Giữ lại đứa con với người có vợ

Ngày 05/03/2013 11:00 AM (GMT+7)

Gác điện thoại, chị thẫn thờ. Người đàn ông ấy đã có vợ con.

Chị nhìn xuống bụng, một sinh linh bé nhỏ đang cuộn mình trong vỏ bọc an toàn. Chị đứng trước một quyết định khó khăn: giữ lại hay bỏ đứa trẻ?

Lớn lên trong một gia đình nghèo khó, chị sớm bươn chải. Thấy bạn bè đi làm ăn, Tết về lúc nào cũng rủng rỉnh nặng túi, chị quyết định vào Sài Gòn kiếm sống. Ngày ra đi, chị mơ về một tương lai tươi sáng, hàng tháng gửi tiền về cho ba má.

Đám bạn quê giúp chị tìm phòng trọ, sau đó qua quýt vài quán cơm bụi rồi ai về đường nấy, tất tả mưu sinh. Đường phố chằng chịt, xe cộ đông đúc làm chị choáng ngợp. Tấm bằng trung cấp của chị cũng khó tìm việc. Có lúc tủi hổ chị định quay về quê, nhưng chị lại rong ruổi… Gần một tháng trời vẫn chưa tìm được việc vừa ý. Cuối cùng, chị được nhận vào làm công nhân của một công ty dệt may. Tại đây, đời chị bắt đầu có lối rẽ…

Sáng đi, tối về, người chị mệt lử. Lương lại ba cọc ba đồng, “bóp mồm bóp miệng” may ra còn dư dả đôi chút để gửi về nhà. Đó là chưa kể những lần chị bị tổ trưởng dây chuyền, quản đốc mắng chửi, sỉ nhục do tay nghề non kém. Ba năm trôi qua như thế, chị quen dần với cái khổ và sự bất công. Ngoảnh lại, nhan sắc thời con gái dần phai nhạt. Ba má ở quê giục chị lấy chồng.

Giữ lại đứa con với người có vợ - 1
Chị ngập ngừng bước chân vào bệnh viện. Mấy lần toan quay lại nhưng hình ảnh ba má nơi làng quê cứ ám ảnh chị. (ảnh minh họa)

Đời nữ công nhân tại xưởng may này một năm gặp gỡ được mấy người đàn ông? May thay, trong xóm trọ mới của chị khá đông nam giới. Buổi tối, sau giờ tan ca, mọi người tụ họp đi ăn uống, hát hò giao lưu. Sau những lần như thế, chị được một người ngỏ lời. Hàng ngày, anh chăm lo cho chị từng li từng tí, chia sẻ với chị những cay đắng, muộn phiền. Thấy anh chân thành, chị nghĩ mình đã tìm được một chỗ dựa. Bao nhiêu tình cảm chị dành hết cho người đàn ông tỉnh lẻ này, kể cả cái quý nhất của đời con gái.

Hôm nay, sau một thời gian anh biến mất, chị tìm ra số điện thoại ở quê anh và lấy hết can đảm bấm máy. Thì ra, chị chỉ là nạn nhân của một trò chơi. Mấy cô trong tổ sản xuất khuyên chị nên bỏ cái thai đi để làm lại cuộc đời, nhưng chị chưa nỡ…

Chị đã từng coi thường, rất coi thường những cô gái lẳng lơ trong công ty chuyên lăn xả vào những cuộc tình tay ba, tay tư rồi dứt tâm phá bỏ máu mủ của mình. Chị nhớ, có những lúc lương không đủ sống, một vài người rủ chị ra ngã tư tìm khách. Chị tuyệt đối không nghe theo. Nhưng rồi, dẫu có vùng vẫy thì chị vẫn không thoát ra khỏi vòng xoáy của sự lừa lọc, dối trá.

Chị ngập ngừng bước chân vào bệnh viện. Mấy lần toan quay lại nhưng hình ảnh ba má nơi làng quê cứ ám ảnh chị. Làm sao chị có thể ngẩng mặt để vác cái bụng bầu về? Thôi thì cứ giải quyết cho xong. Nghĩ vậy, chị bước nhanh hơn. Trong phòng đợi, chị nghe những tiếng hét thất thanh, đau đớn, kể cả những tiếng khóc nấc lầm lỡ. Đến lượt, cô y tá lạnh lùng dẫn chị vào phòng. Chị buột miệng: “Có đau lắm không bác sĩ?”, “Đau đến mấy kiếp cho chừa. Sợ đau sao còn vào đây?”, vị bác sĩ nói như trút mọi sự bực dọc. Thấy vẻ băn khoăn, day dứt lộ rõ trên khuôn mặt chị, vị bác sĩ bỗng đổi giọng: “Nếu phá thai, có thể sau này em sẽ không được làm mẹ nữa. Em quyết định rồi chứ?”. Chị do dự gật đầu.

Cửa phòng hé mở, chị thản nhiên bước ra trong một đợt sóng cảm xúc mới. Chị không còn để ý đến những ánh mắt dò xét xung quanh. Đứa bé vẫn ở lại cùng mẹ của nó, chị đã quyết định vào phút chót.

Chị không biết rồi đây hai mẹ con sẽ sống như thế nào, nhưng chị không giống nhiều người đàn bà khác. Thay vì che giấu lỗi lầm một cách nhẫn tâm, chị sẽ sống để chuộc lại lỡ lầm.

Theo Vũ Hoài (Phunuonline)
Nguồn:

Tin bài cùng chủ đề Yêu người có vợ