Tết đến lại sợ cảnh “một chốn bốn quê”

Ngày 16/02/2015 00:06 AM (GMT+7)

Sắp Tết rồi, nghe các chị em than vãn chuyện ăn Tết ở đâu hay chuyện phải về quê ăn Tết với cha mẹ chồng, tranh luận chuyện Tết có nhất nhất phải ăn Tết ở nhà chồng hay không, thật mệt mỏi...

Nói chung, cứ tết đến là có rất nhiều vấn đề cần phải bàn cãi. Và cũng bởi cái tuổi để thích tết của chúng ta cũng đã qua rồi. Riêng chị em phụ nữ, ví như tôi, tôi thì còn sợ tết hơn ai hết. Mỗi dịp tết đến, cái số tiền tiết kiệm từ đồng lương công chức vốn ít ỏi, còi cọc của hai vợ chồng lại cứ như bị bay hơi đi mất ấy. Nếu như những chị em khác ở cùng với cha mẹ chồng hoặc nhà nội nhà ngoại đều gần thì còn nhẹ nhàng. Hoặc nếu không thì cũng chỉ có quê nội, quê ngoại. Còn nhà tôi thì lại rơi vào cái cảnh: “một chốn” nhưng tới “bốn quê”.

Mà quê nào cũng phải đi, quê nào cũng cần phải chu đáo, quê nào cũng không được lơ là, xuề xòa... Không đi, không về là bị ý kiến hay trách khéo của mọi người ngay. Mà nhà xa, đường xa chỉ tính chuyện di chuyển đi lại là đã đủ mệt người và tốn tiền lắm rồi ấy. Trong khi đó, nhà mình thì vất đó không có người. Mà để sau tết mới đi thì cũng không thể nào đủ thời gian được. Thế là bao nhiêu năm, từ ngày cha mẹ chồng tôi chưa mất, năm nào cả nhà cũng vạ vật nội mấy ngày, ngoại mấy ngày.

Nói về cái sự một chốn bốn quê ấy nó là như vậy: cha mẹ chồng tôi khi còn trẻ thì đi làm theo cơ quan đoàn thể nên đến một tỉnh khác sinh sống trong khi anh em ruột, họ hàng và các cụ sinh ra ông bà nội thì vẫn ở quê cũ. Chồng tôi lớn lên thì lại không ở quê mà công tác ở nơi mà hiện nay chúng tôi đang ở. Thế là ba nơi khác nhau rồi. Thêm nhà ngoại, tức là nhà cha mẹ đẻ của tôi nữa là bốn. Đấy là còn chưa kể, nhà ngoại và nhà nội thì cũng bao hàm cả đằng nội và đằng ngoại của cha của mẹ mình nữa chứ. Như thế, nói là bốn thôi, nhưng nó còn bao nhiêu những nhánh nhỏ theo kiểu như thế.

Tết đến lại sợ cảnh “một chốn bốn quê” - 1

Chồng tôi lớn lên thì lại không ở quê mà công tác ở nơi mà hiện nay chúng tôi đang ở.
(ảnh minh họa)

Vì vợ chồng tôi lập nghiệp ở nơi công tác, cũng là một thành phố, nhưng lại ở xa quê nên cứ mỗi lần tết đến xuân về là tôi lại nghĩ mà sợ cái cảnh vợ chồng con cái lôi thôi tha nhau từ tận đầu đất nước cho khi về tới lưng chừng đất nước. Tôi thì lại say xe mà con nhỏ thì lại dính mẹ. Đi đâu cũng mang vác theo cái bị ấy mệt kinh người. Cứ tưởng mấy ngày tết nhất, vợ chồng con cái được nghỉ ngơi sau một năm làm việc mệt mỏi. Nhưng thật ra nó lại là những ngày lang thang ăn nằm vạ vật trên xe thì đúng hơn. Mà về quê làm sao lại nằm nghỉ một chỗ được mà phải đi hết nhà nọ nhà kia để thăm hỏi nữa chứ…

Vì thế, một năm chẳng khi nào tôi mong tết cả. Mà mình ở xa lâu lâu mới về thăm nha và thăm mọi người, không thể nào qua loa cho được. Mà đến nhà này mà lại kh ông đến nhà kia là nhà kia lại trách khéo ngay. Vẫn biết cả năm mới có một cái tết, cũng là dịp anh em ở xa lâu ngày mới có dịp gặp gỡ nhau câu chuyện câu trò… Nhưng thật ra đâu chỉ có đơn giản như vậy đâu? Nói ra thì lại bảo đàn bà tính toán chi li từng tí nhỏ nhặt… Nhưng chính vì tích tiểu mà thành đại. Bây giờ kiếm tiền thì kiếm từng đồng một mà tiêu tiền thì cứ như có thêm mấy tay nữa thò vào túi mình vậy.

Vẫn biết, tiền không thể mang ra để tính toán với anh em họ hàng trong nhà, không thể mang ra mà mua được niềm vui đoàn tụ… Nhưng nhà nghèo nào có vui đâu. Khi mà bên ngoài cười nụ, bên trong lại phải tính toán từng xu. Rồi len lén tiếng thở dài, vì tết là hết tiền. Tính như vậy làm sao mà vui cho được. Khi mà tiền ấy là những đồng tiền cả năm nai lưng ra đi làm, thắt lưng buộc bụng của cả nhà. Bây giờ tiêu tết đừng tính tiền triệu thôi đâu, lại với cái cảnh như nhà tôi thì phỉa tính tới tiền chục triệu trở nên cũng chả đủ được. Vì thế mới có cái cảnh con nhỏ thì nhảy tầng tâng trong nhà hát: “tết tết đến rồi” với vẻ mặt hớn hở, còn người lớn thì thở dài: Tết với chả nhất cái gì. Não cả ruột.!

Năm nay, tôi có bảo chồng: "Anh, hay năm nay mình ăn tết ở nhà mình thôi. Bàn thờ bát nhang cha mẹ mình cũng mang lên trên này rồi,  hai bác ở nhà thì mình gửi tiền về mừng tết là được. Ở quê nội của ông bà cũng vậy. Có về thì tết về thăm ông bà ngoại một hai ngày thôi. Chứ năm nào cũng tha lôi nhau đi như mấy năm trước, vừa tốn kém mà em và con cũng mệt lắm. Tết nhất mà không nghỉ ngơi được ngày nào? Ý anh sao?". Chồng thở dài rồi buông câu: "Để anh tính đã".

Tết đến lại sợ cảnh “một chốn bốn quê” - 2

Bây giờ ông bà nội cũng mất rồi nên anh em cũng hiểu và thông cảm cho nhau. Chứ bố mẹ mà còn thì nhất định vẫn về ăn tết với ông bà. (ảnh minh họa)

Tất nhiên tôi cũng hiểu được tâm lí của chồng. Tết nhất không về quê nội mà lại về quê ngoại thì “các bác, các cụ” lại nói ra nói vào, là sính ngoại, ngại nội, bên trọng bên khinh… Cũng khó tránh được điều đó nên khiến anh chạnh lòng băn khoăn. Nhất là khi ông vừa bà nội mất được hai năm, chỉ còn lại anh em mà tết cũng không về. Nhưng cứ nghĩ cảnh chen chúc nhau trên chiếc xe nồng nặc mùi người, mùi xăng… Rồi về quê lại ngủ ghép, ngủ kèm chật chội và thấy nản hết cả người. Nhất là con nhỏ, tha lôi con bé đi khắp nơi nên xong tết là nhìn con cứ phờ phạc hết cả ra. Chưa thấy vui đâu chỉ thấy xót hết cả ruột mà thôi. Vừa tốn tiền vừa hại sức khỏe.

Cuối cùng thì chồng bảo, năm nay để chồng một mình về quê nội trước tết. Đi cả hai nơi luôn rồi về nhà mình đón tết ở nhà. Mùng một thì về nhà ông bà ngoại đi tết mọi người một hai hôm rồi lại về nhà mình. Nghe chồng nói thế tôi cũng thấy nhẹ người chút nào. May mà anh cũng không cố chấp và cổ hủ bắt hai mẹ con cùng đi. Có lẽ mấy năm như thế, thấy tôi và con vật vờ mệt mỏi hết cả tết nên anh cũng thương.

Bây giờ ông bà nội cũng mất rồi nên anh em cũng hiểu và thông cảm cho nhau. Chứ bố mẹ mà còn thì nhất định vẫn về ăn tết với ông bà. Nhưng ông bà mất rồi, thôi thì trong năm ngày giỗ cha mẹ, anh em con cháu cũng tụ họp đầy đủ là được rồi. Nên tết đến, còn ông bà ngoại nữa thì về với ông bà ngoại. Chứ không phải vì bên trọng bên khinh đâu. Tết thì còn nhiều, chứ cha mẹ sẽ sống với mình được bao nhiêu tết nữa đâu. Có lẽ vì chồng cũng nghĩ thế nên anh cũng thuận lòng. Vậy là tôi có thể an tâm và mua hoa, mà trang hoàng nhà mình để đón một cái tết ấm áp mà không sợ phải đi ăn tết ở đâu nữa. Cái nỗi lo lắng: “một chốn bốn quê” cũng không còn ám ảnh như những năm trước mỗi khi tết đến xuân về.

Đ.Thủy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hôn nhân gia đình