1/1/2015, các trường ĐH phải công bố đề án tuyển sinh

Ngày 16/10/2014 09:48 AM (GMT+7)

Đã có thêm khoảng 90 đề án tuyển sinh gửi về Bộ GD&ĐT, trong đó có 40 đề án của các trường ĐH và 50 đề án của các trường CĐ.

Hôm qua (15/10), là hạn cuối cùng để các trường ĐH-CĐ nộp đề án tuyển sinh riêng đến Bộ GD&ĐT. Nhận định bước đầu về các đề án này, PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho biết hầu hết các trường đều chọn cả hai hình thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT chung và học bạ THPT.

1/1/2015, các trường ĐH phải công bố đề án tuyển sinh - 1

- Phóng viên: Thưa ông, hôm nay là hạn cuối để các trường nộp đề án tuyển sinh riêng, đến nay đã có bao nhiêu trường gửi đề án tuyển sinh riêng về Bộ GD&ĐT?

PGS-TS Trần Văn Nghĩa: Đến thời điểm này, ngoài 62 đề án tuyển sinh riêng của năm trước đã có thêm khoảng 90 đề án gửi về Bộ, trong đó có 40 đề án của các trường ĐH và 50 đề án của các trường CĐ.

- Các trường lựa chọn phương thức nào trong mùa tuyển sinh năm 2015?

Do gửi qua đường bưu điện nên có thể có độ trễ, vì vậy có thể đến ngày 20-10 chúng tôi mới nhận được đầy đủ đề án của các trường. Với đề án của các trường đã gửi về Bộ thì đa phần các trường sử dụng cả hai phương thức tuyển sinh là sử dụng kỳ thi quốc gia và xét tuyển học bạ THPT. Tuy nhiên, khác nhau giữa các trường là tỉ lệ sử dụng giữa xét tuyển học bạ và kỳ thi quốc gia. Có trường xác định tuyển 70% từ kỳ thi quốc gia, 30% xét tuyển học bạ, có trường 30/70 hoặc 50/50. Nhưng dù như thế nào thì yêu cầu bắt buộc trong đề án phải xác định rõ tỉ lệ giữa hai phương thức tuyển sinh. Đối với xét học bạ phải đảm bảo ngưỡng tối thiểu để tuyển sinh ĐH là điểm trung bình học bạ trên 6,0 và trên 5,5 đối với tuyển sinh CĐ.

- Có nhiều trường lựa chọn phương thức sơ tuyển không?

Không nhiều trường tiến hành sơ tuyển. Năm nay có một số trường có ngành đặc thù và trường tốp trên sơ tuyển qua học bạ.

- Sau nhận được đề án của các trường, công việc tiếp theo của Bộ là gì?

Bộ sẽ đọc và tư vấn cho các trường để hoàn thiện đề án. Trong tư vấn thì có những cái vi phạm quy chế thì bắt buộc phải sửa, ví dụ không đảm bảo ngưỡng tối thiểu khi xét tuyển học bạ như đã nói ở trên. Một mặt, cái gì biết là tốt hơn thì gợi ý cho trường để trường sửa, tuy nhiên quyền quyết định vẫn là ở trường. Sau đó đề án được đưa lên mạng Internet và trang điện tử của trường trong vòng một tháng để lấy ý kiến đóng góp của xã hội. Bộ không phải phê duyệt đề án mà xác nhận đề án đó đáp ứng các yêu cầu của quy chế.

- Khi nào các trường phải công bố đề án để học sinh biết đăng ký thi?

- Ngày 1/1/2015, toàn bộ thông tin tuyển sinh của các trường phải công bố hoàn toàn để học sinh biết và lựa chọn đăng ký tuyển sinh.

- Theo một số đề án tuyển sinh đã được công bố thì nhiều trường hình thành nhiều tổ hợp môn thi mới. Gần đây tại hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH y, dược đã đưa ra phương án ngành y thi môn văn, quan điểm của ông?

Theo quy định của Bộ GD&ĐT thì các trường bắt buộc phải chọn tổ hợp cũ, năm trước ngành y thi tuyển theo khối B (toán, hóa, sinh) thì năm nay bắt buộc phải dùng toán, hóa, sinh để xét tuyển. Vì phải đảm bảo quyền lợi học sinh, các em học ba năm rồi, giờ thay đổi tổ hợp môn thi sẽ gây hoang mang và lo lắng cho các em. Tuy nhiên, bên cạnh tổ hợp cũ thì các trường có thể mở rộng thêm các tổ hợp môn thi khác, đây là quyền của mỗi trường. Điều kiện để mở thêm tổ hợp môn mới là có ít nhất toán hoặc (và) văn, chọn một tổ hợp không có một trong hai môn đấy là không được.

- Xin cảm ơn ông.

Theo Huy Hà (Pháp luật TP.HCM)
Nguồn: