Buổi tri ân thầy cô hiếm có

Ngày 20/11/2014 08:49 AM (GMT+7)

Họ là “cô cậu học trò” ở ngưỡng tuổi U-60, 70, thậm chí có người U-80, còn các thầy cô là những người dạy họ cách nay gần nửa thế kỷ.

Trong số “cô cậu học trò” có những người mà tên tuổi không quá xa lạ như ông Nguyễn Huy Cận (nguyên Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM), ông Trần Quang Phượng (nguyên Giám đốc Sở GTVT TP.HCM), ông Quốc Vĩnh (nguyên Phó Tổng Biên tập Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn), ông Tạ Văn Doanh (nguyên Tổng Biên tập báo Giáo Dục TP.HCM), nhà báo Hàng Chức Nguyên (báo Tuổi Trẻ), nhạc sĩ Nhất Sinh… Đặc biệt có họa sĩ Phạm Cung hối hả về từ Úc để kịp dự buổi họp mặt tri ân thầy cô.

Học kỳ hoài niệm

Trong một khán phòng của nhà hàng công viên Kỳ Hòa (quận 10), được bày biện ấm cúng với những chiếc khăn trải bàn màu hồng, rất nhiều hoa trên bàn. Ngồi phía trước là các thầy giáo, cô giáo. Phía sau rất nhiều cô cậu học trò mà mái tóc đã bạc quá nửa.

“Thưa các thầy, các cô, chúng em dù có người đã về hưu, đã lên chức ông nội, ngoại nhưng với thầy cô chúng em vẫn là những học trò nhỏ hôm nào. Và chúng em mong mãi mãi được là học trò học với các thầy cô trong một học kỳ không có thời gian được gọi là học kỳ hoài niệm” - “cậu học trò” tên Nguyễn Tấn Đức, nguyên giảng viên tiếng Anh Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, thay mặt các bạn phát biểu.

Một người thầy tiến về bục gỗ nói chuyện, được hai “cậu học trò” dìu hai bên. Thầy cầm micro, bàn tay run run, giọng nói run run: “Tôi, Hà Như Hy, năm nay 87 tuổi rồi. Tôi ngày thường không ra khỏi nhà. Mấy năm nay sức khỏe yếu lắm. Hôm nay được thư anh chị mời, tôi quyết phải tới cho bằng được” - thầy ngưng nói để thở. Giọng thầy thều thào nhưng đủ nghe.

“Ngày đó tôi về làm hiệu trưởng lúc mới 26 tuổi. Trường nghèo lắm. Thầy cũng nghèo, ở trong nhà lợp lá trong sân trường. Trò cũng nghèo. Năm ngoái, tôi có dịp ra miền Trung có ghé qua trường cũ. Trường khang trang, bề thế lắm. Rồi hôm nay gặp các anh chị đây, ai cũng khỏe mạnh, thành đạt. Hơn nửa thế kỷ được gặp lại, tôi vui lắm, hạnh phúc lắm” - giọng thầy chùng xuống, cố ngăn tiếng khóc.

Trên sân khấu xuất hiện một tốp nữ sinh xinh xắn trong tà áo dài tím. Họ cầm nón múa và hát bài Ngàn thu áo tím. Nhìn kỹ hóa ra các nữ sinh đó là những… cụ bà xấp xỉ tuổi 60 hóa trang. Rất nhiều tiếng vỗ tay, ánh đèn máy ảnh. Rồi một “cậu học trò” tiến ra sân khấu, đàn guitar đeo vai. Cậu hát bài Đường xưa lối cũ. Lại vang lên tiếng vỗ tay và ánh đèn chụp ảnh. Ai hát mà điệu đàng vậy, hóa ra là ông Nguyễn Huy Cận.

“Cậu học trò” Quốc Vĩnh cầm micro ngập ngừng: “Hôm nay chúng em tập trung về đây là mong được tỏ lòng tri ân thầy cô. Cha mẹ cho chúng em vóc dáng, hình hài, cho cuộc sống, còn chính các thầy cô cho chúng em biết sống làm người có ích”.

Buổi tri ân thầy cô hiếm có - 1

Tặng hoa và quà cho các thầy cô. Ảnh: TRỊNH TÝ

Niềm vui

Hôm ấy có tất cả 32 thầy cô về dự. Các thầy cô đã nghỉ hưu, chỗ ở tản mác. Có nhiều thầy cô ở TP.HCM nhưng cũng có thầy cô ở tận Đồng Nai, Đà Lạt, Cần Thơ, Nha Trang… Các “cô cậu học trò” lần ra địa chỉ, tìm đến mời thầy cô về dự họp mặt. “Vì các thầy cô lớn tuổi rồi, đâu còn nhanh nhẹn như hồi trước nên mọi việc tàu xe đi lại, ăn ở trong mấy ngày về TP chúng tôi phân công nhau lo hết” - “cậu học trò” Đoàn Thế Vinh, vốn là chủ một doanh nghiệp ngành giấy ở TP.HCM, chia sẻ.

Nhưng đây không phải buổi gặp mặt tri ân thầy cô lần đầu. Mà năm nào họ cũng tổ chức, đến nay gần 20 năm. Cuộc sống của người lớn tuổi chủ yếu là tạo ra niềm vui. Các thầy cô coi học trò như con cháu. Thấy con cháu trưởng thành là họ vui. “Năm nào dù bận bịu công việc đến đâu chúng tôi cũng phân công nhau tổ chức để tạo điều kiện cho các thầy cô gặp mặt, hàn huyên với nhau, để thầy cô và học trò tâm sự, giãi bày…” - “cậu học trò” Vinh nói.

Những phút giây thầy trò bên nhau thật quý giá. Thời gian thì chảy một dòng nhưng đối với họ - thầy và trò trong ngày tri ân - thời gian dường như chảy ngược lại, mang theo bao nhiêu kỷ niệm ùa về.

Hôm đó, rất nhiều hoa và quà tặng được những “cô cậu học trò” dâng lên thầy cô kèm những lời chúc sức khỏe, những lời tri ân. Đến đây chắc bạn đọc cũng muốn biết những “cô cậu học trò” kia học trường nào. Họ là những cựu học sinh Trường Trung học Trần Quốc Tuấn - Quảng Ngãi.

Theo Lê Đông
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan