Mất ngủ: Có nên ngủ trưa hay không? (P.3)

Ngày 09/01/2015 00:06 AM (GMT+7)

Để ngủ đúng tức là chúng ta phải chọn được cho mình một tư thế ngủ và thời điểm thức dậy thích hợp.

Qua các phần trước, chúng ta đã hình dung được tổng thể "sự cố" và nắm được những kiến thức căn bản về giấc ngủ. Nhưng còn rất nhiều vấn đề chúng ta thường xuyên gặp phải mà không phải ai cũng biết cách giải quyết. Tôi sẽ lần lượt cùng bạn đi sâu vào từng vấn đề.

Thế nào là đúng?

Để ngủ đúng tức là chúng ta phải chọn được cho mình một tư thế ngủ và thời điểm thức dậy thích hợp.

Tư thế ngủ tối ưu nhất là để cho cơ thể thật thoải mái (nếu bạn ở một mình thì tốt nhất không mặc quần áo hoặc mặc đồ thật mỏng, nhẹ và thoáng khí), lồng ngực thật thoáng (không đặt tay lên ngực, lên trán) kê một chiếc gối mỏng (hoặc không kê nếu nằm trên nệm mềm. Tuy nhiên việc nằm trên nệm mềm có thể không tốt cho xương khớp và nếu cơ thể bạn lõm sâu quá trong nệm sẽ bị nệm bó buộc lại, gây mỏi), nằm quay mình về bên phải (có thể tìm hình ảnh trên Google), tay ôm, gác một chân lên một chiếc gối ôm (Tốt nhất là một chiếc gối ôm khác giới trẻ trung). Nhưng nếu bạn có trái tim bên ngực phải thì nằm ngược lại.

Thời điểm thức dậy thích hợp nhất là nên thức dậy đúng vào lúc đang trong Giai đoạn 2 hoặc giai đoạn 5 (REM) của giấc ngủ (xem Phần 3). Vì Giai đoạn 1 thì chúng ta chưa ngủ, còn khi chúng ta bị thức dậy mà đang trong giai đoạn 3 hoặc giai đoạn 4 (Giai đoạn ngủ sâu) sẽ rất mệt và chới với, điều này sẽ kéo dài tới tận nhiều giờ sau.

Có nên ngủ trưa hay không?

Ngủ trưa là vấn đề rất quan trọng mà có quá nhiều quan điểm trái ngược nhau. Có người nói ngủ trưa sẽ làm cho mệt mỏi hơn, có người nói không ngủ trưa thì chiều sẽ chẳng làm được gì cả, người khác lại nói ngủ trưa thì tối sẽ không ngủ được… Tất cả đều đúng! Vì họ đang "như vậy" và họ quy kết sự việc theo chiều hướng đó. Thực tế chúng ta trong mỗi ngày sẽ trải qua một giai đoạn “chùng xuống”, thân nhiệt hạ xuống, mọi hoạt động của cơ thể trở nên chậm chạp, đây chính là lúc chúng ta buồn ngủ. Thường thì nó bắt đầu từ cuối trưa đến giữa chiều. Nếu chúng ta cố gắng vượt qua, lâu dần cơ thể thích hợp sẽ thấy bình thường, việc buồn ngủ buổi trưa giảm xuống, qua rất nhanh.

Thực ra việc ngủ trưa hay ngủ ngày (bất kể giờ nào) nếu đúng cách đều rất tốt. Nhưng nếu ngủ không đúng thì tác dụng hoàn toàn ngược lại.

Lý do ngủ trưa mệt mỏi là chúng ta thường ngủ trưa quá lâu. Để có tác dụng tốt từ giấc ngủ trưa thì chúng ta nên ngủ ngắn, tối đa không quá 45 phút. Tức là cần phải thức dậy trước khi cơ thể bước vào Giai đoạn thứ 3 của giấc ngủ. Lúc đó chúng ta đã được nạp lại năng lượng (trong Giai đoạn 2) mà chưa bị dấn vào giấc ngủ sâu (Giai đoạn 3). Để biết ngủ bao nhiêu là đủ thì chúng ta cần phải thử. Nếu ngủ trưa 45 phút vào một giờ cố định trong ngày liên tục một tuần mà thấy vẫn mệt mỏi hay tối khó ngủ thì nên rút xuống 40, 35, 30, 20. Đến khi nào chúng ta ngủ liên tục một tuần với thời lượng cố định, thời gian cố định mà thấy khỏe khoắn, khoan khoái, nhiều năng lượng thì sẽ giữ nguyên mức đó.

Cũng có rất nhiều người cho rằng ngủ trưa là điều không cần thiết. Đó là những người đi làm hành chính nhàn nhã... Công việc của họ hoàn toàn nhàn nhã, không mấy áp lực. Thế nên việc cần một giấc ngủ trưa ngắn để tỉnh táo làm việc trong buổi chiều là hoàn toàn không cần thiết. Còn những công ty, tập đoàn nước ngoài thì thường họ bắt đầu giờ làm khá muộn và buổi trưa được nghỉ ăn rất ngắn nên cũng chẳng có thời gian ngủ trưa.

Mất ngủ: Có nên ngủ trưa hay không? (P.3) - 1

Cũng có rất nhiều người cho rằng ngủ trưa là điều không cần thiết. Đó là những người đi làm hành chính nhàn nhã... Công việc của họ hoàn toàn nhàn nhã, không mấy áp lực. (ảnh minh họa)

Ngoài ra các giấc ngủ cực ngắn, tôi gọi là chợp mắt, cũng rất quan trọng. Bạn cố gắng tập rút ngắn tối đa Giai đoạn 1 của giấc ngủ xuống còn khoảng dưới 1 phút, như vậy các lần chợp mắt của bạn chỉ cần khoảng 3-5 phút đã có 2-4 phút ngủ thật (Giai đoạn 2) và đã có tác dụng rất lớn trong việc phục hồi chức năng vật lý cho cơ thể. Và với những giấc ngủ này thì bạn có thể thực hiện được ở mọi lúc, mọi nơi. Trên ô tô, trên ghế làm việc, tại ghế hội trường trong giờ nghỉ giải lao... và cũng không nhất thiết phải nằm xuống, bạn có thể ngồi tựa vào thành ghế mà ngủ như chúng ta vẫn thường thấy ở các doanh nhân tư bản được thể hiện khá nhiều trên màn bạc. Cái lợi của việc ngủ ngồi là không làm cho chúng ta ngủ rốn, ngủ dây dưa. Thường khi đang ngủ ngồi mà thức giấc thì chúng ta sẽ tỉnh táo nhanh hơn và dậy hẳn, còn khi ngủ trên một chiếc giường chăn ấm đệm êm thì chuông báo thức có réo đến vài lần bạn vẫn rất dễ trùm chăn ngủ tiếp.

***

Làm thế nào để dễ ngủ?

“Vô lo” tất dễ ngủ!

Tôi không phải là bác sỹ, không biết chữa bệnh và ở đây tôi cũng không nói đến cách chữa bệnh mất ngủ. Tức là nếu bạn mất ngủ do “rối loạn nội tiết”, “các triệu chứng tiền mãn kinh”, “do đau dạ dày hay một dạng nào tương tự”,… thì bạn nên đến bác sĩ. Và nếu bạn mất ngủ do ăn uống những thứ khó tiêu, chất kích thích như cà phê, nước chè đặc… vào buổi tối thì chỉ cần rút kinh nghiệm hôm sau không làm vậy nữa.

Ở đây tôi chỉ nói đến cách “tránh lãng phí giấc ngủ”, những kinh nghiệm từ bản thân tôi và chiêm nghiệm từ sách vở.

Tôi dùng cụm từ “tránh lãng phí giấc ngủ” có nghĩa là chữa bệnh thiếu ngủ cho những người không bị bệnh mất ngủ. Tức là kiểu mất ngủ chẳng đâu vào đâu. Không đáng để mất ngủ. Mà cái kiểu đó thì ai cũng có, cũng thường xuyên mắc phải. Riêng tôi không!

Ngày mai còn thiếu 50 triệu để đóng tiền nhà đợt hai. Mất ngủ!

Tuần sau đi công tác 5 ngày chưa biết nhờ ai đi đón con đây? Mất ngủ!

Cái áo kia đẹp quá, muốn mua mà thiếu năm trăm nghìn. Tối về cứ nghĩ vẩn vơ. Mất ngủ!

Rồi hàng nghìn lý do kiểu như:

* Lên giường chuẩn bị ngủ, nghĩ đến bài kiểm tra của con hôm qua được 2 điểm. Mất ngủ!

* Bỏ xong màn, tắt đèn, nhắm mắt lại nghĩ đến lúc tối ngồi ăn cơm không biết thằng chồng mình sao phải ra ngoài sân nghe điện thoại? Mất ngủ!

* Lên giường mà cứ nghĩ không biết mấy giờ chồng mới về? Thế là chập chờn, động cái tỉnh ngay.

* Vừa chợp mắt được một tí thì có người lục đục làm tỉnh giấc, không ngủ lại được.

* Nửa đêm, con đụng vào người tỉnh giấc, không ngủ lại được.

* Tối uống nhiều nước, nửa đêm dậy đi tiểu vào cũng không ngủ lại được.

* Rất buồn ngủ, lên giường thì con không chịu ngủ. Ì èo mãi con mới ngủ thì mình quá giấc. Không ngủ được.

* Mơ ngủ, giật mình tỉnh dậy. Không ngủ được nữa.

Những lý do làm mất ngủ đó tưởng chừng vô hại nhưng trên thực tế nếu lặp lại liên tục sẽ làm cho bạn thực sự mất ngủ và thành bệnh. Bệnh sợ mất ngủ! Nghĩa là cứ sắp đến giờ đi ngủ là rất lo, rất sợ. Sợ lên nằm mà không ngủ được! Cái áp lực đó ngày một lớn dần rồi trở thành nguyên nhân chính của sự mất ngủ lúc nào bạn cũng chẳng hay nữa.

Mà con người ta lúc mắc phải cái bệnh này có thể trở nên khó chịu vô cùng. Khi nào cũng như chai mắm tôm chực vỡ. Bất kỳ cái gì cũng có thể trở thành mục tiêu trút giận. Một tiếng kẹt cửa, một tiếng thạch sùng cất lên, một tiếng chó sủa xa… đều có thể nghiễm nhiên được bạn coi là nguyên nhân của sự mất ngủ. Và mặc dù là người hết mực yêu thương động vật nhưng lúc đó nếu nhìn thấy con thạch sùng thì bạn cũng sẵn sàng tặng cho nó một cái chổi.

Thường thì lúc trẻ chúng ta ít mắc phải bệnh này. Nguyên nhân là do sức khỏe tốt, chưa bệnh tật, và đặc biệt là chúng ta chưa có nhiều thứ cần lo nghĩ.

Bí quyết để không lâm vào tình cảnh này thì chỉ cần… đừng lo nghĩ nữa! Hãy làm một “Người vô lo”! Chỉ cần thế thôi, bạn sẽ ngủ ngay lập tức khi cần ngủ.

Đọc đến đây ai cũng sẽ nghĩ “Nói thì dễ, làm đâu dễ!”. Đúng vậy, làm không dễ nhưng cũng không quá khó. Cái chính là bạn cần tin rằng mình làm được. Chắc chắn làm được! Có thế thôi!

Xem thêm bài viết cùng tác giả:

Câu chuyện 'tiền bo' và văn hóa 'bo'

Rơi máy bay và chuyện... món Phở ở Việt Nam

Mỳ tôm 'cởi truồng'

Nếu muốn chồng yêu, chị em nên đọc bài này!

Sợ vợ là đức tính quí báu

'Đắng lòng' chuyện đi 'viếng đám ma thuê' của tôi

Trẻ em và bệnh thành tích của người lớn (Kỳ 1)

Trẻ em và bệnh thành tích của người lớn (Kỳ 2)

Phạm Phú Quảng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Buôn chuyện