Đừng dùng con trói buộc hôn nhân

Ngày 18/02/2016 10:54 AM (GMT+7)

Nhiều người phụ nữ có cách nghĩ, dùng con trói buộc hôn nhân nhưng lại không biết, việc này chẳng mấy mang lại hiệu quả.

Khi người chồng không còn yêu mình nữa, hoặc tình cảm vợ chồng đã rạn nứt, họ luôn tìm cách níu kéo. Và một trong những cách họ nghĩ là hiệu quả chính là, dùng con trói buộc hôn nhân. Họ nghĩ, tình cảm của cha con thì không bao giờ thay đổi. Nên khi có con cái, người đàn ông sẽ phải quay về bên gia đình, nghe theo lời vợ.

Trên thực tế là như vậy nhưng nhiều lần, người đàn ông sẽ cảm thấy phương thức ấy nhàm chán, họ đâm chán vợ hơn và cảm thấy mình bị bó buộc, bị cầm chân. Họ còn cho rằng, người vợ đang cố tình khiến mình khó xử với con cái nên trong lòng chỉ thêm hậm hực chứ không hề có tình yêu.

Chị bạn tôi kể, lâu nay, chị ấy đã giữ được chân chồng và cũng vì có con, chị đã khiến chồng phải cung phụng chị. Từ ngày biết chồng hay đi công tác bên ngoài, chị thấy chồng lạnh nhạt với mình là đâm lo lắng. Chị sợ chồng có bồ nên tìm mọi cách để níu giữ tình cảm.

Không bằng cách làm đẹp bản thân, không bằng cách lo cho mình, cho gia đình, không bằng cách đảm đang, tháo vát, quan tâm chồng, chị lại dùng cách khác. Chị tính, mỗi lần chồng ra ngoài là chị lại kêu con gọi điện cho bố, bắt bố về nhà ngay. Có hôm, chị còn bảo con gọi nói mẹ ốm. Thật ra, chuyện không phải như vậy. Nhưng, càng nói thì chồng càng bực mình vì bị lừa. Chị bảo, đây chỉ là do con tự làm nhưng anh nhất định không tin. Và tất nhiên là anh không bao giờ tin rồi.

Đừng dùng con trói buộc hôn nhân - 1

Có người đã gần tới nước ly hôn, mang con ra để kéo chồng về. Cũng quay về đấy vì đàn ông cũng thương con như phụ nữ. (ảnh minh họa)

Nhiều lần quá, anh đâm bực mình. Những lần sau con gọi điện anh cũng không nghe. Và cả những lần sau nữa, dù có ai gọi anh cũng mặc kệ khi mình đang bận.

Chính cách làm của chị càng khiến vợ chồng chị xa nhau. Anh không thích vợ mình lúc nào cũng quản thúc mình. Nói nhiều lần chị vẫn hoài nghi. Nói đi làm thì chị lại nghi anh đi ngoại tình này kia. Cuộc sống của anh và chị từ bao giờ trở nên nhạt nhẽo, có rào cản. Con cái vốn là sợi dây ràng buộc nhưng giờ đây, con lại là điều khiến anh khó xử và nghĩ ngợi thêm thôi, chứ không còn là niềm hạnh phúc để anh yêu chị hơn nữa.

Có người đã gần tới nước ly hôn, mang con ra để kéo chồng về. Cũng quay về đấy vì đàn ông cũng thương con như phụ nữ. Nhưng một thời gian, cuộc sống vợ chồng lại lục đục và anh quyết định ra đi dù lòng vô cùng đau đớn. Anh cũng hiểu, khi anh ra đi, con anh sẽ trở thành đứa trẻ không có bố, gia đình tan nát, không còn mái ấm vợ chồng. Nhưng cố gắng quá rồi, không thể sống được với nhau khi vợ anh càng ngày càng được đà lấn tới.

Biết chồng thương con nên có người dùng mọi cách để hành hạ chồng. Ví như, muốn chồng sắm xe đẹp, muốn chồng đưa đi chơi, du lịch khắp nơi với lý do muốn cho con được như bạn bè, muốn cho con được đi đây đi đó. Chồng không muốn đi thì lại xui con ăn vạ. Thế nên, nhiều lần gia đình đi du lịch khi anh bận và thường là tâm thế không vui vẻ gì.

Đừng dùng con trói buộc hôn nhân - 2

Con cái là những đứa trẻ ngây thơ, cần sự che chở của ba mẹ. (Ảnh minh họa)

Sự quá quắt của người vợ khi mang con làm công cụ đỡ đạn đã khiến nhiều anh chồng cảm thấy chán nản, mệt mỏi. Thậm chí còn làm cho hôn nhân thêm tồi tệ. Vậy nên, nếu đàn bà luôn có ý định dùng con níu kéo tình cảm vợ chồng thì họ thật sự đã sai lầm.

Cách làm để níu kéo chồng không phải là con cái mà là chính bản thân họ. Nếu cả hai đã hết tình cảm, cần vun đắp tình cảm với nhau. Nếu như đối phương đã cạn tình thì cũng nên tìm cách thay đổi bản thân, nhìn nhận lại bản thân mình vì sao lại xảy ra tình trạng ấy để có cách khiến cho hôn nhân thêm hạnh phúc.

Con cái là những đứa trẻ ngây thơ, cần sự che chở của ba mẹ. Nhưng đừng mang chúng ra làm cầu nối và làm lá chắn cho cuộc hôn nhân mà người lớn đang là những nạn nhân. Hãy để con trẻ được sống với chính mình, được làm những việc đúng với lứa tuổi của chúng chứ đừng lôi chúng vào cuộc chiến gia đình của cha, của mẹ.

Thảo Trang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hôn nhân gia đình