Dạy thêm trước khi vào lớp 1: Cấm cứ cấm, dạy cứ dạy

Ngày 26/07/2015 08:45 AM (GMT+7)

Dù Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM nghiêm cấm các hình thức dạy thêm cho trẻ trước khi vào lớp 1 nhưng thực tế ở nhiều nơi, giáo viên vẫn tổ chức dạy thêm

Một ngày cuối tháng 6, có mặt tại Nhà Thiếu nhi quận 4, TP HCM, chúng tôi chứng kiến nhiều phụ huynh đưa con đến học. Thậm chí có một phụ huynh ở tận huyện Nhà Bè vẫn đều đặn thứ bảy và chủ nhật chở con đến học, một bé học lớp rèn chữ trước khi vào lớp 1 và một bé đang học lớp 2 đến học vẽ. Phụ huynh này cho biết sở dĩ đưa con đến đây học thêm vì giáo viên nhiệt tình và thương học sinh, hôm nào vì đường xa mà đến muộn, giáo viên cũng ngồi chờ.

Tràn lan học thêm

Một giáo viên của một trung tâm dạy thêm cho trẻ trước khi vào lớp 1, cho biết đã dạy ở đây nhiều năm và là giáo viên duy nhất dạy rèn chữ. Sau khi biết ý định của chúng tôi muốn cho con học chữ, cô khuyên nên đợi đầu tháng sau vì tháng này sắp hết, nếu cho vào học liền thì phải đóng phân nửa học phí.

Dạy thêm trước khi vào lớp 1: Cấm cứ cấm, dạy cứ dạy - 1

Một lớp rèn chữ tại Nhà Thiếu nhi quận 4, TP HCM Ảnh: NGỌC ANH

Nghe chúng tôi trình bày là bé năm nay vào lớp 1 nhưng hoàn toàn chưa biết chữ lại hơi chậm trong tiếp thu, cô gợi ý nên cho bé học ở lớp tại nhà cô sắp mở vào đầu tháng 7. Nếu bé học ở đây thì sẽ học một tuần 3 buổi (thứ hai, tư, sáu hoặc ba, năm, bảy), từ 18 giờ đến 19 giờ 30 phút. Mức học phí cho cả 2 môn toán và tiếng Việt là 400.000 đồng/tháng.

“Nếu phụ huynh chọn lớp ở nhà thì bảo đảm các bé được dạy đọc thông viết thạo... Nói chung là hoàn thành luôn chương trình lớp 1” - giáo viên này cho biết.

Quan sát lớp học, chúng tôi thấy lớp rèn chữ có 9 học sinh, trong đó có một bé chuẩn bị vào lớp 1, còn lại là từ lớp 2 đến lớp 5. Các bài học đều được cô giáo trích từ sách giáo khoa tiếng Việt, riêng bé chuẩn bị vào lớp 1 thì chủ yếu rèn nét chữ cái và phải viết bằng bút chì.

Trong khi các bé chăm chú viết bài, giáo viên này cho chúng tôi biết các cháu vào đây đều đã biết mặt chữ, bé nào chưa biết chữ thì cô không nhận. Cô chủ yếu dạy cách để các bé viết sao cho đúng ô li và chỉnh những lỗi sai, hoàn toàn không có việc cầm tay đưa nét.

“Mình không được ép trẻ, làm sao mà trẻ có niềm vui thì mới học. Lớp 1 thì không cần chữ phải đẹp, chỉ cần chỉnh cho viết đúng ô li là được” - cô giáo này cho biết thêm.

Khảo sát tại nhiều trung tâm khác, chúng tôi nhận thấy nhu cầu phụ huynh muốn cho con học thêm trước khi vào lớp 1 rất nhiều nhưng không phải trung tâm nào cũng có lớp. Chị Vy, một phụ huynh tại quận 3, cho biết trước đây chị cũng tìm lớp cho con tại trung tâm nhưng đặc thù của trẻ mầm non trước khi vào lớp 1 cần không gian khác lớp lớn hơn nên cô thường dạy thêm tại nhà.

Thui chột hứng thú của trẻ

ThS Lê Ngọc Tường Khanh, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm

TP HCM, phân tích: Kết cấu chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay dành cho từng lứa tuổi là hợp lý. Ở tuổi lên 5, trẻ được học và làm quen với chữ, tập viết những nét viết dù là nguệch ngoạc hay chỉ là tô màu. Có nhiều hoạt động để trẻ làm quen với chữ. Chẳng hạn như cô đọc sách cho trẻ nghe, trong sách có chữ hay là giáo viên hướng dẫn trẻ cách đọc chữ như thế nào, từ trái qua phải, từ trên xuống dưới. Ở lứa tuổi mầm non và tiểu học, sự hứng thú của trẻ khi đi học là vô cùng quan trọng. Trẻ được học trước sẽ có tâm lý ỷ y không chịu học, mất hứng thú với bài giảng. Khi dạy tới những bài chưa biết thì chủ quan, lơ là. Chính vì thế, việc học thêm trước khi vào lớp 1 rất phản khoa học, về lâu dài không hề tốt cho trẻ, thui chột hứng thú của trẻ khi đến trường. Trong thời gian hè, trẻ mầm non nên tập làm quen các kỹ năng như ngồi bàn, ngồi nhóm... để chuẩn bị vào lớp 1.

Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, nguyên Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 3, chia sẻ: “Trẻ mầm non không học thêm được ví như tờ giấy trắng, nếu giáo viên dạy trẻ từ lúc như tờ giấy trắng sẽ dễ dàng hơn so với tờ giấy đã viết rồi bị tẩy xóa để viết lại. Trẻ học trước giống như tờ giấy đã viết rồi xóa. Đó là chưa kể phụ huynh thường có xu hướng thuê sinh viên kèm trẻ nhưng sinh viên không có kinh nghiệm, không có phương pháp sư phạm cần thiết nên khi trẻ vào lớp 1, cô dạy theo kiểu khác thì rất tội cho trẻ”.

Cô Vũ Thị Mỹ Hạnh, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3), cho rằng tâm lý phụ huynh thường sợ con thua thiệt nhưng hiện nay bậc tiểu học không còn lấy điểm nên đáng lẽ phụ huynh không còn tâm lý phải cho trẻ học trước. Nhưng đó là tâm lý chung của phụ huynh, vấn đề là ngành giáo dục cần tuyên truyền như thế nào để họ an tâm. Cô Hạnh phân tích khi trẻ hết độ tuổi mẫu giáo, phụ huynh không nhờ cô mẫu giáo giữ nữa mà chuyển sang nhờ cô tiểu học trông. Giáo viên không dạy hè thì dạy ở nhà, phụ huynh không tìm được nhà thì ra trung tâm. Trong khi đó, với kết cấu chương trình tiểu học hiện nay, 2 năm đầu bậc tiểu học trẻ vẫn còn học chữ nên trong vòng 2 tháng hè, phụ huynh đưa con đi học không có tác dụng gì, có khi vào bậc tiểu học đều phải sửa lại hết.

Cấm không xuể

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 9 cho rằng hiện nay việc làm quen với trường tiểu học dành cho trẻ 5 tuổi trong thực tế chỉ dừng lại ở việc tham quan mô hình trường tiểu học của em, trẻ mầm non chỉ được làm quen với trường 1, 2 ngày thì không ăn thua và mục đích chỉ để các trường tiểu học tuyển sinh, không phải để trẻ làm quen. Trong khi giai đoạn làm quen với trường tiểu học rất quan trọng. Nhiều phụ huynh cho con đi học trước cũng là vì không muốn để con bỡ ngỡ khi vào môi trường mới.

Cô Vũ Thị Mỹ Hạnh phân tích ngành giáo dục cấm dạy thêm cho trẻ trước lớp 1 nên các trường tiểu học cũng sợ nên không dạy thêm để khỏi lằng nhằng. Ngay ở quận 3, các trường tiểu học không cho học sinh mầm non đến làm quen. Nhưng biện pháp cấm chỉ giải quyết phần ngọn vì phụ huynh, giáo viên vẫn lén lút tổ chức dạy học nơi khác. Các trường tiểu học vẫn nên nhận trẻ mầm non để bé làm quen với nền nếp, làm quen với tập thể lớn, vì từ chuyện ăn ngủ đều có sự thay đổi. Giai đoạn làm quen với trường tiểu học là giai đoạn chuyển tiếp rất quan trọng. Dạy trước khác với làm quen.

ThS Lê Ngọc Tường Khanh lại cho rằng vì tâm lý phụ huynh hay theo đám đông nên giải pháp quan trọng nhất là sự kết hợp giữa nhà trường và gia đình. Khi phụ huynh đưa con đến thì nhà trường phải nói với phụ huynh không cần cho trẻ học trước, không có sự phân biệt giữa trẻ đã biết và chưa biết, tạo môi trường thân thiện để phụ huynh an tâm. Thậm chí còn tổ chức cho giáo viên lớp 1 gặp giáo viên mầm non để biết giáo viên mầm non dạy cái gì nhằm không dạy lại những thứ trẻ đã biết.

Thay đổi từ trường sư phạm

Theo ThS Lê Ngọc Tường Khanh, Trường ĐH Sư phạm TP HCM đang thay đổi trong cách giảng dạy sinh viên sư phạm tiểu học, trang bị những kỹ năng sư phạm để các nhà giáo tương lai biết phân nhóm học sinh theo chủ định. Việc phân nhóm này nhằm để giáo viên biết từng đối tượng học sinh đã biết hay chưa biết gì để có cách dạy phù hợp, không phải để phân biệt đối xử. Trong cách dạy này, giáo viên cũng phải công nhận những mặt thành công của trẻ, khuyến khích và cổ động trẻ.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng tình trạng phụ huynh cho con học trước lớp 1 xuất phát từ yếu tố tâm lý, sợ con thua thiệt, sợ không theo kịp bạn bè. Cũng có phụ huynh cho con đi học thêm chỉ là nhờ cô giữ con vì không có thời gian. Nhưng, dù với bất cứ lý do gì thì việc học thêm này đều không tốt. 

Theo Đặng Trinh - Ngọc Anh - Nguyễn Quỳnh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giáo dục