Thực hư chuyện mẹ nghén, con thông minh

Ngày 12/06/2013 10:07 AM (GMT+7)

Việc ốm nghén hay không không ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của thai nhi.

Nghén là triệu chứng phổ biến ở bà bầu trong những tháng đầu thai kỳ. Trong thời kỳ bị nghén, nhiều người có cảm giác buồn nôn, không muốn ăn uống hoặc có thể bị nôn ói. Tuy nhiên, cũng có bà bầu may mắn không gặp phải triệu chứng này.

Một số quan điểm cho rằng, trong quá trình ốm nghén cơ thể sẽ tiết ra loại hóc môn giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, giảm khả năng sảy thai và loại hóc môn đó còn ảnh hưởng đến sự thông minh của thai nhi. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Song Hà (Nguyên bác sĩ bệnh viện Từ Dũ – Hiện công tác tại phòng khám Sản Phụ khoa Song Hà) về vấn đề này cũng như những kinh nghiệm giúp mẹ bầu vượt qua ốm nghén dễ dàng.

Thực hư chuyện mẹ nghén, con thông minh - 1
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Song Hà (Nguyên bác sĩ bệnh viện Từ Dũ)

Nghén không làm cho trẻ thông minh

Hỏi: Thưa bác sĩ, ốm nghén là hiện tượng mà nhiều bà bầu gặp phải trong ba tháng đầu thai kỳ. Một số người cho rằng ốm nghén có ảnh hưởng trực tiếp tới yếu tố thông minh của trẻ, điều đó có đúng không ạ?

Trả lời: Nghén là một hiện tượng thường xảy ra trong 3 tháng đầu của thai kỳ và gặp ở hầu hết mọi phụ nữ khi mang thai, nhưng mức độ nghén của từng người thì khác nhau. Thông thường mang thai con so nghén nặng hơn con dạ.

Cho đến hiện tại chưa tìm thấy nguyên nhân cụ thể gây ra hiện tượng này, nhưng phần lớn các giả thuyết đều cho đó là do sự thay đổi của nội tiết trong cơ thể của bà mẹ khi mang thai. Tuy nhiên, tôi muốn bạn hiểu rằng, việc ốm nghén hay không ốm nghén không ảnh hưởng đến sự phát triển trí não cũng như trí thông minh ở trẻ nhỏ hay bệnh lý tim mạch.

Em bé tuy là con bạn, nhưng lại là một vật lạ đối với người mẹ nên hệ thống miễn dịch của người mẹ sản sinh ra những chất chống lại thai nhi mà biểu hiện bằng những triệu chứng nghén. Tuy nhiên, vì thai nhi có một phần là của người mẹ cho nên dần dần cơ thể mẹ chấp nhận sự hiện diện của thai nhi và quen dần. Cũng có những trường hợp phản ứng rất mạnh mẽ, gây nên tình trạng nghén kéo dài trong suốt thai kỳ.

Thực hư chuyện mẹ nghén, con thông minh - 2

Nghén là một hiện tương thường xảy ra trong 3 tháng đầu của thai kỳ và gặp ở
hầu hết mọi phụ nữ khi mang thai. (ảnh minh họa)

Bạn không bị nôn ói, điều này đáng lẽ bạn phải mừng nhiều hơn lo vì thế chất dinh dưỡng sẽ được bé hấp thụ nhiều hơn, bé sẽ phát triển tốt hơn, mẹ cũng cảm thấy không ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày và sức khỏe.   

Hỏi: Vậy theo bác sĩ, bà mẹ nên lưu ý những yếu tố gì để bé sinh ra được khỏe mạnh, thông minh?

Trả lời: Sự thông minh của 1 đứa trẻ phụ thuộc rất nhiều yếu tố như dinh dưỡng, di truyền và giáo dục của gia đình và xã hội, môi trường sống. Để hỗ trợ cho em bé phát triển toàn diện và thông minh bạn nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn ngủ điều độ đúng giờ, tinh thần mẹ luôn thoải mái, tránh stress.

Bà bầu nên làm gì khi bị ốm nghén?

Hỏi: Vậy bác sĩ có lời khuyên như thế nào về chế độ ăn uống dành cho những bà bầu gặp hiện tượng nghén trong ba tháng đầu?

Trả lời: Bạn có thể hạn chế hiện tượng nôn ói, buồn nôn, ốm nghén bằng những cách thông dụng sau: 

- Ăn ít thực phẩm và chia thành nhiều bữa trong ngày, ăn những thức ăn lỏng dễ tiêu.

- Tránh xa các loại thực phẩm kích thích dạ dày như chất béo, đồ chiên, đồ có mùi khó chịu.

- Ăn uống những thực phẩm có chứa gừng, hoặc ngậm những lát gừng tươi cũng giảm được chứng nôn ói.

- Uống nhiều nước

- Tránh thức ăn và mùi làm bạn tăng cảm giác buồn nôn. Tránh ngửi mùi làm bạn khó chịu.

Hỏi: Một số trường hợp nghén nặng dẫn đến hiện tượng mệt mỏi hay ngất xỉu, bác sĩ có lời khuyên nên xử trí thế nào khi gặp tình huống này? 

Trả lời: Nếu bà bầu bị nôn nhiều, không ăn uống được sẽ không đủ chất cung cấp nuôi dưỡng cho cơ thể bạn và em bé. Ngoài ra, việc bị nôn nhiều, ăn ít, thậm chí không ăn được nên nếu kéo dài, cơ thể mẹ sẽ bị mất nước, thiếu chất dinh dưỡng, chất điện giải, dẫn đến suy kiệt, sút cân, ảnh hưởng tới cả thai nhi. Thường những trường hợp này cần bù lại nước, điện giải và bác sĩ có thể cho một số loại thuốc giảm nghén. Nếu tình trạng nghén quá nặng, không thể ăn, uống gì được mà nôn liên tục, bạn cần nhập viện để được các bác sĩ điều trị tích cực.

Thực hư chuyện mẹ nghén, con thông minh - 3
Bà bầu nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý khi bị nghén (Ảnh minh họa)

Hỏi: Ngoài chế độ ăn thì bà bầu bị nghén cần chú ý những điều gì, thưa bác sĩ?

Trả lời: Ngoài ăn uống thì khi bị nghén, bà bầu nên chú ý những điều sau đây:

-  Thường xuyên nghỉ ngơi và ngủ trưa trong ngày

-  Tránh những nơi ấm, nóng, đông đúc nhiều người như chợ búa, chợ hải sản, lễ hội…

-  Hít hương chanh hay gừng, uống nước chanh, hoặc ăn các loại trái cây, rau quả chứa nhiều nước (dưa hấu, cà chua, nho, dâu, bưởi, cam, chanh…) để giảm cảm giác buồn nôn.

- Tập thể dục  nhẹ nhàng, đều đặn

- Massage, tập yoga…

Hỏi: Khi bị nghén, nhiều người thèm một loại đồ ăn nào đó nên ăn với số lượng rất nhiều, điều này có gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe?

Trả lời: Bạn có thể ăn nhiều bất kỳ thức ăn mà bạn thèm nhưng nên chia nhiều lần trong ngày để tránh đầy bụng khó tiêu và phải lưu ý là thức ăn đó đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây nổi mề đay hay dị ứng, dễ tiêu và không gây rối loạn tiêu hóa…

Cảm ơn bác sĩ!

Anh Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ốm nghén