Áp lực sĩ số trong năm học mới

Ngày 17/08/2015 14:44 PM (GMT+7)

Dù ưu tiên xây dựng cơ sở vật chất nhưng các trường học tại TP HCM luôn đau đầu vì tình trạng sĩ số quá đông trước mỗi năm học mới.

Năm học 2015-2016, TP HCM dự kiến kinh phí đầu tư xây dựng trường học là 2.800 tỉ đồng. Trong đó, ước tính 6 tháng đầu năm, kinh phí là 1.244 tỉ đồng, với số phòng học được đưa vào sử dụng là 953 phòng. Tuy nhiên, tốc độ xây dựng trường lớp vẫn không thể theo kịp sự gia tăng học sinh (HS) tại các quận, huyện.

Sĩ số tăng mạnh ở mọi cấp

Ông Phạm Xuân Đông, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận 7, cho biết trung bình mỗi năm, số HS cả ba cấp tại quận 7 tăng gần 2.000, đặc biệt tăng mạnh ở bậc THCS. Trong khi năm học này, quận 7 không có trường xây mới. Dù vẫn đáp ứng đủ yêu cầu phòng học, trường lớp nhưng sĩ số HS/lớp lại khá cao.

Áp lực sĩ số trong năm học mới - 1

Dự án xây dựng Trường THCS Lữ Gia, quận 11 đang được gấp rút hoàn thành chuẩn bị cho năm học mới Ảnh: TẤN THẠNH

Không những quận 7 mà tại quận 8, quận Tân Phú, Bình Tân… cũng trong tình trạng tương tự do tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh. Tại quận Tân Phú, bà Chung Bích Phượng, Phó Phòng GD-ĐT quận, cho biết số trường mầm non công lập tại quận chỉ đáp ứng được nhu cầu 40% số trẻ trong độ tuổi đến trường.

Nguyên nhân là số dân nhập cư mỗi năm một tăng, lại là địa bàn có Khu Công nghiệp Tân Bình bên cạnh vì thế áp lực trường lớp tại quận hầu như năm nào cũng gay go, trong khi xu hướng gia đình nào cũng muốn cho con vào học trường công. Bà Phượng lấy ví dụ là nếu ưu tiên cho trẻ mầm non 5 tuổi thuộc đối tượng phổ cập được học các trường công lập thì toàn bộ hệ thống trường mầm non công lập gom lại mới nhận đủ số trẻ độ tuổi này, đồng nghĩa với số trẻ 3 - 4 tuổi phải ra ngoài học hết.

Chính vì thế, để bảo đảm công bằng, trong kế hoạch tuyển sinh hằng năm của quận, ngoài yêu cầu hộ khẩu, còn kèm theo các điều kiện khác như con gia đình khó khăn, bộ đội, viên chức…

Trong khi đó, tại quận 8, ông Phạm Ứng Dũng, Trưởng Phòng GD-ĐT quận, cho biết nếu tính quy mô trường lớp thì quận 8 không thiếu nhưng lại phân bổ không đồng đều giữa các phường. Điển hình vì có những trường không sử dụng hết công suất nhưng tại khu vực phường 16 và phường 4, sĩ số HS lại tăng đột biến do nằm trong khu đô thị hóa, tại khu vực phường 4 lại giáp ranh huyện Bình Chánh nên nhiều HS đổ dồn về đây học.

Tại quận Tân Bình, theo báo cáo của phòng GD-ĐT quận, năm học 2015-2016, quận dự kiến có hơn 81.500 HS các cấp lớp từ mầm non đến THCS, tăng hơn 2.300 em. Để đáp ứng chỗ học, quận đã sửa chữa, xây 3 trường gồm Trường Mầm non 1A, Trường Tiểu học Ngọc Hồi và Trường THCS An Lạc.

Không thể theo chuẩn

Theo hiệu trưởng nhiều trường tiểu học, số HS mỗi năm một tăng, đặc biệt là bậc tiểu học, gây nên tình trạng quá tải sĩ số. Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 1 cho rằng nếu chiếu theo điều lệ trường tiểu học, gồm sĩ số/lớp, số HS/diện tích lớp học… thì hầu hết các trường đều không đạt chuẩn vì hiện nay, có những trường tiểu học sĩ số trung bình là 50-55 HS/lớp.

Trong khi đó, tại quận Gò Vấp, năm học 2015-2016, hệ thống trường lớp của quận phải bảo đảm đáp ứng chỗ học của 7.720 HS vào lớp 1 và 7.380 HS vào lớp 6 khiến một số trường quá tải chỗ học. Đơn cử như Trường Tiểu học An Hội phải sử dụng 5 phòng học của Trường THCS Tân Sơn để nhận HS. Trường Tiểu học Kim Đồng do đang sửa chữa phải “mượn” 2 phòng học của Trường THCS Quang Trung để dạy và học.

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận này cho hay trong nhiều năm, trường phấn đấu sĩ số 40 HS/lớp nhưng rất khó khăn vì số phòng học như cũ nhưng HS mỗi năm một dôi thêm. Sĩ số đông khiến hàng loạt những vấn đề phát sinh trong trường, từ chuyện thiếu giáo viên, bảo mẫu, bảo vệ trường học đến vấn đề y tế, sân chơi phát triển thể chất cho HS đều rất khó đạt chuẩn.

Ở một góc độ khác, bà Chung Bích Phượng cho biết năm học 2014-2015, HS trong độ tuổi tiểu học của quận Tân Phú là 33.238 HS thì năm nay tăng lên 33.657 em, vì thế sĩ số trung bình ở bậc học là 45 HS/lớp. Tuy nhiên, bậc tiểu học lại có thể khắc phục theo hướng tách bán trú, học 1 buổi/ngày nhưng với bậc mầm non lại không thể. Đặc thù của mầm non là học cả ngày nhưng với số lượng trẻ/lớp đông trong khi giáo viên ít, bảo mẫu có nơi còn thiếu nên rất vất vả.

Theo lãnh đạo nhiều phòng GD-ĐT, áp lực về trường, lớp và sĩ số khiến nhiều trường học không thể thực hiện dạy 2 buổi/ngày. Ông Trần Minh Ngôn, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 4, cho hay có khoảng 80% HS tại quận được học 2 buổi/ngày trong khi tại quận 8, theo ông Phạm Ứng Dũng, chỉ khoảng 60-70 các trường dạy được 2 buổi/ngày.

Khó khăn với mô hình tiên tiến

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP HCM, năm học 2014-2015, TP HCM có 493/510 trường, 9.021/16.679 lớp, 347.204/555.975 HS, tương đương với 62,4% HS học buổi 2 buổi/ngày. Hiện nay, khó khăn chính của ngành GD-ĐT TP là dù UBND TP luôn ưu tiên kinh phí xây dựng trường lớp song do số lượng HS trong độ tuổi đến trường tăng mỗi năm quá cao, đặc biệt là tăng cơ học, nên vẫn còn một số trường chưa đạt sĩ số theo quy định, chưa phủ kín lớp học 2 buổi/ngày ở các cấp học. Chính điều này gây khó khăn cho quá trình xây dựng mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại cũng như việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập.

Theo Đặng Trinh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự