"Em ơi, tỉnh dậy đi, các con đang đợi"

Ngày 09/10/2014 10:05 AM (GMT+7)

Đó là những lời tha thiết mà người chồng của chị Vũ Thị Hài, người phụ nữ sinh con trong hôn mê, vẫn ngày ngày nói với chị.

Những ngày qua, cư dân mạng không khỏi xúc động với ca em bé chào đời từ người mẹ hôn mê của sản phụ Vũ Thị Hài hiện đang điều trị ung thư máu cấp tính giai đoạn cuối tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung Ương. Khi đang mang thai 34 tuần, chị Hài đột nhiên rơi vào hôn mê sâu do xuất huyết não, các bác sĩ đã tiến hành mổ lấy thai vào sáng ngày 3/10. Hiện sức khỏe của em bé tiến triển tốt.

Tại phòng cấp cứu - Viện huyết học truyền máu TW, đội ngũ y bác sĩ và người nhà vẫn vây kín bên giường bệnh của chị Hài. Hơn 1 tuần qua, kể từ khi phẫu thuật cứu sống cháu bé trong bụng, chị vẫn hôn mê chưa tỉnh lại. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, bệnh nhân đã có dấu hiệu cải thiện sức khỏe.

Phát hiện ung thư máu trước 1 tháng sinh

Vợ chồng anh  Đào Trọng Hải (31 tuổi) và chị Vũ Thị Hài (29 tuổi) quê gốc ở Thái Bình. Hai anh chị tình cờ biết đến nhau vì nhà anh có dãy nhà trọ cho thuê, còn chị là người ở trọ và dần bén duyên với con trai chủ nhà là anh. Tình yêu đơm hoa kết trái giữa anh công nhân và chị thợ may, họ kết hôn và sau hơn 1 năm, bé ĐàoThị Ngân Giang ra đời.

Rồi chị có bầu đứa thứ hai. Những mệt mỏi, thay đổi trong suốt thời kỳ ốm nghén làm chị chủ quan, không để ý đến những biểu hiện khác lạ trong cơ thể. Lần đi siêu âm trước một tháng chuẩn bị sinh con, chị thấy một bên chân tím tái, đau buốt và quyết định đi thử máu xét nghiệm. Tại bệnh viện Đa khoa Thái Bình, bác sĩ kết luận, chị bị ung thư máu.

Vợ chồng chị lại khăn gói từ Thái Bình lên Viện Huyết học Truyền máu TW tiến hành các thủ tục nhập viện. Các bác sĩ xác định bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu cấp thể M3 với tình trạng tế bào bạch cầu tăng rất cao và rối loạn đông máu nặng.

Tối ngày 1/10 sau khi cho vợ ăn cháo, anh vừa chạy ra ngoài thì nhận được điện thoại thông báo, vợ anh lên cơn co giật, miệng sùi bọt và có nhiều biểu hiện nguy kịch.

Ngay đêm hôm đó, Viện Huyết học Truyền máu TW kết hợp với các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Phụ sản TW chẩn đoán và quyết định mổ để đưa cháu bé ra trước. 2 giờ sáng ngày 2/10, bé gái nặng gần 2kg được mổ thành công và hồi sức sơ sinh tại chỗ, sau đó đưa về Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản TW  tiếp tục hồi sức.

Theo chị Lưu Thị Bạch Yến – Điều dưỡng trưởng Khoa Khám bệnh Điều trị ngoại trú và cấp cứu Viện Huyết học Truyền máu TW cho biết: “Bệnh nhân bị Lơxemi cấp máu 3, cho đến thời điểm này vẫn bị hôn mê sâu tuy nhiên  không sốt, đường thở không khó, vết mổ khô và sản dịch ra ít, tiến triển khá hơn so với ngày đầu tiên”.

quot;Em ơi, tỉnh dậy đi, các con đang đợiquot; - 1
Điều dưỡng Lưu Thị Bạch Yến là người hàng ngày chăm sóc nữ bệnh nhân sinh con trong hôn mê.

Chị Vũ Thị Hằng (chị gái bệnh nhân) cho biết: “Bé giờ vẫn ở bên khoa Nhi , Bệnh viện Phụ sản TW. Sức khỏe cháu đã khá hơn, được đưa ra ngoài lồng kính để tập thở và làm quen với môi trường mới”

“Mẹ ơi, sao người ta buộc mẹ nhiều dây thế?

Chồng chị cả tuần trời túc trực bên vợ trông gầy sọp, đôi mắt trũng sâu mệt mỏi và tiều tụy. Anh như ngã khụy. Anh ở bên chị 24/24, nắn chân tay, trò chuyện chẳng rời mắt khỏi chị . Anh đờ đẫn như người mất hồn, trông khắc khổ. Hàng ngày, anh vẫn giở ảnh các con đặt sát bên tai và lòng bàn tay chị. Anh thủ thỉ gọi tên vợ như thể chị còn khỏe và tỉnh táo để tâm sự cùng anh: “Em ơi, dậy đi, Ngân Giang, Ngân Hà đang đợi em từng giây, từng phút”.

quot;Em ơi, tỉnh dậy đi, các con đang đợiquot; - 2
Bên giường bệnh, anh mở ảnh các con để trò chuyện với người vợ hôn mê.

Lúc sinh con, các bác sĩ nói đặt tạm tên con là Phương Anh cho dễ gọi. Anh không đồng ý. Trước ngày nhập viện, chị dặn anh phải đặt tên con là: Đào Vũ Ngân Hà. Chị bảo, để sau này khi con lớn, nhìn cái tên ấy con sẽ nhớ mãi về hình ảnh của  bố mẹ và chị gái của con. Ngân Hà là tên cả anh và chị quyết định đặt cho đứa con út.

Bố anh lặn lội từ Thái Bình lên thăm các con cũng không cầm được nước mắt. Ông khóc rồi chỉ biết động viên anh: "Chặng đường phía trước còn dài, dẫu có chuyện gì đi chăng nữa, con cũng phải biết mạnh mẽ để đứng dậy".

Những ngày vừa qua, gia đình anh cứ luân phiên chạy qua lại giữa hai viện, khó khăn cứ chồng chất. Mọi người đôn đáo giữa hai bề. Bé Ngân Giang ở với ông bà, đợi ngày mẹ đưa em về. Hôm lên thăm mẹ, con nhớ mẹ khóc ngặt rồi ngác ngơ thắc mắc với bố: “Bố ơi, tại sao mẹ không trả lời con, tại sao người ta buộc mẹ chằng chịt ở mũi, ở tay ở người thế kia hả bố?" Những câu hỏi cứ xoáy sâu vào tâm can anh, anh lặng im, lại gục bên chị khóc. Tiếng máy thở phòng bệnh cứ dồn dập, liên hồi buốt ruột.

quot;Em ơi, tỉnh dậy đi, các con đang đợiquot; - 3
Gia đình túc trực bên bệnh nhân mong tới ngày chị Hài tỉnh lại.

Khi tôi viết những dòng chữ này, chị vẫn nằm trên giường bệnh, chằng chịt những dây và ống thở. Người phụ nữ quê gốc Thái Bình mạnh mẽ và can trường hơn tôi tưởng rất nhiều. Chị đã “vượt cạn” thành công trong hoàn cảnh đặc biệt và bi đát nhất. Bé Ngân Hà được cứu sống và sức khỏe tiến triển nhanh đến kỳ diệu. Tôi và những độc giả khác trên khắp đất nước này vẫn đang dõi theo chị từng giây từng phút và tin rằng, có một điều kỳ diệu nữa sẽ đến. 

Bệnh bạch cầu cấp

Bệnh bạch cầu cấp là một bệnh ác tính của tế bào tiền thân tạo huyết. Tế bào ác tính mất khả năng trưởng thành và biệt hóa. Những tế bào này tăng sinh một cách không kiểm soát được và rồi thay thế hoàn toàn các phần tử bình thường của tủy xương.

Đa số các trường hợp xảy ra không rõ nguyên nhân. Tuy vậy, phóng xạ và một số độc chất (Benzen) tỏ ra rõ ràng gây bệnh bạch cầu. Ngoài ra, một số chất hóa trị liệu (đặc biệt procarbazin, melphalan, các chất alkyl hóa khác, etoposid) có thể gây bệnh bạch cầu. Các bệnh bạch cầu sau tiếp xúc với các chất độc hay hóa trị liệu thường phát triển từ tiền triệu loạn sản tủy và đều có những bất thường ở nhiễm sắc thể 5 và 7. Tuy một số bất thường di truyền tế bào khác thấy trong một vài thể của bệnh bạch cầu cấp nhưng vai trò thật sự của chúng trong bệnh sinh vẫn còn chưa rõ.

Đa số các nhận biết lâm sàng trong bệnh bạch cầu cấp là do tổn thương tủy xương dẫn đến thay thế các phần tử bình thường của tủy xương bởi các tế bào ác tính. Những biểu hiện ít gặp gồm thâm nhiễm trực tiếp cơ quan (da, đường dạ dày - ruột, màng não). Bệnh bạch cầu cấp là một trong những thí dụ nổi bật của một bệnh trước đây tàn khốc không thay đổi được thì nay lại chữa được và có tiềm năng khỏi hẳn bằng hóa trị liệu phối hợp.

Tư Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu