Chuyện "trường công, trường tư" - Là lựa chọn của mỗi người, sao phải căng thẳng tranh luận?

Ngày 28/08/2017 09:01 AM (GMT+7)

Trong "tâm bão" tranh cãi chuyện chọn trường công hay trường quốc tế, trường tư cho con, chính các phụ huynh trong cuộc đã đưa ra quyết định như thế nào? Vì sao họ lại có sự lựa chọn như vậy?

Mới đây, dân mạng cũng “dậy sóng” bởi quan điểm của một bà mẹ 8x khá nổi tiếng với phát ngôn: “Chỉ có bố mẹ lười biếng mới cho con học trường Quốc tế”.  Ngay sau lời phát ngôn của bà mẹ trẻ này, rất nhiều người đã lên tiếng bênh vực cho trường Quốc Tế, thẳng thắn cho rằng "tôi sai lầm khi cho con từng học trường công..."

Vậy là, chuyện trường công hay trường tư, vốn dĩ là quyền tự do của mỗi người, của mỗi bậc phụ huynh giờ lại nóng hơn bao giờ hết trên diễn đàn tranh luận một cách khá phi lý. Trong cuộc tranh luận, có hai bà mẹ cũng tham gia với câu chuyện thật của chính họ, về sự lựa chọn "ngược đời" của hai người. 

Chuyển con từ trường Quốc Tế trong khu nhà của mình về trường công

Đó là câu chuyện của chị Ngọc Ánh (Minh Khai - Hà Nội). Trong cơn bão chọn trường công hay tư, chị thẳng thắn chia sẻ chính mình năm học vừa rồi đã chuyển con trai từ trường Quốc Tế nổi tiếng trong khu chung cư của mình về trường Trần Quốc Toản - một trường công ở khá xa khu vực chị ở. 

Chuyện amp;#34;trường công, trường tưamp;#34; - Là lựa chọn của mỗi người, sao phải căng thẳng tranh luận? - 1

Chị Ánh chia sẻ: "Khi bắt đầu cho con đi học, mình cũng lựa chọn trường tư, một trường đắt đỏ, có tiếng ở Hà Nội vì sợ con phải chịu cảnh khổ sở ở trường công như một số mẹ hay ca thán. Nhưng rồi, khi con học được một thời gian, mình lại quyết định chuyển con về trường công.

Tôi muốn con được sống trong môi trường thuần Việt, để con lớn lên và trưởng thành phù hợp với văn hóa Việt. "Tây hóa" quá nhiều, ngay từ cách giáo dục, không phải đã là cách tốt. 

Sở dĩ mình có quyết định như vậy là bởi theo dõi quá trình phát triển của con. Mình thực sự cảm thấy sợ khi con học trường Quốc Tế với phương pháp giáo dục Tây hóa. Bởi khi ra ngoài, cái Tôi của con quá lớn. Thậm chí gặp mọi người, nhắc con chào con cũng không làm. Con còn khăng khăng bảo vệ quan điểm: “Con không thích thì con không chào”… khiến mình thật sự choáng.

Thời đại này, tự tin và có cái Tôi bản sắc là tốt, nhưng Việt Nam không phải là phương Tây. Một đứa trẻ tự tôn thái quá sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tôi cũng không muốn con mình trở nên xa lạ với đại đa số mọi người xung quanh chỉ vì nét tính cách đó."

Chuyện amp;#34;trường công, trường tưamp;#34; - Là lựa chọn của mỗi người, sao phải căng thẳng tranh luận? - 2

(Ảnh minh họa)

Sau chuyển trường, chị Ánh không hề hối hận về quyết định đó của mình. Bởi con vào trường công, lập tức rèn được cho mình tính tự giác, cũng rất nghiêm túc và đi vào khuôn phép. Chị Ánh chia sẻ: "Kinh tế là một phần thôi, quan trọng là bạn muốn con mình học được cái gì từ trường công và trường tư. Con tôi vốn dĩ rất mạnh dạn từ nhỏ, tôi cần 1 môi trường rèn dũa được cháu. Mà các cô trường công hay tư cũng đều yêu trẻ nên mới làm nghề đó. Bản thân các cô giáo mới của con tôi, qua quan sát, tôi thấy các cô dạy rất có phương pháp, mềm cứng song hành, rất tốt cho lứa tuổi ngang bướng của con."

Đưa con từ trường công nổi tiếng về trường Quốc Tế xa nhà

Ở một câu chuyện khác, chị Thùy Linh (Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại lựa chọn khác hẳn “Trước đây, con tôi học trường T.V - một trong những trường công nổi tiếng tốt ở Hoàn Kiếm. Nhưng sau đó, tôi đã cho con chuyển sang một trường Quốc Tế khác dù học phí đắt đỏ hơn cũng xa nhà hơn. Ai cũng bảo tôi "dại", nhưng thực sự, sau 3 ngày đi học đầu tiên, con bé nhà tôi về đã nói: "Giấc mơ thành sự thật rồi mẹ ạ!". Nó khiến tôi hạnh phúc về quyết định của mình.

Chuyện amp;#34;trường công, trường tưamp;#34; - Là lựa chọn của mỗi người, sao phải căng thẳng tranh luận? - 3

Bởi lẽ, ngôi trường công của con tôi từng học, giáo dục có thể ngang hoặc tốt hơn trường tư, nhưng cơ sở vật chất thì quá tồi tệ. Con tôi vào 6 tuổi, cái tuổi bắt đầu lớn, cần một môi trường sạch sẽ để phát triển.

Trường cũ của con tôi, đến cái lớp học mỗi khi trời mưa thì lép nhép, bẩn thỉu, có lớp còn ngập cả vào trong. Buồng vệ sinh thì quá bẩn, con tôi sợ nên luôn "nhịn". Nó gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của bé. 

Có thể cách giảng dạy hay kiến thức của trường công tốt hơn trường tư nhưng tôi không đặt vấn đề đó lên hàng đầu. Quan trọng là môi trường để con tôi phát triển sức khỏe thể chất tốt. Kiến thức học ở đâu rồi cũng sẽ đến đích như nhau, nhưng sức khỏe của con là thứ không bao giờ có thể làm lại được. 

Chuyện amp;#34;trường công, trường tưamp;#34; - Là lựa chọn của mỗi người, sao phải căng thẳng tranh luận? - 4

Kết

Suy cho cùng, lựa chọn trường công hay trường tư, trường quốc tế, đều là quyết định của riêng mỗi phụ huynh và đều dựa vào những lý lẽ "hợp tình hợp lý" của mình. Giống như hai bà mẹ trên kia, đó là sự "ngược đời" hiển nhiên trong xã hội. Nó phụ thuộc vào đủ mọi yếu tố cấu thành. Từ điều kiện kinh tế, thứ mà không ai có thể ép buộc được ai. Đến nhu cầu của bậc phụ huynh muốn định hướng cho con mình sau này sẽ đạt được điều gì, trưởng thành như thế nào.

Thậm chí, đó đơn giản chỉ là "sở thích" của cha mẹ, họ yên tâm giao phó con mình vào ngôi trường như thế nào mà thôi. Có thể hài hước mà nói, chuyện chọn trường công hay trường tư là câu chuyện "nước sông không phạm nước giếng", chẳng có lý do gì để công kích lẫn nhau. 

Vậy nên, bạn chọn cái gì, hãy cứ tự tin về quyết định của mình dành cho con trẻ. Không ai có quyền đánh giá đó là đúng hay sai, là nên hay không nên. Vì không ai sinh ra những đứa trẻ của bạn, nuôi chúng và hiểu chúng bằng bố mẹ. Điều tốt nhất với một đứa trẻ không phải nó sẽ học ở đâu mà là nó sẽ phát triển tốt nhất ở môi trường nào. Hãy cứ suy nghĩ và lựa chọn cho chính xác nhé!

Lam Giang (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dạy con