Làm thánh trên Facebook…

Ngày 16/06/2015 09:05 AM (GMT+7)

Facebook hay mạng xã hội là công cụ tuyệt diệu, có thể giúp truyền bá thông điệp hữu ích nhưng nó không phải là một đấng cứu thế. Và người dùng càng không nên lầm tưởng mình là thánh.

Nếu ta vào trang công cụ tìm kiếm google mà tìm chủ đề: Hiện tượng nói xấu trên facebook, trong tích tắc ta có kết quả hơn một triệu trang. Quả là thời đại thông tin, thế giới phẳng, đã giúp chúng ta nhìn rõ hơn, sâu hơn mặt trái của xã hội chúng ta đang sống.

Này đây, chồng nói xấu vợ, con dâu kể xấu mẹ chồng, sinh viên nói xấu thày giáo và nói xấu nhau, nhân viên nói xấu lãnh đạo… Kinh khủng hơn, có hẳn những trang cá nhân trên mạng xã hội facebook đăng tải những bài viết rất nhà nghề, dùng ảnh minh họa đầy chủ ý và chuyên nghiệp, tung tin thất thiệt, nói xấu cá nhân, tổ chức, kêu gọi tẩy chay hàng hóa, gây thiệt hại cho nền kinh tế… Vụ bắt tạm giam một người viết facebook có biệt danh Thánh Cô Cô Tuyết Anh Trần mới đây là một ví dụ.

Làm thánh trên Facebook… - 1

Hiện tượng nói xấu phổ biến trên facebook (Ảnh minh họa)

Thì đấy, báo chí đưa tin thế này đây. Gần đây trên mạng xã hội facebook xuất hiện một số trang có tên TAT, MMP... Trên các trang này tung ra một loạt bài viết nói về đời tư một số ngôi sao nổi tiếng như ca sĩ HNH, PCN, người mẫu XL, NT, nhà thiết kế ĐMC... Dù trong bài viết, các người viết facebook chỉ viết tên các nghệ sĩ bằng tiếng lóng, gọi bằng các tên miệt thị, nhưng bên dưới lại đưa thẳng hình ảnh các nghệ sĩ này để minh họa. Trong đó các nghệ sĩ bị đưa những thông tin về đời tư, bôi nhọ bằng nhiều thông tin chưa được kiểm chứng. Các nghệ sĩ này bị gọi là hồ ly tinh, bỏ bê gia đình đi gạ gẫm đàn ông... Nghiêm trọng hơn, các người viết facebook nói trên còn kêu gọi tẩy chay các nhãn hàng mà nghệ sĩ làm đại diện, tẩy chay các buổi biễu diễn...

Đó là những chuyện lớn. Chắc chắn những người viết đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng bên cạnh đó còn vô vàn những chuyện nói xấu nhỏ khác. Một nhà báo có lần tâm sự. Chị làm báo bao nhiêu năm mà còn ngán vài kẻ viết facebook mới ở tuổi cháu mình. Những người ấy, bắt chấp đạo lý, viết những bài thóa mạ, bóp méo những cá nhân, những câu chuyện mà chị đã từng đi điều tra nên biết rất rõ. Khi chị gọi điện nhắc nhỏ những người viết kia rằng, con người ấy, câu chuyện ấy thực sự không phải như thế… Chị nhận được những lời đáp rất Chí Phèo: Trang cá nhân của tôi là quyền riêng tư của tôi. Tôi muốn viết gì thì tôi viết.

Những câu chuyện như thế khiến chúng ta phải suy nghĩ sâu hơn về mạng xã hội trong thời đại thông tin.

Sự ra đời của các mạng xã hội, mà facebook là một ví dụ điển hình, là một tiến bộ vượt bậc của công nghệ. Nhưng một thành tựu công nghệ, dù lớn lao thế nào, cũng chỉ là một công cụ, chứ không phải là một đấng cứu thế. Vấn đề là ở người sử dụng công cụ đó. Câu chuyện này khiến ta nhớ tới việc nhân loại đã khám phá ra và chế ngự được năng lượng nguyên tử trong thế kỷ 20. Nhưng dùng năng lượng đó để kiến tạo hòa bình, hay chế ra vũ khí hủy diệt lại nằm ở trái tim và lương tâm con người.

Thứ hai, chính việc xuất hiện của những công cụ như mạng xã hội là một yếu tố quan trọng tác động đến đời sống con người trên mọi lĩnh vực như chính trị, văn hóa, tôn giáo, kinh tế, an ninh, nhân phẩm con người. Một yếu tố mới dường như bao giờ cũng khiến xã hội lúng túng khi giáp mặt, khi ứng xử với nó.

Đành rằng các trang cá nhân trên mạng xã hội, ví dụ như facebook, là trang có tính cá nhân. Chủ nhân của nó có quyền tự do viết theo quan điểm riêng, tự do đăng tải. Nhưng ở một mặt khác, chính những trang cá nhân đó lại có tính truyền thông, báo chí, có ảnh hưởng cả xấu cả tốt tới một cộng đồng, một xã hội.

Đương nhiên, những hành vi xâm hại lợi ích, danh dự tới cá nhân, tổ chức hay nhà nước… sẽ bị trừng phạt theo luật pháp. Nhưng đó chỉ là những bước thụ động, đương nhiên phải làm trong bất cứ xã hội, hay thể chế nào trên thế giới. Chứ chúng ta chưa hình dung ra, chưa đưa ra một khái niệm thực sự sâu sắc về hiện tượng xuất hiện mạng xã hội. Một hiện tượng đầy mâu thuẫn trái ngược giữa quyền riêng tư và sự tác động (chủ yếu là tác động xấu, tiêu cực) tới cộng đồng xã hội. Và chỉ khi chúng ta thực sự định nghĩa được hiện tượng này, hiểu nó sâu sắc, mới hy vọng đưa ra những điều luật, hay những tiêu chuẩn đạo đức, để ứng xử với nó.

Mạng xã hội là một công cụ tuyệt diệu. Nó có thể giúp truyền bá những tư tưởng, những kiến thức hữu ích. Nhưng nó không phải là một thứ đấng cứu thế. Và những người dùng nó đừng lầm tưởng mình là những ông thánh khi nắm trong tay thứ công cụ có vẻ hoàn hảo đó. Bởi như giáo lý Nhà Phật từng dạy: Muôn nghiệp chướng đều từ cái mồm mà ra…

Vi Văn Hóa
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan