Rồi tình yêu sẽ đến, phải không?

Ngày 09/02/2013 04:09 AM (GMT+7)

Đó là năm tôi hai mươi hai tuổi. Tuổi trẻ cùng những điều cổ tích nhiệm màu.

Bây giờ, khi ít nhiều sóng gió tình cảm đã qua, tôi nhận ra rất nhiều người đã chung sống với nhau thật lâu không phải nhờ vào tình yêu (hiển nhiên là vẫn có những người yêu nhau) mà bởi giữa họ có một sự gắn kết vô hình về thói quen, sự thấu hiểu chia sẻ cùng với trách nhiệm mà mỗi người dành cho mối quan hệ đó.

Tiến sĩ tâm lý học Joseph Rhinewine, tác giả của nhiều cuốn sách về hành xử trong các mối quan hệ, đã từng phân tích rằng “hiệu ứng cánh bướm” thường xuất hiện ở những người mà chúng ta ít trông chờ nhất, và nó càng mạnh mẽ khi ham muốn được biết rõ tình cảm của đối phương dành cho mình lên cao.

Đồng thời, “hiệu ứng cánh bướm” cũng là thứ dễ khiến ta thất vọng bởi đối phương không như là ta tưởng tượng trong cơn “cuồng yêu” của mình. Mặt khác sự bền vững của bất kì mối quan hệ nào cũng không phát triển dựa trên cảm giác lâng lâng này bởi nó sẽ thoái trào rất nhanh.

Giống như người ta vẫn nói “tình yêu không bao giờ tồn tại mãi mãi”. Thực chất là để ám chỉ “hiệu ứng cánh bướm” không bao giờ tồn tại mãi mãi thì đúng hơn.

Rồi tình yêu sẽ đến, phải không? - 1
Liệu bạn có tin rằng cuối cùng tình yêu, sẽ đến nếu chúng ta biết chấp nhận tình cảm của đối phương trước hay không? (ảnh minh họa)

Vậy bạn có nghĩ một mối quan hệ thiếu những điều “kích thích” thì đáng chán hay không? Vào một số thời điểm, tôi nghĩ là có. Vào một số thời điểm khác, tôi tin bạn sẽ trả lời không. Bởi rốt cuộc người phụ nữ nào cũng mong muốn một cuộc sống tình cảm ổn định, chân thành. Họ sẽ không che giấu ước mơ về những điều lãng mạn kì diệu của mình, nhưng nếu phải chọn, tôi dám chắc phụ nữ sẽ chọn phương án bền vững lâu dài.

Tôi biết có những người sẽ lựa chọn người bạn đời của mình theo tiêu chí “truyền miệng”: “Hãy chọn người đàn ông yêu mình chứ đừng chọn người mình yêu. Vì chỉ cần bạn tin, tình yêu sẽ đến!”.

Tôi thấy cũng không phải là không có lý. Bởi nếu bạn thỏa hiệp tốt, nếu bạn chấp nhận và trân trọng những gì mình có thì người đàn ông yêu bạn sẽ luôn cố gắng không làm tổn thương bạn. Như bao nhiêu phân tích đã đưa ra rồi đấy, “hiệu ứng cánh bướm” chưa bao giờ là nhân tố quan trọng cho các mối quan hệ lâu dài hết cả.

Thế nên, câu hỏi lại rơi vào bạn. Hãy bỏ qua tiểu thuyết, phim truyền hình nhiều tập, truyện cổ tích lung linh! Hãy bỏ qua hết để tự hỏi mình câu hỏi liệu bạn có thể sống với một mối quan hệ mà bạn sẽ không có thứ cảm giác “nôn nao, rộn rã nơi lồng ngực” hay không?

Liệu bạn có tin rằng cuối cùng tình yêu, sẽ đến nếu chúng ta biết chấp nhận tình cảm của đối phương trước hay không? Liệu bạn có đủ dũng khí và sự tự tin để xây dựng tương lai với một người mà bạn “nghĩ” là tốt với cuộc đời bạn chứ không phải là “cảm” thấy không thể thiếu hay không?

Nếu bạn có thể trả lời được hết mọi câu hỏi đó. Tôi tin, chúng ta không nhất thiết phải có “hiệu ứng cánh bướm” để được hạnh phúc!

Theo 2! Đẹp
Nguồn:

Tin bài cùng chủ đề Yêu đơn phương