Anh, Mỹ trách phạt học sinh như thế nào?

Ngày 24/01/2015 09:38 AM (GMT+7)

Từ sự việc trường THPT Dân lập Phạm Ngũ Lão, TP.HCM có quyết định đình chỉ học một học sinh vì lý do bỏ biểu diễn văn nghệ, cô Nguyễn Thị Thu Huyền, nghiên cứu sinh giáo dục tại Vương quốc Anh, giới thiệu kinh nghiệm xử lý vi phạm của học sinh ở các nước.

Nếu giáo viên ở Việt Nam than thở với nhau rằng: Dạy kiến thức, kỹ năng cho hoc sinh khó một thì hình thành thái độ, hành vi đúng đắn, uốn nắn thói hư, tật xấu cho các em ấy sẽ khó mười, thì điều tương tự cũng diễn ra với giáo viên ở Anh và Mỹ. Việc kiểm soát hành vi của học sinh, đặc biệt là những hành vi xấu (bad behaviours/ disruptive behaviours) trong giờ học cũng là nỗi ám ảnh, căng thẳng cho giáo viên các nước này.

Phạt đứng góc lớp là sỉ nhục học sinh

Thống kê gần nhất cho thấy 1/3 giáo viên trung học ở Anh không tự tin trong việc dùng quyền của mình để kỷ luật học sinh. Tuy nhiên, nếu quyết định theo nghề giáo, tất cả đề phải tôn trọng tuyệt đối các quy định pháp luật lẫn các nguyên tắc giáo dục.

Tinh thần chung của các giáo viên Anh, Mỹ là trước hành vi chưa chuẩn của học sinh, tất cả giáo viên phải sử dụng các biện pháp khuyên răn, động viên, khuyến khích, hỗ trợ và nhìn nhận những tiến bộ dù rất nhỏ của học sinh chứ không phải nghĩ đến trách phạt ngay từ đầu.

Chẳng hạn, học sinh nói năng thiếu lịch sự với giáo viên, giáo viên sẽ yêu cầu học sinh lặp lại câu nói đó nhưng theo cách lịch sự, thay vì mắng xối xả là học sinh vô lễ.

Một trường hợp khác, hai học sinh tiểu học đang giận dữ cãi vã nhau rất to trong giờ học thì giáo viên nhanh chóng yêu cầu ngưng hành vi đó, tách hai e ngồi xa nhau ra. Cuối giờ, họ mới trò chuyện để hai em hiểu hành vi đó là không được chấp nhận. Tình huống này nếu xảy ra trong lớp học Việt Nam thì một số giáo viên sẽ la mắng, bắt cả hai đứng ở góc lớp hoặc đuổi ra ngoài lớp.

Anh, Mỹ trách phạt học sinh như thế nào? - 1

Tinh thần chung của các giáo viên Anh, Mỹ trước hành vi chưa chuẩn của học sinh không phải nghĩ đến trách phạt ngay từ đầu.

Hình phạt đứng góc lớp với giáo viên Anh là sỉ nhục học sinh nên không ai còn dùng. Nếu hành vi gây rối của học sinh quá nghiêm trọng thì các em có thể được mời lên phòng quản lý ngồi, sẽ có giáo viên giao việc trong thời gian đó như chép bài, làm bài, và giám sát chứ không để học sinh một mình.

Biện pháp phạt phổ biến dành cho học sinh Anh, Mỹ là ‘lao động công ích’ như làu chùi lớp, dọn thùng rác, cạo các vết kẹo cao su dưới sàn, trồng cỏ trong sân trường, dọn bàn ăn cho lớp trong bữa trưa… Việc cấm túc tức phạt ở lại trường sau giờ học hoặc vào ngày cuối tuần để hoàn thành bài tập thêm cũng được áp dụng.

Cũng có đuổi học nhưng chẳng đặng đừng

Việc đuổi học có thời hạn từ 5 ngày đến 1 năm cũng nằm trong hệ thống biện pháp trách phạt của nhà trường Anh, Mỹ.

Ở Anh, đuổi học có thời hạn trên 6 ngày thì nhà trường phải có trách nhiệm tư vấn, cung cấp cho phụ huynh, học sinh các hình thức giáo dục thay thế để học sinh vẫn tiếp tục được duy trì việc học, chỉ có điều là không ở trong lớp học thông thường.

Thực chất, giải pháp đuổi học là hình thức kỷ luật 'chẳng đặng đừng' vì 'loại bỏ' học sinh đó ra khỏi môi trường học đường (được xem là lành mạnh nhất) thì học sinh đó sẽ có nguy cơ cao phát triển nhân cách theo chiều hướng tệ hơn.

Mỹ từng áp dụng chính sách 'Không Khoan Dung' (Zero Tolerance) khi bạo lực học đường dâng cao cuối những năm 1990s bằng cách cương quyết đuổi học tất cả học sinh có mang các loại thuốc, ma tuý, thuốc lá, đặc biệt là vũ khí nguy hiểm vào trường học như dao, súng....

Rất nhiều quyết định đuổi học cứng nhắc và oan ức cho học sinh đã đưa ra, chẳng hạn học sinh vô tình mang con dao hướng đạo sinh, dao cắt bánh sinh nhật...vào lớp, dù chưa sử dụng, giáo viên biết, báo cáo lên là học sinh đó bị đuổi ngay (thời gian bị đuổi tuỳ mức độ nghiêm trọng của vũ khí, có thể lên tới 1 năm). Chính sách này bị chỉ trích gắt gao.

15 năm qua, dù tỷ lệ bạo lực của Mỹ giảm nhưng không có bằng chứng nào cho thấy luật 'Không khoan dung' đóng góp vào thành tựu đó và hiện đã được xem xét sử dụng linh hoạt hơn.

Ngược lại, chính sách 'đánh giá mối đe dọa' (threat assessment) dành cho các học sinh có nguy cơ gây ra bạo lực mới được xem là 'công thần' trong việc ngăn chặn bạo lực học đường tại Mỹ.

Thông tin được cập nhật trên website nhà trường

Sự nghiêm minh của pháp luật và chi tiết trong các văn bản hướng dẫn là một trong những yếu tố góp phần không nhỏ vào việc hạn chế các vi phạm trong ứng xử với học sinh trong nhà trường tại các quốc gia phát triển.

Vào website của các cơ quan quản lý giáo dục, trường học Anh, Mỹ sẽ thấy ngay danh mục các quy định rất chi tiết, tỉ mỉ về những giá trị cần được đề cao trong nhà trường (ví dụ: tôn trọng người khác, tôn trọng tài sản, tôn trọng bản thân). Đi theo sau đó là hàng loạt quy định như quy định chống bắt nạt, chống sử dụng các chất gây nghiện, chống rượu bia, thuốc lá, các hành vi được làm, không được làm, các hình thức trách phạt khi vi phạm…

Sự phổ biến thông tin này cho phép học sinh, phụ huynh và các lực lượng xã hội khác có thể giám sát việc thực hiện trách phạt của nhà trường và giáo viên, cũng như hợp tác với nhà trường để giảm thiểu hành vi chưa tốt của học sinh.

Các quy định trách phạt học sinh trong nhà trường ở hai quốc gia trên đều được cải thiện không ngừng nhằm mang lại hiệu quả  giáo dục tốt nhất với phương châm ‘Tất cả vì sự phát triển tích cực của học sinh’. Năm 2014, Bộ GD Anh vừa ban hành tài liệu hướng dẫn mới về ‘Hành vi và kỷ luật trong trường học’ được ban giám hiệu, giáo viên đánh giá là rõ ràng và dễ thực hiện hơn trước.

Nguyễn Thị Thu Huyền- Giảng viên trường Đại học Sư phạm TP. HCM

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan