Học nước người ta là phải lùa trẻ ra trời lạnh?

Ngày 27/01/2016 08:08 AM (GMT+7)

Kỹ năng sống, rèn luyện sức khỏe và sự đề kháng cho trẻ, không còn nghi ngờ gì nữa luôn cần thiết cho đời sống ngày nay.

Cách đây nhiều năm, khi xảy ra nhiều vụ việc thương tâm liên quan đến việc trẻ em đuối nước tôi có phỏng vấn một chuyên gia về bơi lội, anh cho hay ở nước ta các bậc phụ huynh không biết một điều rằng, khi mới sinh ra trẻ em bẩm sinh đã có sự phản ứng với bơi lội.

Điều này được chứng minh bằng việc nếu để trẻ vào một thau nước trẻ sẽ có hành vi đạp chân, khoát tay. Nếu cho trẻ học bơi sớm thì sẽ tận dụng được kỹ năng bẩm sinh của trẻ.

Phải khẳng định một điều rằng, có không ít phụ huynh ở nước ta vẫn có quan điểm “nuôi con trong lồng kính”. Khi sinh ra họ chăm bẵm con như thiết lập một khu vực an toàn tuyệt đối, ngăn trở đứa trẻ tiếp xúc với các môi trường có nguy cơ đối với sức khỏe, nhất là ở các thành phố lớn.

Việc “nuôi con trong lồng kính” sẽ tạo ra nhiều hệ lụy không mong muốn. Đứa trẻ ít được tiếp xúc với nhiều người làm hạn chế việc phát triển ngôn ngữ, các cơ chế đề kháng của trẻ cũng ít được phát huy…

Trong đợt lạnh đang hoành hành ở miền Bắc mấy ngày nay, cư dân mạng đã chia sẻ một hình ảnh cũ nhưng luôn luôn thời sự, đó là so sánh về cách phụ huynh đối xử với con mình trước sự khắc nghiệt của thiên tai. Bức ảnh thể hiện trẻ em ở các quốc gia khác như Hàn Quốc, Trung Quốc… trong băng giá trẻ em phải cởi trần để rèn luyện sức khỏe, khả năng chịu đựng, còn ở ta trẻ em được ủ ấm trong chăn bông và một căn phòng ấm cùng tràn trề tình thương của đấng sinh thành.

Phải khẳng định thêm một điều này nữa, trẻ em ở nhiều nơi khác được giáo dục rất kỹ về những kỹ năng sinh tồn. Điều có thể giúp đứa trẻ sống sót với những tình huống khẩn nguy, bất ngờ nhất. Các kỳ nghỉ, khi trẻ em xứ ta đang phải học đủ các loại môn thêm thiên về kiến thức thì trẻ em ở các nước họ có thể đang được đưa vào các trung tâm rèn luyện về các kỹ năng hành động, sức khỏe và tập luyện thể thao.

Nắm bắt được xu hướng biến chuyển của phụ huynh Việt Nam về cách chăm sóc con cái, nhiều đơn vị đã tổ chức các chương trình học kỳ quân đội. Rõ ràng, những chương trình thiên về giáo dục thể chất cho trẻ đã bắt đầu được chú trọng hơn.

Súp miso của bé Hana là tên một cuốn sách tiếng Nhật vừa được xuất bản ở Việt Nam. Cuốn sách được thể hiện dưới dạng một nhật ký song hành của hai con người. Một là người vợ mắc bệnh ung thư đã rời bỏ cõi trần và một người chồng yêu thương hết mực người vợ đã khuất và yêu quý con hơn sinh mạng của chính mình. Lúc Hana, con của người mẹ ung thư được 9 tháng tuổi, mẹ Hana đang phải bắt đầu hành trình trị liệu và càng thêm lo lắng cho tương lai của Hana. Chị thầm nghĩ, “Điều gì là quan trọng nhất đối với Hana khi vắng mẹ đây?”. Rồi Chie (mẹ Hana) đã tìm ra câu trả lời, mẹ hiểu dạy con cách tự chăm sóc bản thân mình là điều quan trọng nhất. Bằng quan điểm đó, khi qua đời Hana mới 5 tuổi đã biết nấu súp cho hai bố con, biết khuyên bố bỏ thuốc để ở sống với mình được lâu hơn.

Kỹ năng sống, rèn luyện sức khỏe và sự đề kháng cho trẻ, không còn nghi ngờ gì nữa luôn cần thiết cho đời sống ngày nay. Tuy nhiên, dạy trẻ cách ứng phó không phải là ném trẻ ra một môi trường khắc nghiệt và bảo trẻ rằng: Hãy học cách thích nghi đi. Điều đó cần có một quá trình, thậm chí là một nghiên cứu về tính hiệu quả của các hành vi luyện tập so với đặc điểm môi trường  lúc đó.

Đợt lạnh vừa qua là một kiểu thời tiết bất thường, cơ thể của trẻ chưa được tạo lập để làm quen với những kiểu thời tiết như thế. Vì vậy nếu cần thiết để có một sự so sánh thì hãy rèn luyện cho trẻ từ trước đó một quá trình về sức đề kháng, thể chất thông qua các chương trình ngoại khóa, các buổi tập luyện chứ không phải hô hào ném trẻ ra những môi trường đầy rẫy rủi ro như những gì các nước người ta đã làm.

Được biết, dân tộc Đan Lai (một tộc người đã từng có nguy cơ biến mất) có một tập tục khá kỳ dị. Sau khi sinh con, họ đưa đứa trẻ sơ sinh đó ra nhúng xuống nước suối lạnh, đứa trẻ nào chống chọi được cơn lạnh đó thì sẽ trở thành người khỏe mạnh, còn không đứa trẻ có chết đi họ coi đó là sự lựa chọn của tự nhiên. Chúng ta không cần tự nhiên lựa chọn, nhưng phụ huynh có quyền lựa chọn cách ứng phó với con mình và dư luận.

Việt Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Góc nhìn sự kiện