Không bị áp lực nếu không đỗ đại học

Ngày 04/07/2014 15:25 PM (GMT+7)

Nhiều bậc phụ huynh lẫn nhiều thí sinh cho biết đã chuẩn bị sẵn tâm lý không đậu đại học.

Sáng nay, kì thi đại học 2014 bắt đầu diễn ra với môn Toán. Trong khi thí sinh đang căng trí não để giải đề thi bên trong phòng thì bên ngoài, phụ huynh cũng lo lắng không kém. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là trong những cuộc trò chuyện, không ít phụ huynh có cùng quan điểm: “Không ép con thi đỗ đại học”.

Không bị áp lực nếu không đỗ đại học - 1

Con đi thi, phụ huynh lo lắng cũng không kém

Anh Trần Văn Thành (46 tuổi, tỉnh Tiền Giang) chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên đứa con trai lớn đi thi đại học. Điều hiển nhiên, khi nuôi con ăn học, ai cũng muốn con được đỗ đạt cao. Tuy nhiên, thời gian qua, tôi đọc thông tin ở trên báo, biết được nhiều học sinh bị cha mẹ ép buộc học dẫn đến phải bị bệnh tâm thần hoặc tìm đến cái chết thì rất xót xa. Sau khi đọc những thông tin này, tôi xem xét lại chính mình và nhận thấy, việc con đậu đại học hay không cũng chỉ là đang lo tương lai cho cháu. Do đó, nếu cháu đậu đại học thì cũng tốt, mà không đậu thì có thể năm sau thi lại hoặc cho đi học nghề. Tôi không muốn vì áp lực thi cử mà con tôi phải bệnh tật”.

Bà Trương Thị Hường (61 tuổi, tỉnh Bình Thuận) đưa mắt nhìn vào cánh cổng trường đang khép chặt cho hay, gia đình chỉ có hai mẹ con. Từ trước đến nay, bà luôn nuôi hy vọng con gái sẽ đậu vào nghành sư phạm để sau này trở thành một cô giáo. Tuy nhiên, bà biết, sức học của con không quá xuất sắc nên cũng khó mới có thể đậu đại học. “Tôi đưa cháu đi thi cho thỏa nguyện vậy thôi. Nếu cháu đậu thì học, không đậu thì thôi chứ chẳng sao cả”, bà cười tươi.

Không bị áp lực nếu không đỗ đại học - 2

Nhiều phụ huynh không đặt áp lực cho con khi thi đại học

Anh Nguyễn Duy Tự (46 tuổi, tỉnh Quảng Ngãi) lại cho biết, con gái thi hai trường một là đại học Luật và thứ hai là đại học y. Trong đó, con anh thích ngành y nên đợt thi đầu tiên chỉ thi để nắm bắt cách thi, tập tâm lý trước. “Nhiều năm liền cháu là học sinh giỏi. Tuy nhiên, ngành y điểm cao lắm nên tôi cũng chỉ hy vọng thôi chứ không tạo áp lực gì. Tôi đã dặn trước với cháu là cứ thoải mái mà thi. Nếu đậu thi học, không đậu thì ôn lại năm sau thi. Đối với đại học, rớt là chuyện bình thường”.

Trong khi đó, anh Hoàng Thanh Hải (39 tuổi, tỉnh Ninh Thuận) thấy con gái bước ra từ phòng thi với ánh mắt buồn hiu vội vàng nói: “Sao vậy, không làm bài được phải không?”. Đôi mắt con ánh lóng lánh nước. Anh bảo: “Có gì đâu mà phải khóc, vẫn còn hai môn nữa. Vả lại, thi đại học lúc nào mà chẳng khó, cứ thi hết mình thôi”. Anh Hải cho hay, mình đã chuẩn bị tâm lý từ trước, nếu con không đậu thì cũng không bất ngờ. Bởi, trước đây, tại địa phương, có nhiều em học lực khá, giỏi nhưng vẫn rớt đại học.

Ông Trương Văn Cường (64 tuổi, tỉnh Long An) chia sẻ: “Đây là lần thứ ba tôi đưa con đi thi đại học. Hai đứa trước đậu và đang học, đứa con út đang thi. Lúc nào cũng thế, đưa con đi thi, tôi lại hồi hộp. Mấy tháng nay, nhìn đứa con út ôn thi suốt ngày đêm mà tôi xót vô cùng. Cháu cứ ôm sách vở suốt, không chịu ăn uống gì. Có khi, cháu bảo, vì hai anh đậu đại học rồi nên mình phải đậu. Tôi nghe thế liền trấn an, thi đại học cũng có may rủi, đừng lo lắng quá. Thấy tôi không gây áp lực thì cháu cũng đỡ buồn và đỡ sợ hãi hơn”.

Không bị áp lực nếu không đỗ đại học - 3

Nhiều thí sinh đã chuẩn bị tâm lý từ trước nếu không đỗ đại học

Em Nguyễn Thị Mai vừa bước ra khỏi phòng thi chia sẻ: “Đề thi môn toán không khó và em làm cũng được. Mặc dù không biết mình đạt được bao nhiêu điểm nhưng em tin là mình trên điểm trung bình”. Im lặng một lúc em lại chia sẻ: “Nói vậy thôi chứ em cũng không dám chắc kỳ thi năm này mình sẽ đậu đại học. Em chuẩn bị tâm lý từ trước, nếu không đậu thì có thể chọn một trường cao đẳng hay trung cấp để học”.

Trong khi đó, em Trần Thành cho hay, ngay từ đầu, biết chắc chắn sức học của mình không thể đậu đại học nên định không thi. Em xin cha mẹ được nộp đơn vào một trường trung cấp để học. Cha mẹ em cũng biết sức học của con nhưng vẫn động viên, cứ nộp thi đại học, nếu đậu thì học đại học, không thì lại đi học trung cấp, đèn sách 12 năm, nếu không thi cũng uổng. Do đó, em quyết định nộp đơn và đi thi. Buổi thi đầu tiên, em bất ngờ với chính mình khi làm được 7 trên 9 câu. “Em không ngờ mình lại làm được nhiều như thế”, Thành cười.

Nhật Bình
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot