Đừng tàn nhẫn với chính đồng loại của mình

Ngày 10/11/2015 11:18 AM (GMT+7)

Hãy tạo dựng niềm tin, tình yêu ngày hôm nay để ngày mai, những thế hệ tiếp theo dám làm, dám sống và dám hành động vì hai chữ đạo đức. Đừng tàn nhẫn với đồng loại của mình...

Tôi còn nhớ như in câu chuyện xảy ra cách đây 7 năm khi tôi còn là sinh viên. Vừa đi trên đường, tôi giật mình khi thấy cảnh tượng hai xe máy đâm nhau. Hốt hoảng đứng lại xem chuyện gì xảy ra vì lúc đó chưa kịp định thần. Thật may, thấy người ngã xe bò dậy, tôi chắc mẩm ‘chắc họ không sao’. Anh này bỗng hùng hục chạy về phía xe đối phương cũng đang nằm xõng xoài dưới đất, vừa kịp lổm ngổm bò dậy. Trong đầu tôi nghĩ ‘chắc là tới đỡ anh kia dậy’.

Nhưng không, tôi đã lầm, một cái tát như trời giáng kèm theo những lời thô tục: “Mày đi xe kiểu gì thế hả, không có mắt à mà đâm vào xe tao?”. Tôi hoảng hốt tránh ra xa vì sợ… sợ họ đánh nhau lại đánh cả mình. Khi đó, còn trẻ người non dạ, biết gì đâu, thấy tình huống lạ, sợ xanh mắt. Chỉ là, tôi không hiểu nổi hành động của người kia. Cả hai cùng ngã, đau điếng, tay anh kia còn như kiểu gãy, vậy mà anh này đã nhảy bổ tới đấm đánh, không cần một lời giải thích hay xin lỗi. Thật nhẫn tâm… Đừng ngoài, chỉ muốn lao vào đá cho anh kia vài cái nhưng không làm nổi.

Ngày ấy tôi hơi hèn…

Có lần, đi chợ sinh viên mua đồ. Thấy cảnh móc túi trắng trợn mà khiếp sợ. Một anh xăm trổ móc túi một cô sinh viên, tôi đã nhìn thấy mà không dám nói gì. Bởi, nghe bạn tôi kể, có lần cô ấy thấy cảnh móc túi mới hô hoán lên. Lập tức, cô bị gã móc túi lao vào tát  tới tấp và chửi mắng ‘tao móc túi ai, mày thấy tao móc à’. Rõ ràng là anh ta chưa kịp móc vì cô bạn tôi kêu lên và tất nhiên, cô ấy cũng chẳng có bằng chứng gì mà buộc tôi anh này. Thật may anh ta chỉ tát chứ nếu xé áo, xé quần thì cũng đành chịu. Khổ quá, từ đó, cô ấy cấm chỉ dám nói dù nhìn thấy có kẻ móc túi người bên cạnh mình. Chỉ dám ngậm miệng và cẩn trọng khỏi mất đồ đạc của mình, còn thiên hạ, xin khiếu.

Câu chuyện của cô ấy đã dọa được tôi. Nhiều lần nhìn thấy kẻ móc túi, tôi cũng làm ngơ như không biết, im bặt. Chỉ khi người ta bị móc xong rồi tôi mới dám ghé vào tai và nói nhỏ ‘hình như chị bị móc túi đấy’.

Ngày ấy, tôi hơi hèn…

Sau này, khi tôi đã ra trường và đi làm, có chút tiền, có thể tự lập lo được cuộc sống của mình và hiểu chuyện hơn, tôi mới thấy, cuộc đời này thật lắm éo le. Lòng tin của con người đang mất dần bởi những thứ đạo đức bị tha hóa kia. Con người ta muốn tốt, muốn đối xử tử tế với nhau nhưng đôi khi, lòng tốt ấy lại bị lợi dụng, bị phỉ báng.

Đừng tàn nhẫn với chính đồng loại của mình - 1

Cho đi không mong nhận lại, nhưng ở đời có nhân quả, ta tốt với người, ắt có sự đền đáp xứng đáng, sẽ có người khác ban phát lòng tốt ấy đến với ta. (ảnh minh họa)

Tôi đã dũng cảm, bớt hèn hơn trước. Nhưng rồi, tôi lại gặp một cảnh tượng đau lòng và nó lại một lần nữa tước mất niềm tin của tôi. Một vụ va chạm xe, một người đàn ông ngã xuống đường và một năm thanh niên lao tới giúp. Ông này đứng dậy, chưa hiểu chuyện gì cứ buộc tội anh này đâm vào ông và bắt bồi thường. Thế là anh kia vạ lây. Tôi đứng đó, thấy mọi cảnh tưởng và bất bình với lòng tốt của anh kia bị hiểu lầm. Cũng không biết đây là một màn kịch của ông già ngã xe hay một sự hiểu lầm, hoặc là cố tính làm như vậy để đòi bồi thường nữa. Bao nhiêu người vây quanh anh này để bắt anh ta đền ông cụ, thật tội nghiệp. Thấy vậy, tôi đã lao đến để bênh vực anh ấy, vì tôi chứng kiến toàn bộ sự việc. Không thể để cho người tốt bị oan uổng.

Tôi đã giải quyết được một việc quan trọng, giúp được anh kia nhưng trong lòng không khỏi nghĩ, liệu những chuyện như vậy có khiến con người ta ngại giúp đỡ nhau. Đôi khi là bị hiểu lầm, đôi khi là sợ bị liên lụy. Nhưng suy cho cùng, có bị hiểu lầm cũng được, có bị liên lụy cũng không sao, rồi mọi chuyện sẽ sáng tỏ, quan trọng là, biết giúp đỡ người khác khi hoạn nạn. Cứu được một người còn hơn xây 7 tòa tháp… Thấy người khác ngã ra đường, quằn quại trong đau đớn mà đi qua chỉ để lại một bức hình, rồi làm ngơ, thật đáng trách…

Từ khi lớn lên, dù chưa hiểu nhiều chuyện, cũng chưa được học nhiều điều hay ở đời, nhưng tôi đã sớm được dạy, làm người phải biết yêu thương lẫn nhau. Sống phải có niềm tin, phải có tình yêu thương, đừng vì vài chuyện nhỏ nhặt mà gây hấn thù hằn.

Trưởng thành hơn, cũng gặp nhiều trường hợp bất đắc dĩ, tôi lại càng hiểu, nếu ai cũng sợ, nếu ai cũng tránh cũng né thì ai giúp đỡ ai? Không lẽ thấy người ta nằm chờ chết bên đường cũng không dám lao vào cứu, đưa họ đi bệnh viện. Thử hỏi, nếu đó là mình, người thân của mình, ai sẽ ra tay giúp đỡ… Cho đi không mong nhận lại, nhưng ở đời có nhân quả, ta tốt với người, ắt có sự đền đáp xứng đáng, sẽ có người khác ban phát lòng tốt ấy đến với ta.

Với tất cả những câu chuyện kể trên, tôi chỉ muốn nói với các bạn rằng, sống ở đời phải bao dung độ lượng, đừng vì họ trợn mắt với mình mà mình gây hấn, đừng vì một cái nhìn đểu mà đánh nhau rồi chém giết nhau. Cũng đừng vì va quẹt xe mà chửi đánh, xúc phạm nhau. Thấy chết mà không cứu, đó là vi phạm đạo đức. Một vụ taxi gây tai nạn liên hoàn trên cầu vượt Chùa Bộc – Thái Hà đã đủ để chúng ta suy ngẫm về hành động của mình. Vì va quẹt xe mà xảy ra vụ tại nạn. Vì sợ hãi mà gieo mình tự tử. Thấy người bị thương nằm ở đường mà không ra tay cứu giúp. Tất cả là vì đâu, vì thái độ của con người, vì lối ứng xử giữa người với người, vì thói cục cằn, hung hăng. Bỏ qua cho nhau, không rượt đuổi nhau, hoặc đứng lại xin lỗi nhau bằng sự chân thành thì biết đâu, kết quả sẽ là một cái bắt tay và một nụ cười thân thiện, chứ sẽ không phải là một vụ tai nạn khiến cả chục người liên lụy.

Hãy tạo dựng niềm tin, tình yêu ngày hôm nay để ngày mai, những thế hệ tiếp theo dám làm, dám sống và dám hành động vì hai chữ đạo đức. Đừng tàn nhẫn với đồng loại của mình...

Nam Châm
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề 5 người trong một gia đình tử vong ở SG