“Biết con như thế, tôi đã không cho đi tình nguyện”

Ngày 06/07/2015 14:04 PM (GMT+7)

Dưới cái nắng tới 40 độ, hàng chục tình nguyện viên nắm tay nhau thành "dải phân cách sống" giữa đường. Một hình ảnh đẹp. Nhưng có đáng mạo hiểm sức khỏe và tính mạng người trẻ như thế?

“Hàng rào” đặc biệt

Kỳ thi THPT Quốc gia 2015 đã chính thức khép lại, Chương trình “Tiếp sức mùa thi 2015” cũng kết thúc, một kỳ thi được đánh giá là thành công, an toàn, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những tình nguyện viên, đa phần là sinh viên của các trường ĐH, CĐ dành những ngày hè của mình để tham gia tiếp sức mùa thi, giúp đỡ thí sinh, người nhà thí sinh. Quan tâm, chia sẻ tận tình, thí sinh và người nhà cảm thấy ấm lòng, khi bao vất vả, mệt mỏi đã có những bạn trẻ chia sẻ, giúp đỡ tận tâm.

Suốt kỳ thi, hình ảnh nổi bật trên các tuyến phố là những gương mặt áo xanh tình nguyện. Từ hoạt động tìm nhà trọ, phát cơm, nước miễn phí đến chỉ đường, phân luồng giao thông... đều có sự góp mặt của các tình nguyện viên luôn tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ. Tuy năm nay, số lượng thí sinh dự thi giảm, được phân chia đồng đều tại nhiều cụm trên cả nước nhưng tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra do phụ huynh, thí sinh tập trung đông tại địa điểm thi, đặc biệt là tại Hà Nội.

Bởi vậy, hoạt động chỉ dẫn đường, điều phối giao thông luôn được những tình nguyện viên đặt lên hàng đầu, tập trung nhiều lực lượng. Bóng áo xanh có mặt trên khắp các tuyến đường. Bất chấp cái nắng lên tới 40 độ C, mồ hôi ướt đẫm, tình nguyện viên vẫn đứng nắm tay nhau tạo thành “dải phân cách sống” để chia làn giao thông.

Cảm thấy phấn khởi sau khi hoàn thành những nhiệm vụ được giao, Thanh Tùng - sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Đây là năm thứ 3 em tham gia Tiếp sức mùa thi. Ngoài các hoạt động như phát quạt, bản đồ, đưa đón thí sinh, một trong hoạt động có ý nghĩa và được đông các bạn cảm thấy tự hào đó là lập hàng rào trước cổng trường, dẫn lối cho thí sinh đi vào chỗ an toàn, hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông không gây ảnh hưởng cho thí sinh. Có năm dùng dây thừng, nhưng có năm tụi em cùng nắm tay nhau thành hàng rào. Tuy nắng nóng, mệt mỏi nhưng ai cũng thấy vui, một kỷ niệm đẹp trong đời sinh viên”.

“Biết con như thế, tôi đã không cho đi tình nguyện” - 1

Sinh viên tình nguyện lập “hàng rào sống” dưới lòng đường trước điểm thi của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) ngăn các phương tiện đi vào khu vực lúc thí sinh tan thi. Ảnh: Q.Anh

Phụ huynh xót xa

Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay diễn ra đúng đợt “nóng khủng” nhất từ đầu hè. Nắng nóng ở Hà Nội khiến mọi người tỏ ra căng thẳng, nhiều người sẵn sàng tìm mọi cách để đưa đón thí sinh nhanh chóng, bất chấp việc tuân thủ Luật giao thông. Nhất là vào giờ tan thi cũng trùng với giờ cao điểm, nên dẫn đến giao thông ùn tắc, hỗn loạn. Trong bối cảnh đó, những bạn trẻ tình nguyện viên cũng đã có sáng kiến tay cầm tay lập hàng rào ngăn người tham gia giao thông đi vào khu vực có đông thí sinh tan thi, vừa bảo vệ sự an toàn cho thí sinh, lại tránh được ùn tắc giao thông.

