Khi chồng mắc bệnh “tám”

Ngày 22/01/2013 10:08 AM (GMT+7)

Nhưng chồng không nói nhiều với vợ mà dành thời gian rảnh rỗi đi “buôn dưa lê, bán dưa bở” với mọi người.

Người ta thường nghĩ thói nhiều chuyện là bản chất của phụ nữ nhưng mấy ai biết được chồng cũng mắc phải căn bệnh này. Chỉ khác là chồng không nói nhiều với vợ mà dành thời gian rảnh rỗi đi “buôn dưa lê, bán dưa bở” với mọi người.

Xóm lao động bình dân, công việc may vá, xếp giấy, đan giỏ nên hầu hết mọi người đều làm việc ở nhà. Chồng nhận giao nhận hàng theo ca, thời gian rảnh cũng khá nhiều. Thay vì phụ vợ buôn bán, chồng lại chọn việc “tám” chuyện để giết thời gian.

Như thường lệ, sau giờ ăn trưa, chồng lại bắc ghế ra trước cửa. Đầu tiên là những đề tài chính trị nóng hổi trong nước, sau đó là đến tin tức thể thao, rồi dần dà đến chuyện thế giới. Những cuộc tranh luận sôi nổi hơn khi một số ông ở gần đó cùng hùa vào tham gia. Thi thoảng vài câu chửi tục lại vang lên đến chói tai. Trong xóm có nhiều trẻ nhỏ. Mỗi lần tiếng cười nói của chồng cùng các chiến hữu cất lên sang sảng, lũ trẻ giật mình. Không chỉ trẻ nhỏ, buổi trưa, các cụ già chợp mắt cũng không yên.

Khi chồng mắc bệnh “tám” - 1
Thay vì phụ vợ buôn bán, chồng lại chọn việc “tám” chuyện để giết thời gian.
(ảnh minh họa)

Sau nhiều lần vợ nhắc khéo, chồng cùng bạn bè chuyển hướng “tám” ở quán cà phê cóc gần đó. Trong khi vợ bù đầu bù cổ với khách hàng, cơm nước, đưa đón con đi học thì chồng dành trọn thời gian rảnh cho việc “trà dư tửu hậu”. Những đề tài vô thưởng, vô phạt ấy chẳng hiểu sao lại làm chồng đam mê đến vậy. Chồng thao thao bất tuyệt thuyết giảng như một nhà hùng biện.

Chồng tranh thủ nói mọi lúc, mọi nơi đến nỗi các “bà tám” trong xóm cũng phải “lép vế”. Những khi không có đàn ông, chồng lại bắt chuyện với các bà, các chị trong xóm. Mỗi lần nghe giọng chồng hòa lẫn trong đám phụ nữ, vợ bực bội nhưng không biết nói sao để chồng hiểu. Không lẽ vợ lại gào lên: “Sao chồng nói nhiều quá vậy?”. Nếu làm vậy, vợ sợ chồng nổi cơn tự ái, tụi mình lại lục đục cãi nhau.

Phải chi chồng biết một điều nói dài, nói dai thành nói dở, nói dại để biết dừng việc “tám” đúng lúc.

Theo Ngọc Vũ (Phunuonline)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hôn nhân gia đình