Chuyện tình đẹp của cô gái Hà Nội bỏ Thủ đô theo anh thương binh mù

Ngày 05/03/2017 08:00 AM (GMT+7)

Hơn 40 năm trôi qua, bà Mão tận tình chăm sóc chồng con không một lời than vãn, tình yêu giữa hai người vẫn còn nguyên vẹn. Hạnh phúc của vợ chồng ông bà đã chứng minh rằng, nếu có tình yêu thì dù khó khăn đến đâu họ cũng sẽ vượt qua, cùng nhau đi đến cuối đời.

Chuyện tình đẹp của cô gái Hà Nội bỏ Thủ đô theo anh thương binh mù - 1

Mấy chục năm qua, bà Mão vẫn luôn tận tình chăm sóc chồng từ việc ăn cơm đến tắm giặt... Ảnh: M.K

Cống hiến tuổi xuân cho Tổ quốc

Mối tình của người cựu binh mù Lê Hữu Trạc (SN 1941) và bà Kim Thị Mão (SN 1940) ở xã Xuân Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Chiến tranh đã lấy đi của ông Lê Hữu Trạc nhiều thứ quý giá, nhưng đổi lại, ông có được một người vợ cả đời một lòng một dạ chăm lo cho chồng con.

Năm 1962, ông Trạc tạm biệt gia đình lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ông được phân về Đại đội Lê Hồng Phong, Tiểu đoàn 4, Sư đoàn 341 ở Vĩnh Linh (Quảng Trị). Thời bấy giờ, Đại đội Lê Hồng Phong là đơn vị bảo vệ giới tuyến 17, vì vậy mỗi cán bộ, chiến sĩ của đơn vị luôn được xem như những hạt giống đỏ của sư đoàn. Năm 1965, Mỹ đánh phá ra miền Bắc và đảo Cồn Cỏ luôn nằm trong tầm ngắm xâm chiếm của địch. Vì vậy, cấp trên đã điều động bổ sung trung đội của ông Trạc ra giữ đảo Cồn Cỏ.

Chỉ trong vòng 3 năm (từ 1965 đến 1968), các đơn vị bộ đội đóng trên đảo Cồn Cỏ đã bắn hạ được 48 máy bay (trong đó 29 chiếc rơi tại chỗ), bắn cháy 17 tàu chiến và 2 thuyền của địch. Nhiều đồng đội của ông Trạc được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, góp chiến công làm nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng bất diệt của dân tộc ta trong thế kỷ XX.

Đầu năm 1968, ông Trạc được cấp trên điều động vào đất liền, bổ nhiệm làm Đại đội trưởng Đại đội Lê Hồng Phong. Cùng với đồng đội của mình, ông lại tiếp tục xây dựng đơn vị Lê Hồng Phong trở thành đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Tháng 5/1968, ông được phân công làm Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 4, E270, Quân khu IV. Cũng trong năm 1968, địch lên kế hoạch âm mưu đổ bộ ra miền Bắc, trách nhiệm của đơn vị Lê Hữu Trạc lại hết sức nặng nề. Là đơn vị đóng ở giới tuyến nên ông và đồng đội luôn phải đi trinh sát ngay trước họng súng quân thù. Tháng 7/1968, trong lúc đang chỉ huy một bộ phận đi nghiên cứu địa hình chống địch đổ bộ bằng đường không vào Vĩnh Linh (Quảng Trị), ông Trạc đã bị bom đạn kẻ thù cướp đi đôi mắt. Từ đó, ông phải xa đồng đội để về lại tuyến sau.

Ông Trạc tâm sự: “Lúc đó, tôi rất bi quan nhưng rồi lại nghĩ, mình chỉ bị thương, còn cơ hội lấy được vợ, sinh con, như vậy còn may mắn hơn những đồng chí bị hy sinh rồi”. Rồi ông lấy lại tinh thần và viết thành thơ để tự cổ vũ mình: “Ai đo được cây cao nhất trên rừng cao bao nhiêu mét?/Ai cân được con cá lớn nhất dưới biển nặng mấy ngàn cân?/Ai biết được lòng tôi thường suy nghĩ phân vân?/Nhưng tôi rất đỗi tự hào và vững một niềm tin tất thắng”.

