Những cánh đồng tự sát

Ngày 28/03/2016 14:01 PM (GMT+7)

Mỗi khi có một vụ thực phẩm "bẩn" bị chỉ mặt, vạch tên có không luồng tư tưởng bênh vực: hãy cẩn trọng vì có thể khiến người nông dân thất nghiệp. Nhưng thực tế, việc người nông dân trồng hai luống rau riêng để ăn và để bán đầy rẫy ở khắp nơi.

Năm 1995, tôi gặp những người đàn ông súc bình thuốc sâu ở bến sông Vân ven thị xã Ninh Bình. Sông Vân hồi đó còn chảy, bến nước ấy thuộc một ngôi làng có nghề làm bún. Những người dân làng hồn hậu nói vào máy ghi âm của tôi, rằng: “Chẳng sao đâu, hồi nhỏ tôi còn gội đầu bằng thuốc sâu để diệt chấy!”

Chuyến đó về, tôi viết một phóng sự có tít “Dòng sông tự sát”. Bác biên tập ở tờ báo tôi đang làm phóng viên tập sự bảo: “Thằng này, giao đi viết phóng sự mà lại nộp phóng đại, đăng lên, người ta kiện chết!”. Sự nghiệp phóng viên tập sự của tôi ở tờ báo ấy đã chết trước dòng sông. Ít lâu sau, có một vụ ngộ độc ở Ninh Bình vì ăn bún. 

Ở một đất nước mà đa số dân chúng có nguồn gốc từ những cánh đồng, việc nói lên sự thật về nông sản độc hại luôn phải đối mặt với cái gọi là “đạo đức báo chí”. Lời khuyên của các biên tập viên luôn luôn là: “Hãy cẩn trọng, bài báo của anh, chị có thể khiến cả trăm người, ngàn người mất nghiệp, có thể giết chết những cánh đồng!”

Cái tư tưởng cẩn trọng kẻo giết chết cánh đồng ấy còn thể hiện ở chính những người chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm. 

Những cánh đồng tự sát - 1

Những cánh đồng rau phun thuốc (Ảnh minh họa)

Năm 2001, Sở Y tế TP HCM đã phát hiện các mẫu nước tương sản xuất trong nước có hàm lượng chất độc 3-MCPD rất cao, vì thế đã yêu cầu các cơ sở sản xuất phải thay đổi công nghệ. Năm 2005, các đoàn thanh tra đã phát hiện 19/29 mẫu xét nghiệm nước tương có chất độc này. Nhưng đến tận năm 2007, tức là 8 năm sau người dân vẫn không biết được những loại nước tương nào có chứa chất độc. Kết luận thanh tra chỉ dùng để xử phạt lấy chút tiền nhỏ nhoi.

Cũng như câu chuyện nước tương, rất ít những cánh đồng bị vạch mặt chỉ tên, nhưng sự nghi kỵ về mức độ an toàn của lá rau, con cá thì xuất hiện khắp nơi. Không ai còn ngạc nhiên về chuyện người nông dân trồng hai luống rau riêng để ăn và để bán. Không ai nỡ giết những cánh đồng, mà mặc cho những cánh đồng trở thành sát thủ rồi tự sát.

125.000 trường hợp mắc ung thư mỗi năm. Đối diện bệnh viện ung bướu trung ương là vỉa hè của Đài TNVN, một cơ quan truyền thông hàng đầu của đất nước, đã trở thành nơi xếp hàng khám ung thư hàng ngày.

Dù có thể không phải tất cả mọi ca ung thư đều có nguyên nhân từ những cánh đồng, song theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, 50% diện tích đất trên toàn quốc bị thoái hóa, ô nhiễm, trong đó chủ yếu tập trung ở nông thôn. Nguyên nhân chính cũng được xác định là do tình trạng lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Ở tỉnh Đồng Tháp, một tỉnh trồng lúa điển hình ở ĐBSCL 60% mẫu đất nhiễm axen vượt ngưỡng quy chuẩn Việt Nam. 

Không một ai muốn triệt đường mưu sinh của những người nông dân bằng cách vạch mặt chỉ tên những cánh đồng nhiễm độc. Nhưng chính những người nông dân đã tự giết đi hy vọng của mình bằng việc đầu độc những cánh đồng. 

Một cuộc tự sát tập thể đã diễn ra khi tất cả đều kiêng dè việc vạch mặt chỉ tên những cánh đồng nhiễm độc trong suốt những năm qua. Và bây giờ, một kênh truyền hình quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm sắp ra đời liệu có quá muộn không? Có thể vẫn còn kịp. Có thể đó sẽ là một kênh truyền hình ăn khách và thu hút quảng cáo vì ai cũng muốn thực phẩm mình ăn sẽ an toàn, sạch sẽ. Và, cũng rất có thể, người nông dân tiếp tục được tiếp cận rất nhiều thông tin quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật độc hại ở đây.

Bởi, có rất nhiều thứ thuốc độc bị cả thế giới tẩy chay vẫn đang được quảng cáo ở Việt Nam. Như thuốc diệt cỏ có chứa thành phần Glyphosan chẳng hạn.

Phạm Trung Tuyến
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Góc nhìn sự kiện