụng hết.

Chuyện chiếc bao lì xì - 1

Đây là những cách giáo dục trẻ rất hay mà nếu gia đình không quá khó khăn, các bậc cha mẹ nên phát huy. (ảnh minh họa)

Có lần tôi cùng nhóm bạn đến chúc tết nhà một người bạn học cũ. Ngồi chưa nóng chỗ thì ba đứa con của bạn kéo ra xếp hàng thẳng tắp và… lần lượt chúc tết chúng tôi một cách dõng dạc và… rất bài bản. Không ai bảo ai, chúng tôi tự động rút bao lì xì cho bọn trẻ, có người chưa chuẩn bị sẵn, đành lì xì cho bọn trẻ bằng những tờ giấy bạc trông trơ trụi và phản cảm vô cùng. Xong “thủ tục”, bọn trẻ rút hết, nhanh chóng, gọn gàng như khi xuất hiện vậy!

Cũng vì bọn trẻ mà người lớn nhiều phen lâm cảnh khó xử. Có lần bạn tôi lì xì cho con tôi và đứa cháu con của em tôi. Dù đã được dặn trước là không được mở bao lì xì trước mặt người cho nhưng cậu con trai cứ táy máy bóc phong bao ra và so bì với thằng em cô cậu khi thấy số tiền của mình ít hơn làm cả tôi và chị bạn đều dở khóc dở cười.

Có những bậc cha mẹ sau tết lại tổng kết “chiến lợi phẩm” thu được từ mấy đứa con rồi… tịch thu và sung công quỹ (của gia đình). Có người dạy con tiếp tục để dành bằng hình thức tiết kiệm (như nuôi heo đất chẳng hạn) rồi khi cần lấy ra mua đồ dùng, sách vở… để không phải xin tiền bố mẹ. Có người để trẻ tự do mua truyện tranh, đồ chơi hay bánh kẹo… tuỳ thích. Ngày nay có nhiều bậc phụ huynh dạy con để dành tiền mua sách hoặc làm từ thiện, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình qua các chương trình từ thiện trên báo, đài… Đây là những cách giáo dục trẻ rất hay mà nếu gia đình không quá khó khăn, các bậc cha mẹ nên phát huy.

Trở lại chuyện chiếc bao lì xì, thông thường, thăm viếng nhau ngày tết là một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam trong mỗi dịp đầu năm mà việc lì xì kèm những lời chúc may mắn, sức khoẻ và sự bình an đến cho mọi người dường như là một “thủ tục” dễ thương, một sinh hoạt mang đậm nét văn hoá không thể thiếu. Việc lì xì chỉ thực sự ý nghĩa khi đó không phải là một “công cụ” để người ta chuyển tải một “ý đồ” gì đó thông qua hình thức lì xì và giá trị của những chiếc phong bao không được cân đo đong đếm bằng những gì người ta gửi gắm bên trong!

Lê Thị Ngọc Vi, quận 9, TP.HCM

Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hôn nhân gia đình