Đến bao giờ cha mẹ thôi bao bọc con?

Ngày 12/09/2015 00:09 AM (GMT+7)

Hình ảnh cha mẹ luôn gắn chặt với con cái ở bất cứ chặng đường nào dù đứa con bé bỏng đó nay trở thành một thanh niên 18 tuổi phổng phao cao lớn hơn cả cha mẹ.

Con vô tâm hay cha mẹ quá chiều?

Cha mẹ quan tâm, hết lòng vì con cái là hình ảnh đẹp vốn có lâu nay được ngợi ca của người Việt Nam. Thế nhưng bên cạnh đó, không ít bậc phụ huynh lại bao bọc thái quá, thậm chí làm thay những việc mà lẽ ra phải để các con tự làm, tự quyết định. "Căn bệnh" này ngày càng trầm kha hơn khi đời sống của mỗi gia đình ngày càng đủ đầy, trong khi con cái lại càng ít ỏi khiến Việt Nam trở thành nước có "tuổi thơ kéo dài nhất thế giới".

Thời gian qua, báo chí đã tốn không ít giấy mực đề cập đến những hiện tượng "lạ". Đó là chuyện hàng trăm phụ huynh đứng dưới mưa trong đêm chờ sáng sớm rồi đạp đổ cổng sắt ùa vào sân trường PTCS Thực nghiệm (Hà Nội) để tranh suất mua hồ sơ thi vào lớp 1 cho con bởi họ mong con được ghi danh vào những trường tốt nhất.

Đến bao giờ cha mẹ thôi bao bọc con? - 1

Hay một cảnh khác gây xôn xao dân mạng là cảnh mẹ lội nước dắt xe, con trai cao lớn phổng phao co chân ngồi sau. Điều đáng nói là bức hình này lại nhận được ít nhiều sự đồng cảm bởi tình mẫu tử, ai làm mẹ thì cũng đều hành động như vậy.

Đến bao giờ cha mẹ thôi bao bọc con? - 2

Gần đây nhất, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và đợt xét tuyển nguyện vọng 1 vào đại học, không ít người phải ái ngại cảnh người cha nháo nhác, bỏ cả công việc theo dõi bảng điểm cho con, cảnh người mẹ xông vào hội trường rồi bật khóc khi con trượt đại học...

Đến bao giờ cha mẹ thôi bao bọc con? - 3

Hội trường trường ĐH Kinh tế Quốc dân trong ngày cuối đợt xét tuyển nguyện vọng 1. Rất đông phụ huynh đi nộp hồ sơ cùng con.

Chuyện chăm sóc con cái của các phụ huynh cũng khiến nhiều người phải giật mình. Như chị Nguyễn Phương Thùy (Đống Đa, Hà Nội), phải nhờ đến chuyên gia tư vấn vì con lớn mà không biết làm gì, ỷ lại và ích kỷ. Ngày con bé, chị làm tất cả mọi việc thay con và thói quen đó lớn dần theo năm tháng. Chị thấy vui và tự hào vì luôn tạo điều kiện để con được học hành, vui chơi cùng bạn bè.

Tuy nhiên, khi hai con một trai, một gái của chị đã ở tuổi học cấp 3, đại học nhưng chưa bao giờ cầm chổi quét nhà, cắm hộ mẹ nồi cơm... Ngay cả việc lôi từng chiếc quần áo, đôi tất ở trong phòng mang đi giặt cũng do chính tay chị phục vụ. Sự việc lên tới đỉnh điểm khi chị Thùy ốm nằm bẹp giường. Thay vì lo lắng cơm nước cho chị thì hai con lại tị nạnh nhau rồi cuối cùng chờ mẹ dậy nấu.

Nghĩa là hình ảnh con cái luôn gắn chặt với cha mẹ ở bất cứ chặng đường nào dù đứa con bé bỏng ngày xưa được cha mẹ chăm mớm, nhai cơm đút ăn từng thìa nay trở thành một thanh niên phổng phao, thậm chí lập gia đình vẫn phải bố mẹ kè kè ở bên quyết định giúp.

Chia sẻ về thực trạng đáng báo động này, các nhà giáo, chuyên gia tâm lý nổi tiếng đã đưa ra những cảnh báo về tác hại khôn lường của việc cha mẹ bao bọc con thái quá:

PGS Văn Như Cương: Không cho con tự lập là cách giáo dục không đúng

Đến bao giờ cha mẹ thôi bao bọc con? - 4

PGS Văn Như Cương

Theo PGS Văn Như Cương, kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của con, cha mẹ lo lắng là điều đương nhiên.

Thế nhưng nhìn chung lại, các bậc bố mẹ hiện nay chăm chút cho con từng li từng tí, bao bọc cho con đôi lúc hơi thái quá. Các em không phải làm bất kỳ việc gì trong nhà như cơm nước rửa bát, tắm giặt, quét nhà, gấp quần áo... cái gì cũng bố mẹ hoặc osin làm.

Sau đó lại áp đặt nghề nghiệp cho con, phải theo ngành này ngành kia để sau này bố mẹ lo công việc hộ cho.

"Ngay cả học sinh trường tôi cũng vậy. Chúng tôi cũng có những lời khuyên cho bố mẹ nhưng nhiều em đến tâm sự với thầy cô là bố mẹ bắt thi trường mà em không thích", thầy Cương cho biết.

Đó là đối với phụ huynh, còn với con cái, các em cũng hồn nhiên không kém khi không hiểu và không chia sẻ với công việc của bố mẹ.

"Báo chí tán dương bà bán hàng rong kiếm tiền nuôi con học đại học hay ông bố ngủ trong cống đi sửa xe nuôi con thủ khoa... Tôi kính phục những ông bố bà mẹ này tuy nhiên, tôi lại thầm trách những người con. Anh đủ tuổi vào đại học, sức dài vai rộng thì phải làm thế nào để lo cho bố mẹ bớt khổ. Đằng này hai anh vào đại học. Vậy thời gian rỗi làm gì mà để bố mẹ như thế?

Tôi nói như vậy để thấy bố mẹ lo cho con quá nhiều, không để con tự lập, cho con làm việc thì có vì con thế nào cũng là cách giáo dục không đúng", thầy Văn Như Cương bày tỏ.

Nhân nói về chuyện đi thi, thầy Cương nhớ lại. Năm 1954, thầy thi đại học Sư phạm, bố mẹ gom góp được hơn 10 đồng, không đủ tiền tàu xe nên thầy quyết định một mình đi bộ từ Vinh ra Hà Nội. Cũng may đi được khoảng 30 cây số, trong lúc ngồi chờ phà, thầy gặp một xe quân sự nên được đi nhờ ra đến trường thi.

Khi học đại học, gánh nặng cơm áo vơi bớt khi thầy được ở ký túc xá và nhận học bổng. Tuy nhiên, tiền sinh hoạt hàng tháng thì thầy phải đi làm thêm để chi trả. Thầy kể: "Thời đó chúng tôi làm tất cả mọi việc, thậm chí còn ra bến Phà Đen vác tre nứa từ tàu bè lên bờ. Chúng tôi không nề hà nặng nhọc miễn là vẫn có sức để tồn tại".

Chia sẻ về chuyện dạy con cái, có 2 việc mà thầy Cương không bao giờ can thiệp là học ngành gì và lập gia đình. Thầy chỉ đưa ra lời khuyên chứ không quyết định thay con.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội): 90% các gia đình Việt không có lòng tin, thiếu tôn trọng trẻ

Đến bao giờ cha mẹ thôi bao bọc con? - 5

Tiến sĩ Vũ Thu Hương

Những trường hợp bao bọc con thì quá nhiều, có lẽ nó chiếm đến hơn 90% các gia đình Việt. Ngay sáng hôm qua, tôi ngồi ăn phở trước mặt 1 cặp bà cháu. Cháu chừng 5 tuổi, chắc đang học lớp lá. Bà đút cho cháu từng thìa, dỗ cháu ăn từng chút. Khi cháu rỗi việc, nghịch phá thì bị bà mắng mỏ.

Việc này rõ ràng làm cho cháu trở thành một người hoàn toàn thụ động, luôn cảm giác mình không làm được gì.

Việc quan tâm trẻ thái quá sẽ hạn chế sự phát triển của trẻ nhỏ và gây ra sự thiếu tin tưởng của chính người lớn với trẻ nhỏ.

Thực ra, lúc ban đầu mới sinh ra, trẻ rất nhỏ bé, yếu ớt. Vì thế, cha mẹ có tâm lý lo lắng, bao bọc là hợp lý.

Tuy nhiên, trẻ dần dần lớn lên. Khi cha mẹ không lớn kịp với tốc độ của trẻ, không có lòng tin với trẻ và thiếu tôn trọng trẻ thì việc bao bọc sẽ vẫn diễn ra.

H'Ăng Niê, giảng viên kỹ năng sống thiếu nhi, Trung tâm Ý tưởng Việt: Thấy mạnh mẽ hơn khi mẹ tin mình

Đến bao giờ cha mẹ thôi bao bọc con? - 6

H'Ăng Niê

Tôi cho rằng cha mẹ yêu thương, chiều chuộng con là đúng nhưng cần thương con đúng với mong chờ của con.

Là một giảng viên dạy kỹ năng sống, tôi cũng hiểu được tâm lý của các em. Nhất là đối với những đứa trẻ thời hiện đại, muốn được tự lập, tự khẳng định bản thân với gia đình và xã hội.

Việc bao bọc con thái quá vô tình làm mất khả năng tự quyết cũng là cơ hội cho các em tự trưởng thành.

Ngày tôi đi thi, cả kỳ thi đại học và tốt nghiệp sư phạm cũng như thi hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2011, tôi luôn nhận được sự nhắc nhở của cha mẹ mình. Tôi vui với những câu: "Con có đi được không? Có an toàn không?... thay vì cha mẹ nói rằng: Con phải làm thế này, con phải làm thế kia...

Vì chưa làm mẹ nên chưa hiểu hết được sự yêu thương vô bờ bến của người làm mẹ. Nhưng là một người con, tôi cảm thấy mạnh mẽ hơn khi mẹ tin mình, tôn trọng mọi quyết định của con thay vì quán xuyến, làm hết mọi việc cho con.

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP. HCM: Tước đi những cơ hội để con rèn luyện kỹ năng sống

Đến bao giờ cha mẹ thôi bao bọc con? - 7

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

Việc cha mẹ bao bọc con cái quá mức đừng nghĩ rằng đó là tình thương trọn vẹn. Đó là việc tước đi những cơ hội để con rèn luyện kỹ năng sống, nhân cách và sự trưởng thành nói chung.

Những biểu hiện của sự thương yêu con trẻ cần được nhìn nhận ở một thái độ tích cực hơn. Quan tâm đến trẻ bằng sự chia sẻ, động viên để trẻ vững tin. Ngoài ra, phải giúp trẻ có niềm tin vào bản thân mình khi trẻ nhận ra mình có thể làm được. Chuẩn bị tâm lý để trẻ biết rằng có thể mình chưa hoàn toàn bản lĩnh như đủ sức để đương đầu với những khó khăn. Và chính cách thức tin tưởng, trao đổi, chia sẻ và phân tích để trẻ nhận ra những gì cần thực hiện quan trọng hơn cả.

Nếu cảm nhận được những thử thách hay thách thức, hãy nói với trẻ để trẻ hiểu. Hãy giúp trẻ hình thành những kỹ năng cần thiết và bản lĩnh để vào đời, để đối đầu thay vì quá bao bọc, chở che. Điều đó làm cho trẻ cảm thấy mình trưởng thành một cách đúng nghĩa...

Khi con trẻ vào đời, đi thi, lập gia đình, nghĩa là trẻ cần cuộc sống độc lập. Chúng ta không thể sống giùm trẻ, càng không thể lo mọi thứ cho trẻ để con cái ỷ lại, mè nheo và mất dần sự tự lập cũng như việc chịu trách nhiệm trước cuộc sống. Chính con trẻ biết mình cần gì, muốn gì, thích gì và chung sống với ai là phù hợp. Điều đó sẽ giúp con cái sống đúng nghĩa với hạnh phúc của mình.

Con cái cần được tôn trọng. Sự tôn trọng này cũng là thương yêu.

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự