Người phụ nữ xuất chúng bên cạnh Võ Tắc Thiên là ai?

Ngày 24/03/2016 08:05 AM (GMT+7)

Thượng Quan Uyển Nhi, người phụ nữ tài năng xuất chúng trong lịch sử Trung Hoa lại chính là phò tá, nữ quan của Võ Tắc Thiên.

Thượng Quan Uyển Nhi còn gọi là Thượng Quan Chiêu dung, là một trong những nữ nhân nổi tiếng của lịch sử Trung Quốc vì tài năng về thơ phú, thư pháp, chính trị trong thời đại nhà Đường.

Xuất thân danh gia vọng tộc nhưng khổ ải trăm bề

Bà được biết đến với vai trò là nữ quan thân cận của Nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên, giữ phong hiệu Cân Quắc tể tướng, quản lý mọi việc văn bản, thi thơ trong triều đình.

Thượng Quan Uyển Nhi có họ kép Thượng Quan, là người Thiểm Châu, nay là Hà Nam, Tam Môn giáp, là nữ quan, nhà thơ, đồng thời cũng là hoàng phi Đại Đường. Cha Uyển Nhi là Thượng Quan Đình Chi, mẹ là Trịnh phu nhân. Thời Đường Cao Tông, ông nội bà là Thượng Quan Nghi, vốn là tể tướng đương triều, vì bí mật theo lệnh vua soạn chiếu phế truất Võ hậu mà bị Võ hậu hại chết. Gia đình bà bị tru di, riêng Trịnh phu nhân có người em trai là Trịnh Hưu Viễn, đang làm Thái thường Thiếu khanh nên được tha tội. Khi đó bà đang mang thai Uyển Nhi. Sau khi sinh ra, bà cùng với mẹ mình làm nô lệ trong Dịch đình.

Có rất nhiều câu chuyện được lưu truyền về Thượng Quan Uyển Nhi. Tương truyền trước khi bà sinh ra, Trịnh thị, mẹ của bà mơ thấy một người khổng lồ nói: Đứa trẻ này sẽ bình lượng nhân sĩ trong thiên hạ. Vì câu nói này mà Trịnh thị cho rằng đứa trẻ sẽ là con trai. Khi sinh ra Uyển Nhi, bà không vui. Tuy nhiên Uyển Nhi có dung mạo xinh đẹp, lại thông minh lanh lợi. Sau này Uyển Nhi trở thành nội cung, giúp triều đình bình luận thi văn, thật sự là bình lượng nhân sĩ trong thiên hạ.

Người phụ nữ xuất chúng bên cạnh Võ Tắc Thiên là ai? - 1

Thượng Quan Uyển Nhi nổi tiếng xinh đẹp và tài hoa xuất chúng (ảnh minh họa)

Trong cung, Uyển Nhi được mẹ giáo dục văn thơ, lịch sử rất bài bản, bản thân bà thông minh mẫn tiệp dị thường, nên mau chóng nổi tiếng trong cung.

Tài năng xuất chúng ngay từ khi còn nhỏ

Vì được mẹ dạy rất nhiều từ khi còn nhỏ, thơ ca, phú nhạc họa, chính sự nên lúc 4-5 tuổi, Uyển Nhi đã sớm bộc lộ tài năng của mình. Vốn là một đứa trẻ thông minh, lúc nhỏ, Uyển Nhi đã có thể làm thơ và làm rất hay.

Sau vài năm rèn luyện đã có thể ngâm thơ, viết văn, thật sự là rất tài tình. Chính vì điều này tiếng tăm của người con gái trẻ đã truyền khắp nơi. Năm 677, Võ Tắc Thiên cho gọi cô gái 13 tuổi Uyển Nhi vào gặp và đưa những câu hỏi trực tiếp để cô trả lời. Kết quả, Uyển Nhi đều trả lời lưu loát, xuất khẩu thành thơ khiến Võ Hậu vô cùng thích thú, ngay lúc đó đã ban ngay cho Uyển Nhi một chức quan văn chuyên thảo những chỉ dụ, sắc lệnh. Đây là sự kiện đánh dấu Thượng Quan Uyển Nhi đặt bước chân đầu tiên vào chính trường.

Năm 683, Đường Cao Tông băng hà, Võ Tắc Thiên làm Hoàng thái hậu, nắm toàn bộ chính sự. Năm 690, Võ hậu xưng làm Hoàng đế, cướp ngôi nhà Đường, lập ra nhà Võ Chu, đặt niên hiệu Thiên Thụ, trở thành vị Nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Thượng Quan Uyển Nhi được ban làm Nội xá nhân, cận thần của Nữ hoàng đế. Năm Thánh Lịch (698), Uyển Nhi được Võ Tắc thiên giao hoàn toàn trọng trách xử lý tấu chương, quyền thế bậc nhất triều đình, trở thành nhân vật chính trị quan trọng.

Có một lần, Uyển Nhi phạm tội tử. Nhưng vì nuối tiếc tài năng của người phụ nữ này mà Võ Tắc Thiên đã nương tay, không giết, chỉ khắc chữ lên trán. Sau này, Uyển Nhi vẽ thêm lên và nó trở thành một bông hoa khiến cho sắc đẹp của bà đã đẹp còn đẹp hơn.

Người phụ nữ xuất chúng bên cạnh Võ Tắc Thiên là ai? - 2

Có một lần, Uyển Nhi phạm tội tử. Nhưng vì nuối tiếc tài năng của người phụ nữ này mà Võ Tắc Thiên đã nương tay, không giết, chỉ khắc chữ lên trán. (ảnh minh họa)

Các phụ nữ quý tộc thấy thế và bắt chước theo, tạo nên phong cách trang trí đặc trưng của phụ nữ quý tộc nhà Đường.

Uyển Nhi đã phò tá cho Võ Tắc Thiên, giúp bà nhiều việc triều chính quan trọng, vạch chiến lược kế sách đối phó với gian thần và những mưu đồ bên ngoài. Với Võ Tắc Thiên, Uyển Nhi là nhân tài xuất chúng và đáng khen ngợi. Bà cũng biết về quá khứ của Thượng Quan nhưng không sợ bị trả thù mà vẫn giữ người phụ nữ tài giỏi đó ở bên cạnh mình.

Năm 705, Võ Tắc Thiên bị truất ngôi sau chính biến của các đại thần ủng hộ Lý Đường Tông. Điều kỳ lạ là sau khi Đường Trung Tông lên ngôi, Uyển Nhi không hề bị trừng phạt, thậm chí vẫn được vua sủng ái. Có người phán đoán trong cuộc chính biến này, Uyển Nhi đã làm nội gián cho Lý Đường Tông.

Năm Võ Tắc Thiên mất, Uyển Nhi được phong là Chiêu Dung, trở thành phi tần của hoàng đế, tiếp tục cai quản công việc thảo chiếu chỉ trong cung. Trong khoảng thời gian này, Uyển Nhi thường xuyên qua lại với Vi Hoàng hậu và Công chúa An Lạc. Có thuyết cho rằng Uyển Nhi còn tư thông với Võ Tam Tư (cháu của Võ Tắc Thiên) và giới thiệu Võ Tam Tư cho Vi Hoàng hậu. Ngay sau đó, Võ Tam Tư đã ngồi vào vị trí "Tể tướng của Đại Đường", hình thành tập đoàn Võ-Vi do Vi Thị đứng đầu. Sau này chồng của Thái Bình công chúa (con gái của Võ Tắc Thiên) cũng ngồi vào vị trí Tể tướng triều đình.

Công nguyên năm 707, cho rằng Thượng Quan Uyển Nhi cấu kết Vi hậu, nâng đỡ công chúa An Lạc lên làm "Hoàng Thái Nữ" để kế thừa vương vị, Lý Trọng Tuấn giả mạo ý chỉ của vua, phát động Vũ lâm quân giết chết Võ Tam Tư, sau đó dẫn binh vào hoàng cung lùng bắt Uyển Nhi. Nàng trốn thoát đến chỗ Lý Hiển và hoàng hậu. Lý Trọng Tuấn thất bại, bị giết chết.

Thế nhưng theo mộ chí ghi lại, Thượng Quan Uyển Nhi từng ba lần bốn lượt khuyên gián Đường Trung Tông, phản đối việc lập An Lạc công chúa làm Hoàng Thái Nữ, thậm chí vì khuyên giải mà muốn xin từ quan, cạo đầu làm ni, đều không được Trung Tông chấp nhận. Cuối cùng nàng lấy cái chết can gián. Sau khi uống thuốc độc, nhờ thái y vội vàng chữa trị mới có thể giữ được mạng.

Nhờ được lòng Lý Hiển và Vi hậu, cuối cùng Thượng Quan Uyển Nhi cũng lật lại được vụ án sai của gia tộc. Cha nàng được truy nặng danh hiệu Hoàng môn thị lang, thứ sử Kỳ Châu. Từ đó nàng thường xuyên khuyên giải Lý Hiển, quản việc học trong triều, thường xuyên chiêu mộ các văn tài học sĩ, làm giám khảo trong các kỳ thi. Nhờ vậy, việc ngâm từ thi phú dần trở thành phong trào. Uyển Nhi đam mê sưu tầm thơ họa. Bộ sưu tầm của bà hơn vạn cuốn, ướp hương thơm ngát. Trăm năm sau, bộ sưu tầm này dần lưu lạc trong dân gian, nhưng mùi hương vẫn thoang thoảng lưu truyền.

Năm 710, thế lực của Thái Bình công chúa lớn dần. Lý Hiển băng hà, triều chính rơi vào tay Vi Hậu, bà muốn một tay thao túng, trở thành Võ Tắc Thiên thứ hai. Nhưng Thượng Quan Uyển Nhi và Thái Bình công chúa đã theo ý nhà vua mà viết lại di chiếu, lập Lý Trọng Mậu làm Hoàng thái tử, để Lý Sáng phụ chính.

21 tháng 7, Lý Long Cơ phát động Đường Long chi biến, đánh vào cung, giết chết An Lạc công chúa và Vi hậu cũng như toàn bộ đồng đảng của bà. Khi đó Thượng Quan Uyển Nhi dẫn cung nhân ra nghênh đón. Cả bà và Thái Bình Công chúa đều nghĩ có di chiếu làm minh chứng, chứng minh họ cùng phe với tôn thất Lý Đường. Nhưng Lý Long Cơ lại không đồng ý, ban chiếu giết Thượng Quan Uyển Nhi. Lúc bấy giờ, bà gần bốn mươi sáu tuổi.

Thượng Quan Uyển Nhi là phi tần duy nhất được lập dinh thự bên ngoài hoàng cung, thường xuyên cùng các quan viên lui tới. Đây là việc trước đó chưa từng xảy ra ở chốn hậu cung với phi tần.

So với bậc nam nhi, tài năng của Thượng Quan không kém gì. Bà vừa là người tài vừ xinh đẹp, trí tuệ ngút trời. Chỉ vì đứng bên cạnh một người đàn bà quyền lực hơn là Võ Tắc Thiên nên thời bấy giờ, bà vẫn bị lép vế. Tài năng của bà quả thật khó có người đàn bà nào thời bấy giờ sánh được.

Xung quanh cuộc đời của bà cũng có nhiều khen chê. Người cho rằng bà tài hoa, thông minh lanh lợi, trung thành. Cũng có người nói bà ham bổng lộc, quyền tước, sống hai mặt.

Có một thực tế là, sự có mặt của Thượng Quan Uyển Nhi góp công rất lớn trong việc khôi phục triều đại Lý Đường, cũng như những đóng góp của nàng cho nền văn học thời kỳ đó là không thể chối cãi.

Eva tám là nơi chị em tâm sự, chia sẻ những câu chuyện, những vấn đề khúc mắc về hôn nhân, gia đình, cuộc sống.

Hãy gửi tâm sự về địa chỉ chiase@khampha.vn để nhận được những góp ý cũng như những ‘cao kiến’ chân thành của chị em.

Bài viết của các bạn sẽ được chọn đăng tải trên chuyên mục nếu phù hợp quy chuẩn nội dung và sẽ được bảo mật thông tin cá nhân.

Nam Châm/tổng hợp theo Wiki
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Võ Tắc Thiên