Mang bầu xấu như… Thị Nở!

Ngày 15/12/2014 16:21 PM (GMT+7)

Những thay đổi về da khi mang thai sẽ khiến chị em kém sắc hơn rất nhiều!

Trong thời gian mang thai, sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể sẽ khiến làn da mẹ bầu bị ảnh hưởng nhiều nhất. Hormone estrogen, progesterone, melanocyte sẽ làm làn da của phần lớn chị em tăng sắc tố, nhiều mụn trứng cá và thâm nám… Ngoài ra, còn rất nhiều vị “khách không mời” cũng xuất hiện trên da, khiến mẹ xấu như… Thị Nở. Thông tin tốt lành là những thay đổi không ai mong muốn này sẽ biến mất dần sau khi mẹ sinh nở.

Rạn da

Có tới 80% mẹ bị rạn da khi mang thai. Nguyên nhân là do trong thai kỳ chị em tăng cân nhiều cùng với chiếc bụng bầu đang lớn dần lên từng ngày sẽ khiến da bụng bị kéo căng, khiến các mao mạch bị phá vỡ. Những bộ phận dễ bị rạn nhất đó là bụng, ngực, mông, đùi.

Không chỉ làm làn da mẹ bị xấu đi, chúng còn có thể gây ngứa hoặc mẩn đỏ. Triệu chứng này phổ biến hơn ở những mẹ thừa cân, tăng cân quá nhiều trong thai kỳ. Số lượng các vết rạn cũng sẽ tăng hơn nhiều sang quý thứ 3 thai kỳ. Sau ca sinh nở, những vết rạn cũng sẽ giảm dần nhưng chúng không hoàn toàn biến mất. Thông thường mẹ sẽ phải mất 3-5 năm để những vết rạn da này mờ hẳn.

Mang bầu xấu như… Thị Nở! - 1
Có tới 80% mẹ bị rạn da khi mang thai. (Ảnh minh họa)

Dù rất phổ biến nhưng việc ngăn ngừa các vết rạn da là không hề đơn giản. Không có phương pháp nào được cho là hiệu quả tối đa. Để hạn chế rạn da, các mẹ không nên tăng cân quá nhiều, chăm sóc da bằng kem dưỡng chứa vitamin E để tăng tính đàn hồi hoặc bôi các loại dầu tự nhiên như dầu dừa có thể sẽ hạn chế rạn da. Khi sử dụng kem chống rạn, chị em bầu nên tham khảo thêm ý kiến chuyên gia để chọn được sản phẩm an toàn nhất.

Nám da

Nám da là tình trạng khá phổ biến khi mang thai. Nguyên nhân cũng là do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể khi mang thai và sinh nở. Những bộ phận dễ bị nám nhất là má, mũi, trán hay bất cứ bộ phận nào khác trên khuôn mặt.

Tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ tuy nhiên những vết nám lại khiến mẹ trở nên xấu xí, tự ti khi xuất hiện trước mọi người. Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa những vết nám này là hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và sử dụng kem chống nắng khi đi ra ngoài. Mẹ cũng nên ăn một chế độ ăn uống nhiều trái cây, rau củ, uống nhiều nước. Các chất chống oxy hóa trong hoa quả sẽ giúp ngăn ngừa tổn thương về da gây ra từ các gốc tự do trong quá trình tiếp xúc với tia cực tím.

Nám da sẽ dần biến mất sau sinh nở. Mẹ cũng có thể sử dụng các loại kem hoặc đắp mặt nạ từ thiên nhiên giúp những vết nám nhanh mờ hơn.

Đường đen giữa bụng bầu

Mang bầu xấu như… Thị Nở! - 2
Khi mẹ bầu mang thai đến khoảng tháng thứ 3, trên bụng bầu bắt đầu xuất hiện một đường chỉ đen kéo dài từ rốn đến vùng kín. (ảnh minh họa)

Khi mẹ bầu mang thai đến khoảng tháng thứ 3, trên bụng bầu bắt đầu xuất hiện một đường chỉ đen kéo dài từ rốn đến vùng kín. Dần dần đường chỉ đan này ngày càng đậm lên tùy theo thời gian và cơ địa. Có người chỉ có đường chỉ đen ngắn và mờ, có mẹ lại bị rất đậm, to và bổ dọc toàn bộ vùng bụng. Đa số mẹ bầu đều không hiểu lý do vì sao đường chỉ đen này lại xuất hiện.

Trên thực tế, ngay cả khi người mẹ không mang thai, đường chỉ dọc bụng nãy vẫn tồn tại, ở cả nam và nữ. Nó có màu rất nhạt, màu trắng và hầu như không thấy gì. Đường chỉ dọc bụng này được gọi là đường Nigra. Dưới góc độ y học, đường Nigra chỉ do các sợi cơ bụng tụ thành, ngoài ra không có chức năng gì đặc biệt.

Khi có bầu, estrogen và androgen trở nên mất cân bằng. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến những sắc tố da bị thay đổi khiến đường Nigra trở nên sẫm hơn.  90% phụ nữ mang thai sẽ cảm nhận được sự hiện diện của đường Nigra này.

Đường Nigra sẽ mờ nhạt lại như cũ sau khi hết thời gian mang bầu. Tuy nhiên, để chúng hoàn toàn ‘biến mất’ hẳn, nhiều chị em phải chờ đợi đến 1 năm sau ngày sinh con.

Giãn tĩnh mạch hình mạng nhện

Đây là hiện tượng những đường tĩnh mạch nhỏ xuất hiện ở chân, mặt hay các vùng da khác trên cơ thể. Nguyên nhân là do thay đổi lượng hormone trong thai kỳ và sự gia tăng vận chuyển máu sẽ gây áp lực lên thành mạch máu, khiến các mạch máu dưới da bị sưng nhẹ, nổi lên trên bề mặt của da. Hiện tượng này hơi mất thẩm mỹ với chị em nhưng nó vô hại và sẽ biến mất sau khi sinh.

Mụn thừa

Mang bầu xấu như… Thị Nở! - 3
Đây là những nốt mụn lành tính thường xuất hiện ở cổ, nách, hoặc dưới chân ngực. (ảnh minh họa)

Đây là những nốt mụn lành tính thường xuất hiện ở cổ, nách, hoặc dưới chân ngực. Triệu chứng này phổ biến hơn cả ở phụ nữ thừa cân hoặc những mẹ bầu bị tiểu đường. Tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng nó cũng khiến mẹ bầu trở lên xấu xí hơn. Sau sinh nở, mẹ có thể xóa sổ những nốt mụn thừa này bằng thủ thuật chiếu tia laser khá đơn giản.

Mụn trứng cá

Hầu hết phụ nữ đều bị mọc mụn trứng cá trong thời gian mang thai và thường mọc ở mặt, lưng và ngực. Nguyên nhân là do mất cân bằng nội tiết tố gây ra, trong đó có thể do dùng thuốc tránh thai nội tiết tố trước khi quyết định có thai trở lại. Nếu có quá nhiều mụn và gây phát ban chị em nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp.

Mề đay

Thường xuất hiện vào 3 tháng cuối của thai kỳ với các biểu hiện sẩn phù liên kết thành mảng rộng ở vùng bụng dưới, lan ra mông, bẹn, đùi, chân, tay. Phần trên ngực, mặt và niêm mạc hoàn toàn bình thường. Bệnh chỉ thấy ở lần có thai đầu tiên. Nhiều nghiên cứu cho thấy sẩn mề đay do thai nghén có liên quan đến tình trạng quá cân của người mẹ. Bệnh hoàn toàn không ảnh hưởng đến thai nhi.

Bảo Hân
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu