Gặp tác giả bài thơ 'Khi mẹ là giáo viên' gây sốt

Ngày 02/04/2015 11:22 AM (GMT+7)

Sau khi đăng tải bài viết "Bật khóc với bài thơ 'Khi mẹ là giáo viên' và nhận được hàng nghìn chia sẻ, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với tác giả bài thơ, cô giáo Lê Thanh Hồng, giáo viên Ngữ Văn, hiện là hiệu phó trường THCS Thị trấn Kỳ Sơn, Hòa Bình.

- Cảm xúc của cô thế nào khi bài thơ “Khi mẹ là giáo viên” được chia sẻ rộng rãi trên mạng và được nhiều giáo viên yêu thích?

Thực ra từ ngay sau khi bài thơ ra đời bạn bè là giáo viên của tôi đã chép bài thơ như món quà cho các con. Và nhiều cháu nhỏ thích bài thơ đó. Bài thơ âm thầm đi vào đời sống của các cô giáo và chính tôi cũng không ngờ. Tôi cũng là người tập viết văn, làm thơ.

Gặp tác giả bài thơ Khi mẹ là giáo viên gây sốt - 1

Bài thơ được cô giáo Thanh Hồng sáng tác ngày 5/11/2007.

Khi tôi xuất bản tập thơ Mùa thu còn đợi, năm 2010, nhiều bạn bè thắc mắc sao không đưa bài thơ đó vào tập. Có người còn đề nghị tôi chép tay bài thơ vào quyển thơ tặng họ. Nhiều người biết bài thơ nhưng không biết tôi. Tất cả mọi người đều chưa biết hoàn cảnh tôi viết bài thơ đó.

Mãi tới 5.9.2014, vì biết bạn bè giáo viên đều rất tâm trạng vào ngày này nên tôi đã đăng trên Facebook và tag bạn bè là giáo viên của mình với suy nghĩ chia sẻ tâm trạng nhân ngaỳ khai trường thôi. Không ngờ bài thơ nhanh chóng được chia sẻ.

Khi biết bài thơ của mình được chia sẻ rộng rãi trên mạng, trong cả nước và nhận được tình cảm yêu mến của mọi người nhất là của giới giáo chức tôi rất xúc động, hạnh phúc lắm, vui mừng khó tả. Cảm ơn tất cả các cô, chú, anh, chị, em, bè bạn gần xa đã đồng cảm sẻ chia và dành tình cảm yêu mến cho bài thơ Khi mẹ là giáo viên của tôi.

Gặp tác giả bài thơ Khi mẹ là giáo viên gây sốt - 2

Cô giáo Lê Thanh Hồng bên học sinh trường THCS Thị trấn Kỳ Sơn, Hòa Bình.

- Hẳn trong mấy ngày qua cô đã mất ngủ vì những cảm xúc xưa lại ùa về khi đọc bài thơ?

Đúng vậy, có một chút hiểu lầm ban đầu về tác giả của bài thơ khiến bạn bè tôi, những người đã đọc và thuộc bài thơ từ khi nó mới ra đời bức xúc. Và họ tìm hiểu, chia sẻ …làm tôi vừa vui vừa buồn. Nhưng hơn cả là những kí ức xa lại ùa về.

Tôi viết bài thơ năm 2007, là vì con gái lớn của tôi. Khi đó con mới học lớp 5- chỉ là một cô bé và bây giờ con đã học lớp 12-một thiếu nữ xinh đẹp. Tôi đã khóc rất nhiều khi viết bài thơ. Tôi chưa bao giờ đọc được nó trọn vẹn. Lần nào đọc lại tôi cũng khóc. Và ba ngày qua tôi lại khóc, vì hồi nhớ lại và thương con vô cùng.

- Mỗi nghề có một “nỗi khổ” riêng, theo cô, sự thiệt thòi của con cái khi có mẹ là giáo viên đã là điều lớn nhất với nghề giáo chưa?

