Người mình đã nghèo còn không tiết kiệm

Ngày 08/02/2014 08:48 AM (GMT+7)

Qua cái Tết này, tôi đã đúc kết ra nhiều chuyện về một bộ phận người mình, nhất là cái chuyện hay hoang phí và sĩ diện.

Người ta nói ‘nói có sách, mách có chứng’ cũng chẳng sai. Vì phải có chứng cứ thì mới nói, một bộ phận người mình hay có tính hoang phí. Hoang phí ngay từ cách ăn uống, cách tiêu tiền. Nói như vậy không có nghĩa là ai cũng thế, nhưng người như thế có vẻ đông hơn, hoặc không đông thì lâu dần cũng thành thói quen, theo nhau mà thành số lớn.

Qua cái Tết này, tôi đã đúc kết ra nhiều chuyện về người mình, nhất là cái chuyện hay hoang phí lại sĩ diện. Bản thân tôi nghĩ, mình như thế chả trách mình hay than nghèo kể khổ. Vì mình không có còn tiêu như người giàu thì đến bao giờ mới tiết kiệm?

Nói đâu xa, ngay cái chuyện sau Tết, chỉ cần ra đường là thấy rác rưởi vứt đầy. Chẳng ai ngó vào thùng rác nhưng nghe mấy cô lao công chia sẻ thì họ có vẻ cũng xót ruột thay. Vì trong thùng rác, toàn là bánh chưng, thịt gà, xôi, thậm chí là cả một con gà bị vứt bỏ. Thì tức là không ăn được họ mới vứt, nhưng mà không ăn được thì làm ra làm gì nhiều thế? Làm vừa phải, làm ít, ăn vừa đủ làn gon rồi. Nhưng người mình đâu có làm vậy.

Cúng bái thì tốt, biết ơn các cụ cũng rất tốt, nhưng cúng tràn lan, cúng rất nhiều không hẳn là thể hiện lòng thành kính. Mình thì hay có tính làm cỗ càng to thì càng thể hiện thành kính, thể hiện sự tôn trọng, ngưỡng mộ. Tuy nhiên, làm xong lại không ăn, chất vào tủ lạnh. Và trong tủ lạnh thì cũng chỉ để được vài ngày, nếu không ăn nổi thì cuối cùng phải bỏ đi. Như vậy có phí phạm không chứ.

Người mình đã nghèo còn không tiết kiệm - 1

Lại nói về cái chuyện mừng tuổi. Bây giờ tiền mừng tuổi không còn là chuyện lấy may, lấy hên nữa mà đó là sự thể hiện. (ảnh minh họa)

Nhiều khi ngồi mà suy nghĩ, một con gà ngày Tết, mua mấy trăm nghìn, cuối cùng lại mang bỏ đi vì cỗ bàn nhiều quá, Tết ngán không ai ăn. Mà ăn cũng không còn ngon nữa vì để tủ lạnh lâu rồi, không tươi nữa. Thế là ăn thừa ăn thãi không nuốt nổi và mang đi bỏ. Có phải là quá phí không? Tính ra, bánh chưng không ăn thì gói ít thôi, hoặc nó hỏng rồi thì luộc lại, rán lại là ăn lại ngon như thường. Ở quê người ta nghiện món bánh chưng rán lắm. Nếu lâu lâu, nó lại gạo bị rắn khó ăn, thì người ta lại mang ra luộc lại rồi rán ăn ngon như thường. Nhưng nhiều người lười, thấy mốc mốc là vứt đi. Phí phạm của cải, phung phí quá tay không cần thiết.

Đào quất thì cứ chơi tràn lan. Nhà không nhiều tiền cũng hay chơi cây đào to tướng, vài triệu bạc, với tâm lý là ‘cả năm mới có một cái Tết’. Không phải cái chuyện đó là chuyện đáng bàn, chỉ là, nếu như không cần thiết thì cũng không nên làm quá, vì một năm mới có một lần nhưng không phải chủ cốt là ở đó, vấn đề chính là người mình hay có tính khoe khoang, sĩ diện.

Nếu vào nhà ai có cây đào to, cây quất to thì chứng tỏ nhà này hơi bị ‘tay chơi’, tức là người chơi, biết thưởng đào. Người có tiền thì không nói nhưng mình không có tiền thì chuyện đó cũng đâu có thực sự cần thiết. Tôi nói ra điều này không phải ám chỉ mọi người, chỉ là một vài trường hợp tôi thấy, ngay cả họ hàng nhà tôi, không có nhiều tiền nhưng cứ có tâm lý thích chơi sang nên dù là đi vay tiền cũng vẫn cứ chơi thật sung túc.

Lại nói về cái chuyện mừng tuổi. Bây giờ tiền mừng tuổi không còn là chuyện lấy may, lấy hên nữa mà đó là sự thể hiện. Trước đây người ta hay mừng tuổi trẻ con 10 nghìn, thậm chí là 5 nghìn nhưng bây giờ thì khác. Mừng tuổi 10 nghìn cho là dở hơi, không hay ho gì. Còn mừng tuổi 5 nghìn thì không nhé, tờ 5 nghìn không còn thông dụng nữa rồi.

Người mình đã nghèo còn không tiết kiệm - 2

Còn cái chuyện đi ăn nhà hàng mà thừa thì đúng là ‘điệp khúc mùa xuân’, vì nói mãi cũng vậy. Ăn không hết cũng lấy tràn lan, gọi nhiều. (ảnh minh họa)

Còn đến nhà các sếp mà mừng tuổi các cụ thì cứ phải vài trăm, vì không thể thì sao được lòng sếp, sao thể hiện được sự phóng khoáng của mình. Nói chung, chuyện mừng tuổi bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. Căn bản người mình hay sĩ diện lại hay mắc cái bệnh ngại. Có khi đi vay tiền cũng phải mừng tuổi cho ra trò chứ không thì sợ người ta chê, sợ bẽ mặt. Có khi chẳng ai chê đâu vì họ cũng hiểu hoàn cảnh của mình. Không có tiền thì mừng ít, đi làm giàu có thì mừng nhiều, có sao đâu. Nhưng tại mình cứ hay nghĩ, hay cho là người khác sẽ nghĩ xấu mình nên mình làm thế thôi.

Còn cái chuyện đi ăn nhà hàng mà thừa thì đúng là ‘điệp khúc mùa xuân’, vì nói mãi cũng vậy. Ăn không hết cũng lấy tràn lan, gọi nhiều. Ăn thừa thì không có chuyện mang về. Mà có khi không muốn ăn thừa, thèm ăn đấy nhưng lại phải để thừa cho nó lịch sự. Nghĩ lại đúng là nhiều cái chuyện hay, chuyện khó hiểu trong khi mình còn nghèo, không phải là giàu có gì.

Đó chỉ là những gì tôi nhìn thấy, cảm thấy nhất là sau cái Tết này. Không biết anh chị em nghĩ thế nào nhưng bản thân tôi thấy, chuyện này đúng là cần xem xét lại, chứ không nên để cái tính hoang phí này tồn tại mãi được, phải biết tích cóp từ những điều nhỏ nhất. Với lại, bỏ đi thứ gì phải nghĩ đến mồ hôi nước mắt của người làm ra đó, lúc ấy mới hành động đúng được.

Răng Thưa
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề 5 người trong một gia đình tử vong ở SG