Tình yêu với cô gái Hà Nội

Năm 1971, ông Trạc được chuyển đến chăm sóc tại trại an dưỡng ở Ba Vì, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Cũng chính ở nơi đây, ông đã gặp bà Kim Thị Mão rồi nên duyên vợ chồng. Đến bây giờ, cảm xúc những lần gặp gỡ bà Mão vẫn nguyên vẹn trong ông. Ông Trạc nhớ lại: “Ngày đó, tôi gặp bà ấy khi bà vào trại an dưỡng bán chuối. Nhiều người gặp tôi, mới thoạt nhìn thì không ai phát hiện tôi đeo hai mắt giả. Còn bà ấy mới gặp đã bảo rằng mắt tôi là mắt giả. Rồi sau đó chúng tôi tiếp tục gặp gỡ và nên duyên chồng vợ...”.

Còn về bà Mão, tuy biết ông Trạc bị mù, nhưng trong bà đã xuất hiện một thứ tình cảm gì đó rất đặc biệt ngày từ lần đầu gặp ông. “Lúc đó, tôi cảm nhận được sự quan tâm của bà ấy dành cho tôi, từ cách bà ấy dắt tôi vào nhà, rồi lấy nước cho tôi rửa tay... nhưng trong tôi vẫn có một nỗi sợ rất ghê gớm, tôi sợ người ta không thật lòng với mình”, ông Lê Hữu Trạc bày tỏ.

Ông kể tiếp, có lần ông viết thư cho bà Mão, nhưng viết xong rồi không biết gửi bằng cách nào. Nếu nhờ người đưa thì sợ họ biết, sẽ lộ bí mật, mà đưa trực tiếp cho bà Mão thì cũng sợ. Cả đêm hôm đó ông trằn trọc suy nghĩ, rồi quyết định sáng mai sẽ rủ một người bạn nữa đến nhà cô Mão chơi. Đến hôm sau, hai anh em mù dắt nhau đi rồi cũng tìm đến được đúng nhà.

Ông kể: “Lúc đó, bà ấy nói rằng suýt nữa thì không gặp được vì chuẩn bị ra bưu điện lấy bưu phẩm. Vừa nghe vậy, tôi nói luôn đang có thư muốn gửi và nhờ bà ấy mang đi gửi luôn. Nhờ gửi vậy chứ tôi vẫn lo không biết cô Mão có biết mà đọc không hay bỏ luôn vào thùng thư để gửi đi rồi. Nhưng khi gặp lại, bà ấy nói khi cầm lá thư thì đã biết là tôi gửi cho ai rồi. Tôi hỏi bà ấy đọc thư xong rồi em nghĩ sao thì bà ấy trả lời: “Anh muốn sao thì được vậy”. Tôi nghe xong mừng rơi nước mắt...!”.

Chuyện tình của ông bà cứ như vậy, đến tháng 12/1972 thì họ tổ chức đám cưới tại Trại thương binh Ba Vì. Năm 1973, niềm vui vỡ òa khi bà Mão sinh con trai đầu Lê Hữu Tiệp. Giữa năm 1974, ông Trạc quyết định về Quảng Bình, bà Mão cũng một lòng một dạ theo chồng. Gia đình bà Mão cũng luôn ủng hộ, vun vén hạnh phúc của hai người khiến họ càng có thêm động lực.

Từ một cô gái mới lớn về đất lạ quê chồng bị mù cả hai mắt, bà Mão đã tập cuốc, tập cày, tần tảo để nuôi chồng, nuôi con. Thương vợ, hàng ngày ông Trạc cố gắng làm những việc có thể đỡ đần vợ. Hai vợ chồng lần lượt có thêm con gái Lê Thị Ngọc Tú, con trai Lê Hữu Chính. Cả ba người con của họ đều khỏe mạnh và hiện đã có gia đình riêng, công việc ổn định.

Năm nay đã bước qua tuổi 76, tình yêu của vợ chồng ông bà Lê Hữu Trạc và Kim Thị Mão vẫn còn vẹn nguyên. Hàng ngày, bà Mão vẫn luôn chăm chút cho chồng từ việc ăn cơm đến tắm giặt... Bà bảo: “Lấy chồng, sinh con như là một cái duyên. Mình sống thế nào cho hạnh phúc với nhau là được. Mấy chục năm qua, cuộc sống của vợ chồng tôi có thời điểm gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề kinh tế, nhưng chúng tôi vẫn luôn bên nhau, động viên nhau để vượt qua tất cả”

Theo Minh Khang – Đức Hoàng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hôn nhân gia đình