Trẻ nhỏ bây giờ cơ bản khá đầy đủ về vật chất, đời sống tinh thần cũng hơn nhiều so với chúng ta ngày xưa. Nhưng người lớn bây giờ cũng bận bịu hơn thì phải nên đôi khi trẻ vẫn thiệt thòi. Tôi không nghĩ rằng chỉ có con giáo viên mới thiệt thòi. Nhiều gia đình cha mẹ bận rộn phải thuê xe, thuê người đưa đón con hàng ngày.

Nhưng con giáo viên có cái thiệt thòi hơn là cứ vào những ngày quan trọng với con ở trường thì mẹ lại bận. Mẹ còn đi sớm hơn về muộn hơn những ngày khác. Thậm chí trước những ngày quan trọng đó mẹ cũng bận. Tôi có hai con gái, cháu thứ hai cũng đã học lớp 5, vậy mà tôi mới chỉ được duy nhất một lần đưa con đến trường ngày khai giảng.

- Có bao giờ thấy khó khăn mà cô nản chí muốn chuyển nghề chưa? Và lý do gì để cô yêu nghề đến bây giờ?

Tôi ra trường năm 1993, đến nay đã có 22 năm công tác trong ngành giáo dục. Thú thực đã có lần tôi muốn chuyển ngành. Bạn bè tôi chuyển ngành rất nhiều và hầu hết đều thành đạt ở vị trí công tác mới. Nhưng chính họ cũng tiếc nuối. Nhiều người tâm sự rằng rất nhớ trường, nhớ lớp, nhất là những ngày lễ như Khai giảng năm học, ngày Nhà giaó Việt Nam 20.11, ngày Tổng kết....Thấy con trẻ háo hức chuẩn bị đến trường, nghe tiếng trống trường rộn rã, nhìn sắc phượng đỏ... là xốn xang, nôn nao.

Tôi cũng yêu những giây phút đó và có thể đó là lí do mà tôi còn ở lại với ngành cho đến bây giờ. Thêm nữa tôi vẫn tự hỏi: Liệu mình có làm tốt được ở vị trí công tác mới không? Mình được đào tạo để làm một nhà giáo chứ không phải làm nghề khác. Không làm chuyên môn của mình tôi thấy tiếc và chắc chắn sẽ nhớ lắm.

Gặp tác giả bài thơ Khi mẹ là giáo viên gây sốt - 3

Giáo viên trường THCS Thị trấn Kỳ Sơn, Hòa Bình.

- Bây giờ đã là hiệu phó của trường, cô có những trăn trở gì về nghề giáo và có những chia sẻ, đồng cảm thế nào với giáo viên?

Hiện tôi vẫn tham gia giảng dạy. Tôi phụ trách chuyên môn và tôi hiểu, chia sẻ với đồng nghiệp của mình. Nghề giáo có đặc thù đối tượng lao động là con người, sản phẩm lao động cũng là con người nên rất nhiều áp lực. Tôi cũng có những lần toát mồ hôi, giật mình tỉnh giấc vì một giấc mơ về trường lớp, về học sinh. Tôi cũng có nhiều lần bỏ ăn, mất ngủ vì học trò, vì công việc. Tôi cũng nhiều lúc bận rộn đến mức bê trễ cả việc chăm lo gia đình, con cái. Tôi cũng từng phải tham gia rất nhiều các cuộc thi….

Nói chung những gì mà thầy cô hiện nay đang phải làm tôi cũng đã trải qua và vẫn đang tiếp tục. Nhưng bên cạnh áp lực, vất vả, công việc cũng đem lại nhiều niềm vui. Niềm vui khi học trò phấn khởi khoe đạt giải các kì thi, đỗ vào trường chuyên lớp chọn, đỗ đại học; Niềm vui bên đồng nghiệp. Trường học đông vui hơn so với các cơ quan vì giáo viên đông lại có học sinh nữa nên đến trường vui lắm. Tôi cũng thường nói với đồng nghiệp: đối tượng lao động của nhà giáo là con người và là những con người khỏe mạnh, chúng ta còn hạnh phúc hơn bác sĩ, công an.

Giá như công việc của nhà giáo chỉ tập trung vào việc trau dồi chuyên môn, soạn bài, chấm bài, lên lớp thì có lẽ nhà giáo sẽ bớt vất vả hơn. Quá nhiều loại sổ sách, quá nhiều cuộc thi, kì thi.. và quá nhiều sự thay đổi đã chất thêm lên đôi vai vốn đã phải gánh nặng của người thầy. Tôi, với tư cách của một phụ huynh, một cô giáo, một người quản lí giáo dục thành thật chia sẻ những điều này.

- Cô có thể tiết lộ về gia đình, đặc biệt là nhân vật chính của bài thơ 'Khi mẹ là giáo viên'?

Con gái Nguyễn Lê Huyền Trinh của tôi có một tuổi thơ kém may mắn. Bố cháu nhập học được 20 ngày thì tôi sinh cháu. Khi đó lương giáo viên rất thấp, bố lại đi học nên cháu không được đủ đầy như chúng bạn. Nhưng cháu rất ngoan, hầu như không quấy khóc và rất bụ bẫm xinh xắn. Ba năm sau, bố cháu ra trường, cháu mới được đi học mẫu giáo.

Từ nhỏ cháu rất dễ thương, hay hát và thích tham gia các hoạt động ở trường. Cháu vào lớp Một, tôi cho lên ở cùng ông bà ngoại cách nhà 12km. Một năm sau tôi chuyển nhà để gần con nhưng lại bận con nhỏ. Chuyện nhà cửa, công việc lại phải đi làm xa nên việc chăm sóc các con phần nhiều nhờ ông bà ngoại. Huyền Trinh vì vậy cũng tự lập từ bé. Cháu khá cá tính.

Gặp tác giả bài thơ Khi mẹ là giáo viên gây sốt - 4

"Hai cô con gái chính là niềm vui là động lực của cuộc đời tôi".

- Nói về chuyện thơ, được biết cô sáng tác rất nhiều bài cho con và học trò, cô có thể chia sẻ những bài thơ này với độc giả?

Tôi coi việc viết như một cách để dãi bày, chia sẻ. Khi bên các con và bên học trò tôi chiêm nghiệm thêm nhiều điều về cuộc sống dù đó chỉ là những đứa trẻ. Rất hân hạnh được chia sẻ với độc giả và mong nhận được tình cảm yêu mến của mọi người.   

Xin gửi tặng mọi người bài thơ:

Giấc huyền thơ

(Viết cho Tố Nga)

Khúc khích con cuời trong giấc huyền thơ
Niềm vui nào theo con vào trong giấc mộng
Một chiếc kem bông bất ngờ xương bống
Cổ tích, đời thường đẹp đến lung linh

Giọt nước mắt lăn tròn trên hai má xinh
Ướt trán chú gấu bông con ôm ghì khi ngủ
Chuyện mới ban chiều hay nỗi niềm xưa cũ
Lạc giấc huyền con ngủ chẳng bình yên

Mẹ trở mình bên giấc ngủ thần tiên
Đếm giọt ưu tư qua khóc cươì con trẻ
Thức dậy sớm mai con bình yên như thể
Chuyện khóc cười chỉ có trong mơ

Chỉ có mẹ bận lòng trước con trẻ vô tư
Kí ức buồn vui sự đời trải nghiệm
Thước phim cuộc đời trong giấc huyền ẩn hiện
Mẹ cũng khóc cười như thể lúc con mơ

Con sẽ lớn dần đi qua tuổi thơ
Rồi nếm trải kiếp người bao cung bậc
Mẹ chỉ mong sớm nào con tỉnh giấc
Cũng được mộng huyền nâng bước con đi.

Bài thơ: Học trò

Em ngây thơ

Giữa những toan tính tầm thường

của nhiều người lớn

Tâm hồn em tỏa sáng cái nhìn tôi

Để trong cuộc đời

Trước những vấp váp rủi ro

Tôi tìm thấy ở em sự sẻ chia hồn hậu

Không một chút so suy, không một lời diếm dấu

Em trả lại cho tôi sự thanh thản yên bình

Có em,

tôi thấy mình hạnh phúc

Bởi hơn ai hết tôi là người có được

Những sẻ chia bộc trực, thật con người

Có em,

tôi thấy cuộc đời ý nghĩa

Và trang giáo án cho em tâm huyết nhiệt thành hơn.

(Tháng 11/2003)

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan