Có bệnh, cứ nằm chờ chết thôi?

Ngày 02/10/2013 08:28 AM (GMT+7)

Chúng tôi, những người dân, không có người thân làm bác sĩ, không có người quen trong bệnh viện và… không có tiền, đã quá mệt mỏi rồi!

Tiêm vaxin giả, hút vacxin ra không tiêm cho trẻ, để trẻ sơ sinh ngã ngay trong bệnh viện, sản phụ chết vì bác sĩ tắc trách, đánh tráo thủy tinh thể… Và còn gì nữa đây vậy trời! Nếu thế, có lẽ, cứ ốm thì nằm ở nhà chờ chết thôi.

Đợt gần đây nghe người ta kháo nhau, đọc báo chí thấy viết nhiều vụ tai nạn nghề nghiệp hay các vụ tắc trách do bác sĩ mà tôi rùng mình. Tôi nghĩ, cái chuyện liên quan tới sức khỏe, tính mạng của con nười tại sao lại có thể cẩu thả, tắc trách. Người ta sinh ra chỉ có  một mạng, làm gì có hai mà cho mình thử nghiệm, đùa bỡn. Bác sĩ thì càng không nên thế.

Thật ra, tôi còn không hiểu, bác sĩ sinh ra để cứu người hay để làm gì vậy. Và chúng tôi cần phải làm cách nào mới thực sự nhận được sự tận tâm cứu chữa của những người gọi là y đức, gọi là nhân đạo vì đồng loại như vậy? Hay là, mỗi nhà phải cho một người đi học làm bác sĩ, để tự tay con cái cứu chữa người thân của mình, có máu mủ ruột già thì mới yên tâm?

Đau xót lắm khi mất đi một đứa con… mà ta mang nặng đẻ đau. Còn đau đớn hơn khi người chồng mất đi cả vợ và con trong cùng một lúc. Những tưởng sẽ được đón đứa con của  mình chào đời cùng với tiếng khóc đầu tiên, những tưởng sẽ được nhìn thấy ánh mắt rạng ngời hạnh phúc của người vợ hiền, nhưng rồi lại là tiếng khóc tang thương. Ai cũng mong được sống, vì người ta sinh ra là để sống cho thật tốt. Thế nên, khi ốm đau, người ta tìm tới bệnh viện để hi vọng được tiếp tục sống trên thế gian này với những người thương yêu.

Có bệnh, cứ nằm chờ chết thôi? - 1

Giá có người nhà làm trong bệnh viện thì yên tâm hơn nhiều (ảnh minh họa)

Một liều vacxin có thể chữa được bệnh cho trẻ, ngăn chặn được các bệnh về sau này nhưng bớt đi một liều, người bệnh sẽ khó mà phát triển bình thường được, hoặc lớn lên cũng mắc chứng bệnh ấy vì không được tiêm đúng liều. Bệnh viện là nơi người ta tin tưởng nhất để trao gửi cả thân thể và tính mạng của mình, niềm hi vọng cuối cùng cũng bị dập tắt thì nói được gì hơn?

Cô bạn tôi còn kể câu chuyện rất đau lòng khi đi xét nghiệm máu. Đó là câu chuyện có thật, cô ấy đã nói trong sự xót xa. Vì con cô ấy bị bệnh, muốn đi xét nghiệm để có kết quả sớm, điều trị kịp thời. Khi vào viện, người ta yêu cầu xét nghiệm máu, nhưng báo là phải sang ngày hôm sau mới có kết quả, không thì chiều tối. Nếu vậy, có kết quả rồi cũng không còn thời gian khám, mà người ở tỉnh xuống thủ đô. Nghe người bên cạnh mách đưa cho họ ít tiền, thế là cô bạn tôi vội chạy theo, đút phong bì vào tay người cầm tờ xét nghiệm để hi vọng nhận được kết quả tốt. Y như rằng, nửa tiếng sau có kêt quả xét nghiệm máu rồi.

Đó là câu chuyện tôi kể ra đây, hi vọng rằng đó sẽ là một câu chuyện hữu ích và cũng cho 'thiên hạ' thấy rằng, chuyện kết quả có trước hay sau không nằm ở vấn đề khám trước khám sau, mà nằm ở... cái phong bì. Vậy người dân nên làm thế nào nếu như họ không có tiền?

Nói như vậy không có nghĩa là bệnh viện, bác sĩ nào cũng nhận phong bì, và bác sĩ nào cũng tắc trách, cũng khiến dân tình lo lắng. Đó chỉ là câu chuyện về sự vô tâm của một số người đã khiến những người lương thiện, những người không phải là bác sĩ, những người nhà bệnh nhân mất đi niềm tin. Họ chỉ hi vọng người thân của mình được khỏe mạnh. Vì vậy, câu chuyện về những sai sót gần đây chỉ mong sẽ là hồi chuông cảnh tình, là tiếng đánh động với những ai đang xao nhãng trách nhiệm cứu người.

Van xin các bác sĩ, những người đã và đang làm việc trái với lương tâm, hành động không đúng y đức của mình, hãy thức tỉnh, hãy làm những việc mà bổn phận của mình nên làm. Chúng tôi đi làm, lương ba cọc ba đồng, chúng tôi cũng sống. Các bác sĩ cũng vậy, hãy nhận những đồng lương và làm việc của mình giống như chúng tôi đây. Đừng để bạn bè người thân thất vọng khi một ngày nào đó, tên của các bạn xuất hiện đầy trên mặt báo vì làm việc thiếu y đức. Vì người ta nói 'cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra'. Nếu không cố gắng sẽ không có sự đền đáp. Và nếu làm việcđúng lương tâm, ắt sẽ nhận được điều tốt đẹp.

Hi vọng, các bệnh viện sẽ không còn chuyện ‘con sâu làm rầu nồi canh’ như thế này nữa. Chúng tôi, những người dân, không có người thân làm bác sĩ, không có người quen trong bệnh viện và… không có tiền, đã quá mệt mỏi rồi!

Nam Châm

Mời đọc bài viết hay, hấp dẫn của Eva tám tại đây:

Có bệnh, cứ nằm chờ chết thôi? - 2

Đêm tân hôn bị ăn tát vì chuyện phong bì

Có bệnh, cứ nằm chờ chết thôi? - 3

Phong bì - lỗi ở bệnh nhân hay bác sĩ?

Có bệnh, cứ nằm chờ chết thôi? - 4

Phong bì dày, bệnh ít đau hơn?

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bạn đọc