Giải mã kiêng kị trong cưới hỏi (5): Đủ chiêu át vía mẹ chồng

Ngày 15/06/2016 14:36 PM (GMT+7)

Mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu từ xưa đến nay vẫn bị coi là nguyên nhân gây không ít mâu thuẫn, phức tạp trong gia đình. Cũng vì lẽ đó, trong ngày cưới, nhiều cô dâu thời nay đã dùng đủ mọi “chiêu” như: Bùa, bấm khóa, mang kim... những mong “át vía” mẹ chồng khi về nhà chồng.

Mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu từ xưa đến nay vẫn bị coi là nguyên nhân gây không ít mâu thuẫn, phức tạp trong gia đình. Cũng vì lẽ đó, trong ngày cưới, nhiều cô dâu thời nay đã dùng đủ mọi “chiêu” như: Bùa, bấm khóa, mang kim... những mong “át vía” mẹ chồng khi về nhà chồng.

Dùng bùa, bấm khóa… át vía mẹ chồng

Yêu nhau đã mấy năm nhưng Nguyễn Thị Chuyên, ở Chương Mỹ (Hà Nội) rất ít khi về nhà người yêu chơi. Chẳng biết trước khi cưới, Chuyên nghe ai đó rỉ tai rằng, nhà ấy, bà mẹ chồng ghê gớm phải biết, về mà không khéo thì khó mà sống chung được quá mấy ngày. Từ lâu đã được bạn bè nói nhiều, rồi đọc trên các phương tiện truyền thông những tin giật gân về thảm cảnh mẹ chồng, nàng dâu nên khi nghe mọi người nói vậy, Chuyên cảm thấy có chút ái ngại. Nhiều khi cô tự hỏi, khi sống cùng mẹ chồng, nếu có tình huống a, b, c… xảy ra thì mình phải xử trí như thế nào? Liệu chồng mình có bênh mẹ mà hùa vào nói vợ không?...

Thế rồi, không hiểu ai bày cho cô một cách rất đơn giản mà lại khắc chế được “vía” của mẹ chồng. Đó là trong ngày cưới, cô dâu tay cầm một cái khóa va li bé xíu, khi nào nhìn thấy mẹ chồng thì bấm vào để có thể “khóa mồm khóa miệng”. Để an tâm hơn, Chuyên còn đi xem bói và nghe theo lời thầy để một tấm bùa dưới giường mẹ chồng.

Ở chung với mẹ chồng mấy tháng, Chuyên thấy mẹ chồng cũng hiền lành và tâm lý chứ chẳng như lời người ta đồn đại. Chuyên nghĩ, chắc nhờ bài phép đơn giản đã thực hiện trong ngày cưới mà mình át vía mẹ chồng được thành công. Ngày các bạn của Chuyên cưới, cô còn hý hửng truyền lại cho bạn bè. Không ngờ, câu chuyện lại đến tai mẹ chồng Chuyên khiến bà “điên máu”. Bà quyết định không bỏ qua cho cô con dâu vì dám "dùng phép" để “át vía” mẹ chồng. Từ đó, hai mẹ con trở nên căng thẳng, thường xuyên to tiếng.

Giải mã kiêng kị trong cưới hỏi (5): Đủ chiêu át vía mẹ chồng - 1

Ở chung với mẹ chồng mấy tháng, Chuyên thấy mẹ chồng cũng hiền lành và tâm lý chứ chẳng như lời người ta đồn đại. (ảnh minh họa)

Cũng vì muốn “át vía” được mẹ chồng, Trần Duyên (ở Nam Định) cũng vội vàng đi tìm bài thuốc “khắc chế”. Nghe bạn bè mách cài 9 cái kim vào gấu váy khi cưới, Duyên làm theo dù trước đó chỉ nghe nói ngày cưới cô dâu mang theo 7 hoặc 9 cái kim về nhà chồng để phòng khi chú rể bị cảm gió sẽ dùng kim đó giúp chồng tỉnh lại… “Chưa biết hiệu quả đến đâu nhưng mình vẫn muốn làm để giải tỏa tâm lý. Chứ mình nghĩ quan hệ mẹ chồng, nàng dâu hòa thuận hay không phần nhiều là ở cách sống”, Duyên chia sẻ.

Câu chuyện của Dương Hoa (ở Hưng Yên) lại khác. Sau hai tháng chuẩn bị, cuối cùng cũng đến ngày cưới. Ngày cưới, Hoa hồi hộp chờ đợi giây phút chú rể trao hoa đón cô dâu về nhà. Khi xe đến cổng nhà trai, hai vợ chồng lúi húi xuống xe chụp ảnh lưu niệm, xong xuôi cùng khách khứa bước vào. Họ hàng bên chồng đã đứng chờ sẵn ở ngoài nhưng Hoa thấy lạ khi tuyệt nhiên không thấy bóng dáng mẹ chồng đâu để chào hỏi.

Vừa hồi hộp vừa lo lắng khi nhìn mãi mà không thấy mẹ chồng, Hoa chột dạ nghĩ “Hay là mẹ không vừa ý gì mình nên không ra đón”. Định mấy lần hỏi chồng nhưng Hoa ngại nên lại thôi. Khi lên phòng làm lễ gia tiên, bắt gặp mẹ chồng đang đứng nói chuyện với mấy bác, Hoa nhanh nhẩu chào hỏi mọi người rối rít và nói với mẹ chồng: “Mẹ ở đây làm con tìm mẹ mãi”. Vừa dứt lời, thấy mọi người cười ồ lên, Hoa ngơ ngác không hiểu tại sao thì mẹ chồng đã giục ra ngoài rót nước mời khách.

Sau này Hoa được chồng giải thích rằng từ xưa đến nay, quê chồng đã có lệ khi đoàn rước dâu về tới đầu ngõ, mẹ chồng sẽ cầm bình vôi lánh mặt đi chỗ khác để cô dâu bước vào nhà. Tục đó ngụ ý rằng, mẹ chồng vẫn muốn nắm quyền hành trong nhà, không muốn con dâu thay thế. Theo quan niệm, bình vôi biểu hiện tài sản trong nhà và nắm giữ bình vôi chính là nắm giữ tài sản, hoặc có thể thay bình vôi bằng chùm chìa khóa. Khi hai họ đã yên vị được một lúc, mẹ chồng mới xuất hiện để đón con dâu và đi chào khách. Người ta còn giải thích việc mẹ chồng phải tạm lánh mặt con dâu là do sợ kỵ “vía”.

Cách giữ mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất – Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý An Việt Sơn cho rằng, những cách mà các nàng dâu “dùng phép” để “át vía” mẹ chồng trong ngày cưới như việc dùng bùa để ở giường mẹ chồng, vứt kim dưới gầm giường, rồi dùng khóa bấm để “khóa miệng” mẹ chồng… chỉ là mê tín theo dân gian. Nó không đem lại kết quả mà chỉ “đánh lừa” giúp các nàng dâu mới về nhà chồng an tâm về mặt tâm lý. Trong cuộc sống, kết quả mình đạt được như thế nào đều từ cách ứng xử.

Giải mã kiêng kị trong cưới hỏi (5): Đủ chiêu át vía mẹ chồng - 2

Nàng dâu nếu chưa được lòng mẹ chồng hãy chịu khó gần gũi, tìm hiểu, học cách kìm nén cảm xúc. (Ảnh minh họa)

Để giữa mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu khi sống chung mà không có nhiều mâu thuẫn là cả một nghệ thuật. Ai cũng phải học cách tôn trọng, nhường nhịn và quan tâm đến nhau. Mỗi người nên bớt đi tính ích kỷ, cái tôi cá nhân. Quan hệ mẹ chồng, nàng dâu nếu không biết tự vượt qua cái tôi của chính mình rất dễ dẫn đến những mâu thuẫn lớn từ những việc nhỏ nhặt nhất.

Nàng dâu nếu chưa được lòng mẹ chồng hãy chịu khó gần gũi, tìm hiểu, học cách kìm nén cảm xúc. Không nên giải tỏa cảm xúc bằng thái độ bất cần, thách thức với bạn bè, láng giềng hay trên các trang mạng xã hội. Nên nhìn nhận mọi việc theo hướng tích cực, kiểu “mẹ sinh anh để bây giờ cho em”. Ngược lại, ngoài sự cố gắng của các nàng dâu thì mẹ chồng, bố chồng cũng cần phải “hiện đại hóa”, đừng quá xét nét, thay đổi để dung hòa cuộc sống chung. Một mối quan hệ tốt đẹp phải từ hai phía cố gắng.

Khi định làm việc lớn nào đó nàng dâu nên hỏi qua ý kiến của chồng, của bố, mẹ chồng. Nếu không nhận được sự đồng ý, nàng dâu nên nhẹ nhàng giải thích, tìm dẫn chứng thích hợp để vừa có thể bảo vệ được quan điểm của mình mà lại khiến chồng, khiến bố mẹ chồng tôn trọng.

Chuyên gia tâm lý Lê Thu Hiền cho rằng, người chồng sẽ là nhân tố vô cùng quan trọng giữa mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu tốt đẹp hay tồi tệ. Đôi khi mâu thuẫn không chỉ xuất phát từ những va chạm hàng ngày, mà có thể nảy sinh khi bà mẹ thấy mất mát tình cảm với suy nghĩ con trai mình yêu vợ nhiều hơn yêu mẹ. Người chồng có vợ về chỉ quan tâm đến vợ, không để ý đến những tâm tư của mẹ thì mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu ắt sẽ xảy ra. Trong hoàn cảnh này, người chồng bị đẩy vào tình huống khó xử “bên tình, bên hiếu biết chọn bên nào”. Người chồng cần phải biết nghe bằng cả hai tai để nhận ra ai đúng, sai điểm nào. Nếu không có thái độ rõ ràng, người chồng sẽ bối rối dẫn đến những kết luận thiếu sáng suốt.

Theo Hà My
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những phong tục xưa