Gái ế, trốn đâu cho hết Tết?

Ngày 06/02/2015 10:24 AM (GMT+7)

Ngày Tết, làm sao để vui với một cô gái chưa lập gia đình? – Một cô gái “ế” phải trốn đi đâu cho hết Tết bây giờ? – Trốn đi đâu để không ai còn hỏi một cách đầy hả hê như vậy nữa…

Cô bạn tôi, một cô gái 27 tuổi, nói rằng cô sẽ không về quê ăn Tết nữa.

Từ năm 24 tuổi, suốt 6 ngày nghỉ Tết, năm nào cũng như năm nào, cô thường phải ngồi “chây” ra chịu trận trước hàng chục câu hỏi của họ hàng nhắm vào mình.

“Con có người yêu chưa?”

“Sao không dẫn bạn trai về?”

“Con gái lớn không lấy chồng thì làm gì?”

“Con không lấy chồng đi, cả xóm này bạn bè có con bồng bế hết rồi?”

“Mẹ không cưới chồng cho, rồi thành bà cô ở vậy à?”

Những câu hỏi, ban đầu hàm ý vui mừng con cháu lớn lên, dần dần thay đổi vị trí, không còn vui vẻ gì nữa. Chúng leo thang thành sự đe dọa. Chúng rời xa lòng tốt quan tâm của người hỏi, trèo lên cao, hóa thành khổng lồ phán xét cô gái. Câu hỏi đã trở thành một phán đoán, một áp lực. “Nghĩa vụ gia đình” của một cô gái trẻ được quy định từ lâu đời: sau khi lớn, phải có bạn trai, có chồng, phải làm mẹ. Đứa nào rời bỏ quỹ đạo đó, hay mãi không đáp ứng được yêu cầu, dần dần sẽ trở thành đồ vô dụng, hoặc một chủ đề bàn tán vô thưởng vô phạt cho những người thân thích giàu lòng quan tâm.

Gái ế, trốn đâu cho hết Tết? - 1

Những câu hỏi, ban đầu hàm ý vui mừng con cháu lớn lên, dần dần thay đổi vị trí, không còn vui vẻ gì nữa. (ảnh minh họa)

Đầu tiên, cha mẹ đã sinh ra cô gái là người chịu tổn thương trước. Họ quýnh quáng và lo lắng vì mãi con mình không có ai “rước” đi, và họ không thể ăn ngon ngủ yên khi cứ phải chứng kiến tuổi trẻ của con trôi qua vùn vụt mà mãi không có ai che chở. Bên cạnh tình thương, cha mẹ chịu áp lực nặng nề (đầy đắc thắng) của những người họ hàng ác ý luôn muốn đặt các câu hỏi cắc cớ làm nổi bật lên sự thất bại của họ và con gái trong quy trình “cua” một người đàn ông làm chồng. Như một điều vô phúc.

Với những anh chị em họ cùng lứa tuổi, đôi khi họ đã tay bồng tay bế, có con có vợ chồng, họ lo lắng (thay), không hiểu được vì sao mãi mà người em dòng họ đó chưa bước vào quỹ đạo gia đình giống họ. Nhiều người ác ý, tuyệt đối tin tưởng rằng đứa em mình là một kẻ “kém tắm” – và họ hãnh diện được thành công, có nhiều con cháu bồng bế, và luôn miệng hỏi với giọng thông cảm: “Nếu em thích, chị giới thiệu cho em anh bạn chị, cũng lớn tuổi với nhau cả, về đùm bọc nhau qua ngày!”

Không ai bảo ai, bằng những động cơ khác biệt, cả dòng họ biến thành nhà tư vấn hôn nhân cho cô gái 27 tuổi một năm về thăm nhà một lần. Những cuộc vui thân quen, bữa ăn tối quây quần, hay ngày đi tảo mộ yên bình… đã bị bóp méo thành một dáng vẻ khác. Nó đè nặng lên cô gái như một hòn đá. Làm sao cô có thể giải thích vì sao cô chưa lập gia đình? Làm sao có thể chia sẻ chuyện tình cảm chưa tròn vẹn của mình với cả chục người đang lom lom dòm cô trước mặt? Làm sao có thể trấn an bố mẹ tóc đã bạc và lúc nào cũng một mực lo lắng con gái mình chắc sẽ chết già trong cô độc?

Trong một dòng họ lớn, hôn nhân và anh chồng không còn là “địa hạt” riêng mà cô gái có quyền quyết định nữa. Nó trở thành một chuyên đề dài hạn, phức tạp, lời qua tiếng lại, bình phẩm, có khi nặng nề thành… cãi nhau. Ở những dòng họ Á Đông, người ta vẫn chưa quen với việc chuyện riêng tư của mỗi người không phải một chuyên đề tán dóc. Chuyện chồng, con, sảy thai, có bồ nhí, có vợ hai, có chồng khác… luôn luôn nghiễm nhiên trở thành quà buôn chuyện cho cả người lớn lẫn trẻ con trong dòng họ mấy chục người.

Gái ế, trốn đâu cho hết Tết? - 2

Cô chỉ còn ước tránh được những lời hỏi thăm thiện ý ấy, tránh bị hỏi, tránh phải một mực hoàn thành “chỉ tiêu” như những người lớn trong dòng họ mong đợi. (ảnh minh họa)

“Nạn nhân” thường là những đứa con mỏng manh và yếu đuối, ít tiếng nói và không thể kháng cự hay cãi lại ai. Cô gái thường chỉ biết tránh né các cuộc gặp mặt dài và những chuyện mổ xẻ từng chi tiết. Vì quá mỏi mệt và sợ hãi sự truy vấn thường trực và ánh mắt nhìn lạ lùng, nhiều bạn gái tránh cả dịp về quê ăn Tết, tránh cả ngày họ hàng sum họp.

“Sao chưa có chồng vậy con?”

“Thằng nào cũng chê hay không ai thích mày?”

“Xóm bên có ông H. 40 tuổi, hơi hâm hâm tí thôi như tốt bụng, làm ăn giỏi, hay cưới đại lão về cho có chỗ dựa. Để dì qua nói chuyện cho.”

“Không cưới chồng để thờ luôn hả con?”

Cô chỉ còn ước tránh được những lời hỏi thăm thiện ý ấy, tránh bị hỏi, tránh phải một mực hoàn thành “chỉ tiêu” như những người lớn trong dòng họ mong đợi. Trong một gia đình lớn, mọi vấn đề riêng tư nhất cũng đều được mổ xẻ như một chuyện đùa cứa vào lòng.

Ngày Tết, làm sao để vui, với một cô gái chưa lập gia đình? – Một cô con gái “ế” phải trốn đi đâu cho hết Tết bây giờ? – Trốn đi đâu để không ai còn hỏi một cách đầy hả hê như vậy nữa…

Xem thêm bài liên quan:

Gái ế tôi đây, quá yêu thân mình

Chùm ảnh vui: xót xa phận gái ế

Này, hãy cứ yên tâm mà làm gái ế!

Bi hài chuyện gái ế đi hẹn hò

Khải Đơn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Gái ế