Nỗi khổ “cạn lời” của chị em có chồng tính "đàn bà"

Ngày 01/01/2017 16:24 PM (GMT+7)

Chị chịu hết nổi rồi. Tiền bạc đi chợ thì ông tính từng đồng, đo lọ mắm, đếm củ hành, chưa bao giờ biết động đậy tay chân làm việc nhà giúp vợ, chuyện gì cũng để bụng, suốt ngày buôn chuyện thiên hạ. Nhiều lúc chị nổi điên nghĩ thầm trong bụng, chẳng hiểu mình cưới phải… đàn ông hay đàn bà nữa?

Mỗi lần tụ tập với nhóm bạn, Thùy Linh ngại nhất khi mọi người tám chuyện về "chồng con". Những lúc ấy, chị hoặc câm nín, hoặc lỉnh ra chỗ khác. Bởi trong khi có người khoe chồng chu toàn mọi việc gia đình, từ kinh tế đến quan hệ nội ngoại; có người khoe chồng không chia sẻ được việc nhà nhưng anh ấy luôn là chỗ dựa cho vợ con và hai bên gia đình khi gặp khó khăn…thì đối với Thùy Linh khi nói về chồng, chị chẳng có gì để khoe. Dù là “khoe khéo” theo kiểu nói xấu “chồng em chả được cái nết gì, chỉ được cái yêu vợ thương con” hay “lười chảy thây việc vặt trong nhà không bao giờ động tay nhưng cứ xảy ra chuyện lớn lại xử lý đâu vào đấy” cũng không thể có để mà khoe nổi!

Nỗi khổ “cạn lời” của chị em có chồng tính amp;#34;đàn bàamp;#34; - 1

Những người chồng có tính nhỏ nhặt thường khiến người vợ chịu khổ - Ảnh minh họa

Chồng của chị chưa bao giờ làm được việc gì cho ra việc lớn. Đi làm thâm niên mười mấy năm anh vẫn chỉ là nhân viên bình thường. Chị cũng hài lòng với việc chồng không giỏi chuyên môn hay quan hệ để thăng tiến nhưng càng ngày chị càng bức xúc khi anh chỉ biết bằng lòng với lương ba cọc ba đồng, thời gian rảnh chỉ tập trung duy nhất vào việc hóng và đưa chuyện. “Mình là phụ nữ không buôn thì thôi, cớ sao chồng lại có nhiều thứ để buôn đến thế”. 

Chồng chị không chỉ nổi tiếng là “ông buôn” ở cơ quan từ chuyện sếp thế này thế nọ đến chuyện cô đồng nghiệp yêu ai, thế nào, nhà giàu hay nhà nghèo… mà khi về nhà rồi, anh ấy vẫn không rời điện thoại, tiếp tục “buôn” với chị đồng nghiệp về tình hình cơ quan rồi dự tính chuyển việc hay không, hay có v.v…Những lúc như thế, chồng trong mắt Thùy Linh quá xấu, lèm bà lèm bèm cả tiếng đồng hồ không thôi.

Chuyện cơ quan, chuyện hàng xóm láng giềng, chuyện gì anh cũng có thể biến thành câu chuyện làm quà trong khi đó, chị mỗi ngày đều cố gắng làm việc gấp đôi người khác để có được vị trí trong công ty và có thu nhập tốt lo cho gia đình. 

Hơn nữa, anh chưa bao giờ biết động đậy tay chân làm việc nhà giúp vợ, chưa một lần thay vợ chở con đi học, nhưng luôn đòi hỏi vợ phải đảm đang tháo vát, đồ đạc trong nhà lúc nào anh cũng bắt chị lau chùi kỹ càng từng mi-li-mét.

Chị đi làm đã quá mệt mỏi với áp lực công việc rồi, về nhà lại chịu đựng sự khó chịu của anh nên không thể vui được. Chị rất thông cảm rằng anh mặc cảm vì không giỏi bằng vợ nhưng chị góp ý nhiều lần rằng anh cư xử đúng mực thì em lúc nào cũng tôn trọng anh. Tính Thùy Linh hơi phóng khoáng, quan tâm nhiều đến chuyện làm ăn, thích du lịch, thích đi chơi với bạn bè, tham vọng và cầu tiến.

Tính anh nhỏ mọn, chỉ lo chăm chút nhà cửa gọn gàng, không thích giao du bạn bè, với anh có nhà là đủ rồi, không cần phấn đấu gì nữa, cũng không chịu học để nâng cao trình độ. Chị mà biết tính anh nhỏ mọn từ khi mới cưới thì đã chia tay ngay, nhưng mãi khi có con rồi anh mới thể hiện bản chất thật.

Chồng chị đàn bà tới mức, tháng nào anh cũng bắt Thùy Linh ghi ra một tờ giấy về những khoản chị đã chi tiêu dù là vài nghìn tiền hành, tiền mắm. Anh ngồi xem rồi cộng cộng, đếm đếm. Đếm xong thì anh kiểm tra số tiền tiết kiệm của hai vợ chồng xem đúng là còn từng ấy không. Nghe anh nói mà Thùy Linh não hết ruột gan, chán nản vô cùng.

Mỗi lần như vậy thấy cuộc sống cực kì mệt mỏi. Chồng tính toán như thế thì còn làm sao mà chi tiêu được. Sinh hoạt trong nhà biết bao nhiêu việc, việc gì cũng có mà phải ghi từng đồng thì chỉ mệt mỏi mà thôi. Chị nói với chồng bao nhiêu lần thì anh bảo "nếu không chi li thì cô mang tiền cho nhà ngoại à?". Nói vậy mà chị bực mình lắm, xót xa trong lòng.

Đi chợ thì cái gì anh cũng mặc cả từ 5 trăm đồng tới 1 nghìn. Nói chung, đi với anh, chị cảm thấy phát ngại vì đàn bà như chị còn chưa mặc cả, mà chợ toàn người quen, thế nhưng anh cứ tha hồ phát giá. Đến phụ nữ người ta cũng không tính toán chi li, kỹ đến chân tơ kẽ tóc như thế. 

Nghĩ đến chồng Thùy Linh chỉ thấy mệt, không còn chút hứng thú yêu thương, nhiều lúc có cảm giác đang sống chung nhà với một bà chị lắm điều chứ không phải là người đàn ông mình gửi gắm cả cuộc đời nữa. Nỗi khổ của Thùy Linh có lẽ chỉ những chị em lấy phải "chồng nữ tính" mới thấu hiểu được. Ước muốn của họ chỉ cần chồng mình là người đàn ông thực thụ như bao người đàn ông bình thường khác mà thôi.

Theo Huyền Trần
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hôn nhân gia đình