Chuyên gia giáo dục nói về 'Thánh Gióng nhảy xuống Hồ Tây tắm'

Ngày 17/03/2015 08:45 AM (GMT+7)

'Đây là một đoạn văn bản ghi lại cảm nghĩ của 1 cá nhân chứ không phải là đoạn văn kể lại sự tích Thánh Gióng. Vì thế, hoàn toàn không thể có chuyện hiểu nhầm nếu như đọc văn bản một cách nghiêm túc', tiến sĩ Thu Hương nói.

Dư luận đang có phần hoang mang khi trong sách hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5, tập 2A, tại bài 26C phần Thảo luận và trả lời câu hỏi như sau:

a) Những từ in đậm trong đoạn văn dưới đây dùng để chỉ nhân vật nào?; b) Việc dùng nhiều từ ngữ thay thế cho nhau như vậy có tác dụng gì?. 

Chuyên gia giáo dục nói về Thánh Gióng nhảy xuống Hồ Tây tắm - 1

Trích đoạn về Thánh Gióng gây tranh cãi. (Ảnh internet)

Đoạn trích: "Nghe chuyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tượng đến một trang nam nhi, sức vóc khác người, nhưng tâm hồn còn thô sơ và giản dị như tâm hồn tất cả mọi người thời xưa. Tráng sĩ ấy gặp lúc Quốc gia lâm nguy đã xông pha ra trận, đem sức khỏe mà đánh tan giặc, nhưng bị thương nặng. Tuy thế người trai làng Phù Đổng vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào, giấu kín nỗi đau của mình mà chết". 

Chính đoạn trích về "cái kết" bất ngờ của Thánh Gióng đã khiến không ít phụ huynh bức xúc khi cho rằng sách đã xuyên tạc lịch sử. Tuy nhiên, thực tế, “Thánh Gióng sau khi đánh giặc bị thương nặng, vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm...” được trích dẫn từ tác phẩm "Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích", của nhà thơ Nguyễn Đình Thi.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa tiểu học, trường ĐHSP Hà Nội xoay quanh đoạn trích trên.

- Chào bà, dư luận đang xôn xao vụ "Thánh Gióng đánh giặc xong nhảy xuống Hồ Tây tắm", tuy nhiên đó chỉ là trích đoạn của tác giả Nguyễn Đình Thi. Theo bà, do đâu mà các bậc phụ huynh lại phản ứng dữ dội như vậy?

Theo tôi, các vị phụ huynh đã quá quan tâm vào công việc của trường học. Ngoài ra, vì tâm lý lo sợ vẩn vơ mà các phụ huynh luôn có suy nghĩ chắc chắn sách giáo khoa và trường học có nhiều vấn đề mà họ không biết. Khi đọc 1 bài trích dẫn, một số bạn đã vội vàng nghĩ ngay rằng đó là một “tội lỗi” vô cùng lớn của ngành giáo dục.

Chuyên gia giáo dục nói về Thánh Gióng nhảy xuống Hồ Tây tắm - 2

Sách Tiếng Việt cũng có đoạn tương tự (Ảnh internet)

- Phụ huynh lẫn giáo viên trong trường đều cho rằng đây là việc xuyên tạc lịch sử nhưng thực tế nó chỉ là trích đoạn trí tưởng tượng của tác giả Nguyễn Đình Thi. Phải chăng giáo viên cũng không biết mình đang dạy cái gì cho học sinh?

Đây chính là điều mà tôi cảm thấy rất đáng ngại. Những người giáo viên phát ngôn điều đó có vẻ cũng không nắm được chính xác họ đang dạy gì và nội dung cũng như mục đích dạy học của họ là gì.

Điều tôi cảm thấy lo ngại nhất chính là ở việc giáo viên luôn có đầy đủ các công cụ cho việc dạy học như sách hướng dẫn giáo viên. Vì thế, có không ít giáo viên quá ỉ lại vào sách hướng dẫn mà ít khi chịu tìm hiểu rõ ràng rành mạch mọi vấn đề liên quan xung quanh bài dạy của mình.

- Theo ý kiến của bà, trong trường hợp này đoạn văn có hoàn toàn phù hợp?

Khi được chuyển cho bài báo trên, tôi đã đọc báo, đồng thời tìm sách giáo khoa và đọc thật kĩ. Tôi thấy nó hoàn toàn không có gì là khó hiểu cả. Câu văn đã ghi rất rõ ràng: “Nghe chuyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tượng…..”. Như vậy, rõ ràng đây là một đoạn văn bản ghi lại cảm nghĩ của 1 cá nhân chứ không phải là đoạn văn kể lại sự tích Thánh Gióng. Vì thế, hoàn toàn không thể có chuyện hiểu nhầm nếu như đọc văn bản một cách nghiêm túc. Các cháu học văn học, chắc chắn các cháu sẽ được học cách đọc nghiêm túc, kĩ lưỡng trước khi phân tích. Như vậy, đoạn văn trên hoàn toàn không có vấn đề gì.

- Như vậy thì đoạn văn đó có đáng bị đưa lên báo khiến dư luận hoang mang không thưa bà?

Không. Đưa lên mà chưa kiểm chứng rõ ràng sẽ có tác hại như kết tội oan khi chứng cứ không ổn. Theo tôi, bài báo đưa kiểu này nên có lời xin lỗi với tác giả sách giáo khoa vì đã khiến họ bị lên án oan.

- Trước đó đã có nhiều bài bị cắt xén, thay đổi từ so với tác phẩm chuẩn với lý do để các em dễ đọc, dễ hiểu hơn khiến tác phẩm khác hẳn so với trước. Quan điểm của bà về vấn đề này?

Riêng về việc này, tôi hoàn toàn phản đối. Về nguyên tắc trích dẫn một tác phẩm cũng như một nghiên cứu khoa học, chắc chắn phải trích dẫn nguyên bản, không thể có chỉnh sửa gì. Điều chỉnh 1 tác phẩm văn học cũng sẽ có tác hại như vẽ thêm hoặc xóa đi các chi tiết của bức tranh. Như vậy, nó đã bị biến sang một tác phẩm khác rồi, không thể còn nguyên bản nữa.

- Nhận xét của bà khi phụ huynh hiện nay đang nghi ngờ thậm chí mất lòng tin đối với thực trạng SGK?

Theo tôi, có lẽ các phụ huynh đã có chút nhầm lẫn giữa sách giáo khoa và sách tham khảo. Sách tham khảo hiện nay lan tràn trên thị trường và có rất nhiều bất cập về nội dung cũng như hình thức của loại sách này. Sách này không do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị xuất bản mà được sản xuất khá tự do tại tất cả các nhà xuất bản hiện nay.

Còn về sách giáo khoa, cho đến hiện nay, sự việc mà tôi thấy có liên quan mà báo chí đã đưa chỉ có mỗi câu chuyện bài thơ “Thương ông” của tác giả Tú Mõ được sách tiếng Việt lớp 2 trích dẫn chưa chính xác.

Vì thế, theo tôi, đề nghị các vị phụ huynh hãy xem xét thật kĩ trước khi phê phán một chi tiết nào đó trong sách và nên tìm hiểu rõ đó là sách nào, do ai chịu trách nhiệm. Như vậy, việc xử lý những sai phạm nếu có trong các sách sẽ được chính xác và nhanh gọn hơn.

- Xin cảm ơn bà

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan