'Đàm' chuyện đốt vàng mã ngày cúng giỗ

Ngày 25/02/2015 00:06 AM (GMT+7)

Ngày còn bé, mỗi khi nhà có giỗ chạp, tôi thích nhất được đứng xem ba hóa giấy tiền vàng bạc.

Lớn một chút, ba giao cho tôi làm nhiệm vụ này. Và tôi luôn cảm thấy vinh dự khi được tin tưởng.

Hôm 23 tháng Chạp tiễn ông Táo về trời, khi tôi hóa giấy, con trai lớn của tôi đứng cạnh bên hỏi, “Ba đốt giấy cho ai vậy ba?”. “Cho ông Táo, con ạ”, tôi đáp. Con trai nhìn lửa cháy đỏ theo giấy tàn, vừa ngạc nhiên vừa thích thú.

Đã có rất nhiều bài báo có hàm ý chê việc hóa giấy như một hủ tục mê tín dị đoan cần phải xóa bỏ nhanh chóng. Tôi là người không thích tranh luận lại càng có xu hướng tôn trọng quan điểm cá nhân. Thế nhưng, tôi vẫn nghĩ có những yếu tố tưởng chừng như hủ tục mà lại không hề hủ tục.

Ngày trước, vào dịp cúng rước ông bà, ba tôi còn cẩn thận ghi tên họ ông bà đã khuất vào những bộ giấy áo, áo của ông riêng, áo của bà riêng. Y như, ba tôi sợ rằng nếu hóa giấy mà không ghi tên tuổi thì ông bà ở thế giới bên kia sẽ không nhận được vậy.

Ngoài thế giới thực tại mà chúng ta đang sống còn một thế giới vô hình nào khác không? Đó là câu hỏi lớn mà câu trả lời phụ thuộc vào niềm tin của mỗi cá nhân rất không nên lạm bàn. Có điều, tôi đọc điển tích xưa, từ của nước mình cho đến các nước khác, thấy tiền nhân đều tin vào một thế giới song song với thế giới mà chúng ta đang sống.

Đàm chuyện đốt vàng mã ngày cúng giỗ - 1

Hóa giấy tiền vàng bạc, không nằm ngoài mục đích cố phụng sự cho trọn đạo con cháu đối với ông bà, cho người thân đã mất. Cũng như, chuyện mồ mả vậy. (ảnh minh họa)

Mùa cuối năm này, là mùa của khói hóa giấy. Gần như trên các tuyến phố, người ta đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh gia chủ của một hộ gia đình hay cửa hàng, cửa tiệm nào đó đang hóa giấy.

Người ta hóa giấy để xin lộc, để xin bình an, để xin buôn may bán đắt, để xin thuận lợi… Hay đơn giản, người ta hóa giấy với mong muốn người thân đã khuất của gia đình mình có thêm một chút ấm êm ở miền xa xăm nào đó.

Đây cũng là một nét hay chứ. Điều ấy như một liệu pháp tinh thần rất riêng của người Việt, mà không chỉ của người Việt – nhiều nước Á Đông cũng chung niềm tin này.

Ông bà đã khuất, con cháu nhớ thương, vẫn lo ở cõi đó ông bà thiếu thốn. Tiền nhân dạy, “Sống cái nhà, thác cái mồ”, phận làm con cháu luôn muốn ông bà được mồ yên mả đẹp. Đây là tôi đang nói đến nghĩa tích cự, tôi không nói đến chuyện thấy người khác xây cái mả to cho người thân, mình cũng vay nợ để xây cái mộ cố to hơn.

Hóa giấy tiền vàng bạc, không nằm ngoài mục đích cố phụng sự cho trọn đạo con cháu đối với ông bà, cho người thân đã mất. Cũng như, chuyện mồ mả vậy.

Trong khói hóa giấy, không chỉ ánh lên màu xanh đỏ mà còn chứa đựng một tấm lòng thành, một sự tưởng nhớ lẫn lo lắng cho người đã khuất.

Tất nhiên, trong cuộc sống này sự thái quá luôn không tốt. Lại càng không tốt hơn, nếu như biểu hiện của sự thờ phụng chỉ nhằm khoe mẽ hay theo kiểu con gà tức nhau tiếng gáy.

Phàm là người, sống luôn cầu an. Không an yên bằng vật chất thì là sự an yên về tinh thần. Kiểu như, đêm cuối năm có bận rộn mấy cũng phải thắp nhang bàn thờ gia tiên vào thời khắc giao thừa vậy. Hóa giấy, cũng là một cách cầu an trong tâm tưởng.

Bản thân tôi vẫn nghĩ rằng, con người có tổ có tông. Và tổ tông không nhớ, thì làm sao có thể thành người hữu dụng được.

Ngô Nguyệt Hữu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan