Tâm sự nhói lòng của các nữ điều dưỡng không có ngày 8/3

Ngày 08/03/2016 20:57 PM (GMT+7)

“Chả nơi đâu tàn phá nhan sắc như ở đây. Cứ trực một lần thôi, sẽ thấy khác biệt. Đừng nói ngày lễ dành cho chị em, đến Tết Nguyên đán, còn không được nghỉ”.

Lằn ranh sinh tử

Như thường lệ, 7h sáng là giờ các điều dưỡng bàn giao bệnh nhân. Không gian tĩnh lặng, chỉ nghe rõ nhất âm thanh “tít, tít” liên tục phát ra từ máy theo dõi dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhi, rồi tiếng báo động của máy thở, máy báo thuốc tiêm, máy truyền. Ai cũng bận rộn. Ca trực thứ nhất trong ngày kéo dài từ 7h sáng đến 14h chiều. Ca trực thứ hai từ 14h chiều đến 21h đêm. Cuối cùng, kết thúc quy trình liên tục bằng ca thứ ba, từ 21h đêm đến 7h sáng hôm sau. Khoa Hồi sức ngoại cũng là đơn vị đầu tiên tại Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện điều dưỡng làm việc theo ca.

9 điều dưỡng chăm sóc khoảng 50 bệnh nhi, chủ yếu là những bé vừa trải qua ca phẫu thuật nặng như: Ghép tạng, phẫu thuật tim mạch, phẫu thuật sơ sinh, phẫu thuật sọ não hay các chấn thương khác. Nhiều người vẫn ví, giai đoạn hồi sức sau mổ là “trường kì kháng chiến”, khi cả điều dưỡng, bác sĩ và bệnh nhi cùng nhau chiến đấu giữa sự sống – cái chết. Đây là thời điểm bệnh nhi rơi vào trạng thái nguy hiểm nhất, bất cứ sai lầm nào trong chăm sóc có khi phải trả giá bằng sinh mạng. Mỗi biến đổi nhỏ về chỉ số nhịp tim, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ, chỉ số sinh tồn của bệnh nhi đều khiến bác sĩ hồi sức, điều dưỡng vã mồ hôi. Để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn, khu vực hồi sức chỉ dành cho nhân viên y tế. Mọi vấn đề chăm sóc toàn diện đều trông cậy ở điều dưỡng viên.

Ở buồng bệnh số 4 dành cho các bé phẫu thuật các bệnh lý liên quan đến sọ não, bé Nguyễn H.A (ở Sơn La) nhắm nghiền mắt ngủ, thở đều. Chúng tôi thấy có 5 - 7 loại dây, ống truyền, máy móc chi chít trên cơ thể bé bỏng này. Sau khi thay ga, chăn cho bé, điều dưỡng viên lại lần sờ chiếc bỉm, kiểm tra dịch truyền, máy thở. Vừa làm, chị Bùi Thanh Hương - Điều dưỡng trưởng của Khoa Hồi sức ngoại, một trong hai nữ điều dưỡng có “thâm niên” ở đây lâu nhất, vừa kể cho chúng tôi “vanh vách” về hoàn cảnh từng bé ở đây.

Tâm sự nhói lòng của các nữ điều dưỡng không có ngày 8/3 - 1

Gạt nỗi lo lắng vì con ốm, điều dưỡng Thanh Tuyền vẫn bình tĩnh chăm sóc các bệnh nhi. Ảnh: V.Thu

Bé H.A được 3 tháng tuổi. Ngày đầy tháng, bé đột nhiên bỏ bú, sốt cao, nôn trớ, quấy khóc. Được bố mẹ đưa đi viện khám, bác sĩ kết luận bé bị xuất huyết não. Từ đó đến nay, trọn vẹn 2 tháng trời, bé được các điều dưỡng viên chăm sóc toàn diện tại đây. Anh trai bé H.A năm nay 2 tuổi, bị bại não, cũng chỉ nằm một chỗ. Dù đã trông cậy hết vào nhân viên y tế, nhưng mẹ bé vẫn phải thuê nhà trọ cạnh bệnh viện với giá 15.000 đồng/ngày chỉ để mang sữa và nhìn thấy con hàng ngày. Vì là phòng cách ly đặc biệt, cứ tầm 9h30 sáng, lại thấy bóng dáng một bà mẹ nhỏ thó, lặng lẽ cầm bịch sữa được ủ kín đặt lên kệ cửa sổ buồng bệnh. Tay chị chạm vào cửa kính, mắt đỏ hoe. “Ngày nào, tôi cũng gặp ánh mắt đó. Đau đáu, xót xa. Mỗi lần gặp chúng tôi, chị lại đăm đăm một câu hỏi: Con em đã mở mắt chưa?”, chị Bùi Thanh Hương ngậm ngùi.

Chị Sa Thị N (mẹ bé H.A) đờ đẫn nhìn con thở đều, mắt nhắm nghiền đang được cho ăn qua xông. Chị chờ đợi một điều kỳ diệu. Chúng tôi hỏi, chị có biết tên cô điều dưỡng đang chăm con chị không? Chị N lắc đầu: “Chỉ biết tên bác sĩ điều trị thôi, làm sao biết được tên từng điều dưỡng, dù họ là người thay cha, thay mẹ cho từng bé ở đây”. Chị N bảo, ở đây các điều dưỡng là người thay cha, thay mẹ cho các bé. Bởi từ sáng tới tối, các điều dưỡng “quay vòng” trong những công việc mà họ gọi là “thường quy”. 7h sáng, các bé được tắm, thay bỉm, cho ăn sữa. Sau đó, điều dưỡng lại kiểm tra, theo dõi nước tiểu qua xông cho từng bé, thậm chí “ngó nghiêng” màu sắc, chi tiết bệnh phẩm. “Quay” hết từng bé cũng là lúc các điều dưỡng tất bật chuẩn bị thuốc tiêm, pha dịch. Lúc đó là 9- 10h sáng. “Có khi phải pha trộn tới 7 - 8 loại dịch để truyền cho bệnh nhi. Chúng tôi phải rất tập trung, tỉ mỉ”, chị Bùi Thanh Hương nói.

Bỏ tiền túi đưa bệnh nhân về quê

Tâm sự nhói lòng của các nữ điều dưỡng không có ngày 8/3 - 2

Chị Sa Thị N đau đáu nhìn con đang được điều dưỡng chăm sóc toàn diện.

56/66 điều dưỡng ở Khoa Hồi sức ngoại là nữ, nhiều người chưa lập gia đình, chưa một lần bế ẵm đứa bé còn đỏ hỏn bởi nỗi lo “lọt tay”. Câu chuyện của chúng tôi chùng xuống khi chị Bùi Thanh Hương kể về những em bé xấu số. Ở Khoa Hồi sức ngoại, có những bệnh nhi sơ sinh, trẻ nhỏ cân nặng dưới 5kg. Chị Hương bảo, chăm sóc những bé này rất khó vì tuổi nhỏ, cân nhẹ, bệnh nặng. Ở nơi giữa sự sống và cái chết là lằn ranh mong manh này, điều dưỡng viên phải ghi lại liên tục mỗi biến động nhỏ trên các chỉ số sinh tồn của bé, thậm chí có bé được ghi cứ 15 - 30 phút/lần. Một lần, có tới 15 chỉ số.

Chị Bùi Thanh Hương tâm sự: “Cũng làm mẹ, chứng kiến những bé 1 tuổi nhưng chỉ nặng vẻn vẹn 5kg, mắc dị tật bẩm sinh không phát triển bình thường, xót xa lắm! Có những bé còn chưa kịp được bố mẹ bế trên tay đã phải vào nằm đây. Đau đớn, ám ảnh nhất là chứng kiến sự ra đi của những bé 14 - 15 tuổi. Khi đó không khí trầm lặng bao trùm cả khoa...”.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, chị Bùi Thanh Hương kể, có lần, Khoa Cấp cứu báo tới có trường hợp bé sơ sinh vài ngày tuổi bị teo thực quản, bị cha mẹ bỏ rơi. Để cứu chữa bé, Khoa Hồi sức ngoại không quản ngược xuôi xin làm thủ tục cho bé được mổ, lo viện phí cho bé. Lúc bé mổ xong, về Khoa Điều trị được mấy ngày thì mẹ bé xuất hiện. Với các điều dưỡng ở đây, việc hỗ trợ những trường hợp bệnh nặng, không có tiền đóng viện phí, mua sữa, bỉm… thậm chí là tiền đưa các bé về quê không phải là hiếm. Có khi sau đó, họ lại lẳng lặng rút tiền hỗ trợ thêm cho người nhà bệnh nhi.

Quên đi nỗi đau bản thân

“Phòng chật thế này, các chị nghỉ ở đâu trong mỗi ca trực, nhất là những ca trực thâu đêm tới 10 giờ đồng hồ?”, chúng tôi thắc mắc. Chị Bùi Thanh Hương cười hiền: “Làm gì có khái niệm ngủ được với ca trực ngày. Có chăng, điều dưỡng trực đêm tranh thủ nghỉ 30 phút đỡ mỏi mắt thôi”. Nơi đây không có khái niệm nghỉ phép, nghỉ bù. Theo quy định, Tết Nguyên đán 2016 vừa qua được nghỉ 9 ngày, nhưng kỳ thực, các điều dưỡng ở đây đều phải làm tới 72 tiếng (3 ngày liên tục 24h), tính ra là không được nghỉ Tết.

Chị Thanh Tuyền, Điều dưỡng viên (SN 1989) đang đảm nhận chăm sóc 6 bệnh nhi vừa phẫu thuật tim mạch. Tuyền quê ở Kim Động, Hưng Yên. Chồng đi làm xa, con nhỏ, lúc mới hơn 1 tuổi chị đã phải gửi về nhờ ông bà nội chăm sóc. Khi chị Tuyền đang kiểm tra cho một bệnh nhi, có tiếng điện thoại rung. “Bà cho cháu uống thuốc hạ sốt, không đỡ thì bà nhờ người đưa cháu lên viện hộ con. Xong việc, con thu xếp về ngay”, chị Tuyền nói vội qua điện thoại. Con trai chị bị ốm, dù có vẻ lo lắng nhưng tay chị Tuyền vẫn tiếp tục kiểm tra ống xông, cài đặt lại máy thở. “Con em 19 tháng, cháu bị xoang. Thời tiết thay đổi là cháu lại sốt, ho. Trực xong, em đi xe máy về. Hơn 50km thôi, em đi xe máy chứ không chịu nổi mùi ô tô”, chị Tuyền cho hay.

Ở Khoa Hồi sức ngoại có không ít người đồng cảnh ngộ với chị Tuyền khi phải xa gia đình, xa con, thuê nhà trọ. Chỉ vào bảng trực, chị Bùi Thanh Hương kể, vì quá đông bệnh nhi nên có những chị em mang bầu gần đến ngày dự sinh vẫn cố gắng từng giờ phút tới khoa chăm bệnh nhi. Lại có những chị em dù không khỏe, phải điều trị bằng thuốc, chỉ định nhập viện, vẫn kiên quyết điều trị ngoại trú để có thời gian đi làm.

Như đồng cảm với chị Hương, ông Trịnh Văn Hạnh - Phó Trưởng phòng Điều dưỡng nói với chúng tôi: “Chả nơi đâu tàn phá nhan sắc như ở đây đâu. Với đặc thù công việc hồi sức ngoại, lại làm ca kíp, điều dưỡng viên làm khoảng 6 - 8 năm là có thể điều chuyển khoa. Với những chị em gắn bó trên 10 năm, họ phải yêu nghề, yêu trẻ và luôn tìm thấy niềm vui trong nghề, nhất là khi chứng kiến bệnh nhi khỏe hơn”.

Chúng tôi băn khoăn: “Công việc bận rộn triền miên, những ngày lễ, Tết được các chị tổ chức như thế nào?”. Điều dưỡng trưởng Bùi Thanh Hương cho biết, phải tranh thủ lắm mới được vài phút liên hoan ngắn ngủi nhưng không khi nào đầy đủ tất cả. Ngày lễ, chị em tranh thủ tối đa được về với gia đình, với con. Với lịch trực kín đặc, cứ 3 ngày, chị em lại có một ngày trực đêm 10 tiếng. Những đêm được gọi là tạm bình yên khi không đón nhiều ca bệnh nặng, không có trường hợp nào diễn tiến xấu. Nếu gặp ca nặng, sáng hôm sau, chị em đều phờ phạc, hốc hác, bởi ai nấy đều dồn sức xử trí nhanh để cứu bệnh nhi. Sơ suất, một phút chậm trễ có thể cướp đi sinh mạng bệnh nhi.

Theo Võ Thu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ngày Quốc tế Phụ nữ