Hình ảnh này diễn ra phổ biến ở hầu hết các điểm thi tại Hà Nội, một hình ảnh cảm động, nhận được sự cảm phục của không chỉ thí sinh, người nhà thí sinh lẫn người đi đường. Tuy nhiên, dưới cái nắng chói chang, không ít người xót xa. Phụ huynh Nguyễn Văn Thắng có con dự thi tại điểm thi Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đợi con trong bóng cây mà còn không chịu nổi sự oi bức, thấy các cháu đứng dưới trời nắng 40 độ mà thật xót. Các trường nên có những giải pháp hiệu quả hơn để các cháu ấy bớt vất vả. Phụ huynh chúng tôi rất cảm động, nhưng vì việc này mà các cháu bị ốm, hay bị tai nạn chúng tôi cũng áy náy lắm”.

Có con gái vừa tham gia đội tình nguyện tiếp sức mùa thi, cô Lê Thị Hà (ngõ 192 Lê Trọng Tấn, Hà Nội) chia sẻ: “May mà con không sao, chứ biết trời nắng nóng thế này mà con ra đứng giữa đường phân làn giao thông thì tôi đã không cho con đi. Hoạt động tình nguyện là công việc hết sức đáng khuyến khích nhưng làm gì cũng phải đưa yếu tố sức khỏe, an toàn lên hàng đầu. Chẳng may các cháu bị ốm, hay nói dại là bị tai nạn, chắc chắn không mấy ai vui cả. Mong rằng năm tới, các trường cần có những biện pháp hữu hiệu, an toàn hơn, để phụ huynh chúng tôi an tâm để con tham gia các hoạt động tình nguyện”.

Mấy ngày qua, hình ảnh sinh viên làm “hàng rào sống” cũng đã trở thành đề tài “nóng”, được cộng đồng mạng bàn luận sôi nổi. Cho rằng đó là một hành động nghĩa hiệp nhưng nhiều người đã phản đối việc làm nói trên, có nhiều cách thể hiện lòng tốt của mình. Việc sinh viên phơi nắng cực khổ nếu say nắng bị ngất, hay gặp tai nạn thì khổ. Có nhiều cách, chứ không nhất thiết cứ phải là hàng chục con người dãi nắng dưới lòng đường như thế.

Thiết nghĩ, một hành động đẹp, thiết thực cần hướng tới sự an toàn của con người, chắc hẳn sẽ không có thí sinh, phụ huynh nào muốn thấy sinh viên tình nguyện bị ngất xỉu vì nắng, gặp tai nạn trong quá trình phân làn giao thông… để kỳ thi diễn ra thật an toàn, Bộ GD&ĐT cũng cần tính toán tới các phương án thi ở thời điểm thuận lợi về thời tiết, cũng như các trường có phương án phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức phân làn giao thông, để những tình nguyện viên đỡ vất vả và bớt nguy cơ xảy ra tai nạn.

ĐỂ TRA CỨU ĐIỂM THI TỐT NGHIỆP THPT QG NĂM 2015

SOẠN TIN: DIEM <SỐ BÁO DANH> gửi 8702

VD: Thí sinh thi ở cụm thi ĐH Bách Khoa Hà Nội, SBD là BKA000345, soạn tin:

DIEM BKA000345 gửi 8702

Xem chi tiết Bấm đây

Thành đoàn không chỉ đạo “lập hàng rào sống”

Thành đoàn Hà Nội cho biết, Thành đoàn không có chủ trương, chỉ đạo thanh niên tình nguyện lập “hàng rào sống” mà hoàn toàn do tình nguyện, sáng tạo của các bạn sinh viên. Trong các ngày thi vừa qua, tại Hà Nội không có bạn sinh viên nào bị say nắng hay ngất vì nắng nóng. Không có tai nạn nào với các bạn tình nguyện viên làm hàng rào. Tất cả sinh viên tham gia hỗ trợ giao thông trước cổng trường đều được tuyển chọn từ các tình nguyện viên có kinh nghiệm, từng tham gia tình nguyện.

Theo Quang Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan