Những thực phẩm tối kỵ với người gan nhiễm mỡ

Ngày 22/10/2014 17:57 PM (GMT+7)

Người bị bệnh gan nhiễm mỡ nên kiêng các loại nội tạng, gia vị có tính nóng và nhất là rượu, bia.

Gan nhiễm mỡ hay còn gọi là bệnh thoái hóa mỡ gan. Đó là tình trạng lượng mỡ tích tụ trong gan > 5% trọng lượng gan. Triệu chứng thường thấy là chứng gan to kín đáo, gia tăng vừa phải các men chuyển hóa và phosphatase kiềm. Một số bệnh nhân cảm thấy hơi mệt mỏi và suy nhược, hoặc có cảm giác hơi tưng tức ở vùng dưới sườn bên phải.

Gan nhiễm mỡ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh gan mãn tính. Nếu không được điều trị và chế độ dinh dưỡng phù hợp, bệnh sẽ nặng hơn và có thể dẫn đến ung thư gan.

Người bị gan nhiễm mỡ nên kiêng ăn gì?

Để giảm lượng mỡ trong gan thì trước tiên, người bệnh cần giảm bớt lượng mỡ trong các món ăn mỗi ngày nhằm giảm bớt lượng mỡ máu và lượng mỡ được chuyển hóa qua gan. Bệnh nhân có thể sử dụng các loại dầu thực vật bao gồm dầu mè, dầu olive và dầu đậu nành… để thay cho các loại dầu mỡ động vật.

Ngoài ra, người bị gan nhiễm mỡ cũng cần kiêng những loại nội tạng và da động vật do chúng chứa nhiều cholesterol; không nên ăn quá nhiều thịt.

Người bệnh cũng nên hạn chế các loại gia vị có tính cay, nóng bao gồm tỏi, tiêu, ớt, gừng, riềng,…những loại trái cây có chứa nhiều năng lượng và khó tiêu như sầu riêng, mít,…

Đặc biệt, người bệnh cần phải kiêng rượu, bia. Khi bị bệnh gan nhiễm mỡ mà người bệnh vẫn tiếp tục uống rượu bia sẽ làm quá trình chuyển đến xơ gan và ung thư gan nhanh hơn nhiều.

Thực phẩm nào tốt cho người gan nhiễm mỡ?

Người bị gan nhiễm mỡ được khuyến cáo là nên sử dụng các loại rau, củ, trái cây thường xuyên và đều đặn.

Các loại quả như bưởi, cam, nho, chanh, táo cũng có thể có ích trong việc điều trị bệnh gan nhiễm mỡ.

Theo thông tin trên Ykhoa.net, dưới đây là những thực phẩm tốt cho người bị gan nhiễm mỡ và công dụng của chúng:

Những thực phẩm tối kỵ với người gan nhiễm mỡ - 1

Những thực phẩm tối kỵ với người gan nhiễm mỡ  (Ảnh minh họa)

Ngô: Chứa nhiều các acid béo không no, có khả năng thúc đẩy quá trình chuyển hóa của chất béo nói chung và cholesterol nói riêng. Theo dinh dưỡng học cổ truyền, ngô có vị ngọt tính bình, công dụng điều trung kiện vị lợi niệu, thường được dùng cho những trường hợp tì vị hư yếu, chán ăn, thủy thấp đình trệ, tiểu tiện bất lợi, phù thũng, rối loạn lipid máu, thiểu năng mạch vành.

Nhộng tằm: Vị ngọt mặn, tính bình, giúp ích tì bổ hư, trừ phiền giải phát. Nhộng còn có tác dụng làm giảm cholesterol huyết thanh và cải thiện chức năng gan. Nhộng thường dùng dưới dạng các món ăn hoặc tán thành bột để uống.

Kỷ tử: Có tác dụng ức chế quá trình tích tụ chất mỡ trong tế bào gan, thúc đẩy sự tăng sinh tế bào gan và cải thiện chu trình chuyển hóa chất béo.

Nấm hương: Chứa những chất có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu và tế bào gan. Thường dùng dưới dạng thực phẩm để chế biến các món ăn.

Lá trà: Có khả năng giảm trừ các chất bổ béo. Trà có khả năng làm tăng tính đàn hồi thành mạch, giảm cholesterol máu và phòng chống sự tích tụ mỡ trong gan.

Lá sen: Giảm mỡ máu, giảm béo và phòng chống sự tích tụ mỡ trong tế bào gan. Lá sen được dùng dưới dạng hãm với nước sôi uống thay trà hoặc nấu cháo lá sen.

Rau cần: Chứa nhiều vitamin, tác dụng mát gan, hạ cholesterol trong máu, thúc đẩy quá trình bài tiết các chất phế thải và làm sạch huyết dịch.

Ngoài ra, người bệnh gan nhiễm mỡ nên bổ sung các loại rau tươi như cải xanh, cải cúc, rau muống... có công dụng giải nhiệt làm mát gan. Cà chua, cà rốt, măng bí đao, mướp, dưa gang, dưa chuột... thanh nhiệt, thông phủ, hành khí, lợi tiểu. Các loại dầu thực vật như dầu lạc, dầu vừng, dầu đậu tương... chứa nhiều acid béo không no có tác dụng làm giảm cholesterol máu; các loại thịt, cá ít mỡ và các thức ăn chế biến từ đậu tương, đậu xanh, đậu đen...

Theo PV (Đời sống pháp luật)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh thường gặp