'Người ta ăn chứ mình có ăn đâu mà sợ!'

Ngày 11/04/2016 10:22 AM (GMT+7)

Chính câu chuyện 'người ta ăn chứ mình có ăn đâu mà sợ' đã khiến chúng ta đang ngày ngày phải chìm đắm trong nỗi sợ hãi thực phẩm bẩn mà không biết tìm cách nào thoát ra.

Hôm nọ, tới nhà một người quen chơi, thấy bác chủ nhà đang phun đầm đìa thuốc sâu cho vườn dưa chuột. Tôi hỏi ‘bác ơi, sao bác phun thuốc gì mà phun nhiều thế?’. Bác cười bảo ‘thuốc sâu đấy cháu ạ!’. Tôi hốt hoảng. ‘Ơ sao bác lại phun nhiều thế, phun thế nó ngấm vào trong, ăn vào người bệnh chết à bác?’. Bác quay sang nhìn tôi thở dài ‘không phun thì sâu nó ăn hết cháu ạ. Trồng cả vườn mà để mặc nhiên cho sâu ăn thì lấy đâu ra vốn và lãi? Với lại, vườn này nhà bác không ăn, người ta ăn chứ mình có ăn đâu mà sợ. Nhà bác chỉ ăn chỗ nào không phun thôi’.

Nghe bác nói, tôi lặng người. Nếu nhà bác không phun mà cũng ăn được thì tức là, bác không cần phun vẫn có dưa chuột để ăn. Vậy tại sao bác phải phun nhiều thứ thuốc độc vào người như vậy? Thảo nào, xưa nay, khi nói mua dưa chuột ngoài chợ về ăn, người ta vẫn sợ. Chẳng ai dám ăn dưa chuột mua sẵn dù có ngâm nước muối kĩ càng.

Tôi nói chuyện với bác rằng ‘bác ơi, nếu bác nghĩ vậy thì bảo sao người khác không nghĩ như thế. Họ cũng sẽ phun rau, phun quả, phun đủ thứ trên đời, thậm chí cho thuốc hóa học, chất độc vào thực phẩm của họ và bán cho chúng ta. Cũng có ngày, bác mua phải, cháu mua phải và sẽ ăn phải những thực phẩm độc hại ấy. Vì người ta cũng nghĩ, người ta ăn chứ mình có ăn đâu mà sợ. Ai cũng nghĩ như thế nên tất cả chúng ta sẽ không thể nào không ăn thực phẩm bẩn, độc hại. Vì có ai ăn được thực phẩm nhà mình trồng cả đời đâu, rồi chúng ta cũng phải mua, phải bán’.

Người ta ăn chứ mình có ăn đâu mà sợ! - 1

Ăn gì cũng sợ thì biết ăn gì? (Ảnh minh họa nguồn internet)

Bác nhìn tôi, ngậm ngùi…

Sau hôm ấy, tôi gần như có cái nhìn khác về bác. Không phải tôi trách bác mà trách tất cả những người lương thiện, vốn không có ý đồ làm hại người khác nhưng chỉ vì hám lợi mà họ đã vô tình hại đến cuộc sống của những người xung quanh, và thậm chí là hại chính gia đình họ.

Thực phẩm ôi thiu biến thành thực phẩm sạch. Thịt lợn biến thành thịt bò. Rồi tiêm chất kích thích cho hoa quả, rồi tiêm thuốc cho thực phẩm để cả tháng không hổng. Chỉ vì hám lợi, hám tiền mà người ta quên mất việc mình đang làm. Họ với tư tưởng, mình không ăn nên không cần bận tâm. Nhưng một ngày nào đó, gậy ông sẽ đập lưng ông, những thực phẩm bẩn ấy rồi sẽ ‘phản’ lại chính họ. Có khi chính những người làm ra như vậy lại ăn phải những thực phẩm bẩn như thế.

Nếu như con người không vì hám lợi, hám tiền thì đâu thể nghĩ người ta ăn chứ mình có ăn đâu mà sợ. Lúc nào cũng nghĩ, mình làm ra một sản phẩm là để cho tất cả những người khác, những đồng loại của chúng ta ăn. Rồi đây, những đứa trẻ sẽ ăn gì. Nghĩ đến chuyện những đứa trẻ nhỏ, vừa mới được vài tháng tuổi đã phải cho vào bụng những thực phẩm bẩn, ôi thiu thì sau này, cuộc sống của con cái chúng ta sẽ ra sao?

Thật đau lòng thay!

Tìm đâu những thực phẩm sạch, chúng ta có thể mua những thực phẩm ấy bằng giá đắt gấp ba, gấp đôi chỉ vì mong muốn nó an toàn hơn, sạch hơn nhưng thật tâm chúng ta đã bao giờ yên tâm thực sự về chúng?

Câu trả lời là chưa bao giờ vì lòng tin của chúng ta dành cho nhau còn quá mong manh. Một xã hội mà đâu đâu cũng thấy chất kích thích, thuốc trừ sau, chất tạo nạc, hóa chất tươi lâu, hóa chất không hỏng… thì làm sao tìm kiếm được niềm tin? Những người hàng xóm, gần gũi nhau còn bán thực phẩm bẩn cho nhau thì thử hỏi tại sao đồng loại không đang ‘giết hại’ lẫn nhau từng ngày…?

Răng Thưa
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề 5 người trong một gia đình tử vong ở SG