Sao nỡ lấy mẹ già ra mặc cả?

Ngày 03/07/2014 00:00 AM (GMT+7)

Hình ảnh cụ bà gần 80 tuổi nằm liệt giường bị con cái ruồng bỏ mới đây đã gây phẫn nộ cư dân mạng.

Cư dân mạng, người bức xúc, người căm phẫn, người bày tỏ thái độ “nghẹn cổ họng” trước hình ảnh cụ bà ngoài 80 tuổi nằm trên chiếc giường xếp đủ đồ đạc lỉnh kỉnh, lả đi vì sức yếu ngoài cửa một ngôi nhà tại Hà Nội.

Qua tìm hiểu sự việc, được biết, cụ T., 82 tuổi, sống ở con phố này cùng với người con dâu và 2 cháu nội, bị một cơ sở chữa bệnh đông y trả về nhà sau một đợt điều trị dài.

Cụ được hai người con gái đón từ cơ sở chữa bệnh về và trước khi đưa cụ về ngôi nhà này, người con dâu đã được các em chồng thông báo ngày giờ đưa mẹ về. Tuy nhiên, khi đưa cụ về đến đây, cửa nhà bị khóa ngoài, dù gọi điện nhưng không ai về mở cửa. Từ lúc cụ được đưa về (9h sáng 30/6/2014, đến 1h chiều cùng ngày) vẫn không ai mở cửa cho vào nhà, thế nên hàng xóm đã đưa cụ ra khỏi xe và đưa cụ về nhà họ chờ con dâu về mở cửa.

Đến khoảng 5h chiều 30/6, thấy sức khỏe cụ yếu quá, sợ không qua khỏi nên các con gái của cụ đưa cụ về nằm trước cửa để đợi mở khóa vào nhà.

Đến hơn 6 giờ chiều, trước sự lên án của bà con nhân dân trong khu vực, sự chứng kiến của chính quyền, công an phường, hai người con gái của cụ đã đập khóa để đưa mẹ vào nhà.  

Được biết, hoàn cảnh các con trai và con gái cụ khó khăn nên không có điều kiện đưa mẹ về chăm sóc. Người con trai cả của cụ mất cách đây khá lâu, từ đó đến nay, cụ sống với con dâu cả và các cháu nội trong căn nhà đó. Được biết, trước đó giữa các con đẻ và con dâu của cụ đã có mẫu thuẫn về việc tranh chấp căn nhà cụ đang ở.

Cư dân mạng phẫn nộ, ném đá người con dâu đã không chịu mở khóa để cụ vào nhà. Họ bức xúc vì cách cư xử với mẹ, với người già như cô con dâu vậy là vô lễ, là trái với luân thường đạo lý và là thất đức… Nếu thực sự như phản ánh này, người con dâu phải “hứng đá” chẳng sai. Với một cụ già khi không còn đủ sức chỉ để ngồi thôi thì với người không quen biết cũng còn phải nán lại hỏi han hay dừng xe giúp đỡ, huống chi là với người sống cùng mái nhà. Kể cả đó là chuyện “khác máu tanh lòng” thì trong mỗi con người, chuyện thiện tâm ai mà không sẵn có? Thế nhưng sự việc người con dâu đã “mặc xác” cho mẹ chồng già yếu nằm chỏng chơ ở vỉa hè không căm phẫn sao được.

Sao nỡ lấy mẹ già ra mặc cả? - 1

Cụ bà nằm ngoài đường mà không được đưa vào nhà dù đã rất mệt

Còn người con dâu của cụ lại nói rằng, chuyện không phải như thế, dù đã được báo trước là cụ sẽ được đưa về trong ngày 30/6, nhưng vì chị và hai con phải tạm đi lánh nợ, vì đi quá xa nên không thể quay về mở cửa, nên có nhờ chú út và cô em chồng đưa bà về tạm nhà họ, mai chị sẽ đón cụ về. Cũng theo người chị dâu này, cô em chồng (tức con gái cụ) ở gần nhà chị, lại không đón mẹ về mà lại để cụ nằm ngoài đường mới thật là không phải…

Lời trách cứ của cô con dâu vô tình đẩy “túi đá” của “thiên hạ” sang những người con đẻ của cụ, sao không rộng lòng đưa cụ về tạm nghỉ ở nhà mình nhỉ? Dù cụ chỉ nằm ngoài đường 1 giờ hay 30 phút thôi cũng đủ minh chứng cái lỗi không thể tha thứ của những người con ấy. Phải chi họ tạm đưa cụ về nhà mình, hay phải chi cứ gửi cụ nằm tạm nhà hàng xóm, mở bằng được cửa nhà chị dâu mới đưa cụ về thì hình ảnh những người con đẻ của cụ cũng sẽ khác, nhưng việc đưa cụ nằm trước cửa nhà để gây sức ép để chị dâu mở cửa đã vô tình khiến “người dưng” nghi ngờ về tình thương của những người con dành cho cụ không bằng việc dùng hình ảnh thương tâm của cụ để gây sức ép hay mặc cả cho mục đích nào đó. Làm người không nên như thế và phận làm con càng không được phép cư xử như vậy.  

Xót cho cụ bà, khi sức đã tàn, thân đã kiệt, vẫn có thế là “phương tiện” trong mỗi mặc cả và toan tính.

Dù có thể con người đang phải sống trong xã hội của vật chất, coi nặng vật chất nhưng cũng đừng nên quên đi sự trận trọng về tình cảm, gia đình và tình mẫu tử… Nếu ai cũng thấm được “Mẹ già như chuối chín cây/ Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi”, có lẽ cảnh này sẽ bớt đi rất nhiều.

Nhân sự việc này, tôi lại nhớ đến chuyện được dân mạng chia sẻ mất ngày qua về một bác sĩ chưa tròn 40 tuổi, xứ Singapore chết vì căn bệnh ung thư. Trước khi qua đời, người bác sĩ này đã trải lòng, nhắn nhủ tới các sinh viên nha khoa về việc ông vô cùng hối hận khi mải mê chạy theo xu hướng xã hội ham vật chất, bạc tiền: “Đừng để xã hội bảo ban các em cách sống. Đừng để môi trường bắt các em phải làm gì. Điều này đã xảy ra cho tôi. Tôi tưởng như vậy là hạnh phúc. Tôi hy vọng các em suy nghĩ lại và sẽ tự quyết định cuộc sống của chính các em. Không phải do người khác bảo ban mà là các em quyết định, sống cho mình hay mang đến sự tốt đẹp cho đời sống của người khác. Hạnh phúc thật sự không có được khi chỉ sống cho mình…”.

Quả là vậy, đời sống vật chất là cần thiết, nhưng nếu mải mê theo nó, con người sẽ lạc lối và không còn biết đến tình thương, khi đó chính họ phải trả giá và hối hận. 

Long Trần
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Góc nhìn sự kiện