Bức thư đẫm lệ của người phụ nữ 7 năm chịu đòn oan nghiệt của chồng

Ngày 07/10/2015 09:52 AM (GMT+7)

Gạt đi những giọt lệ đang rơi đẫm trên bàn - nơi em đang viết cho anh những dòng tâm sự này, tâm trạng em vô cùng đau khổ và dằn vặt, đầy bế tắc…

Anh! Suốt 12 năm trời chung sống với anh, có lẽ 5 năm đầu tiên là khoảng thời gian yên ấm nhất của gia đình chúng ta.

Có lẽ niềm đam mê với công việc, cùng chung chí hướng trong cuộc sống đã kéo chúng ta gần lại với nhau, để rồi một tình yêu đơm hoa kết trái và gia đình nhỏ bé của em và anh cũng được xây dựng từ tình yêu đó.

Khi đứa con gái lớn ra đời, mọi người ai cũng chúc mừng gia đình mình vì “ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Chỉ riêng mỗi anh, em đọc được trong mắt anh đằng sau sự yêu thương, trìu mến dành cho đứa con gái bé bỏng của mình là niềm khao khát một đứa con trai bùng cháy hơn bao giờ hết.

Anh đã từng tâm sự với em rằng, anh là cháu đích tôn của họ tộc, con trai trưởng trong gia đình nên anh không muốn phụ niềm tin yêu của mọi người. Có một đứa con trai nối dõi tông đường – đó chính là niềm mơ ước bấy lâu của anh.

Cảm nhận được niềm khao khát đó của anh cùng sự quan tâm, đầy trách nhiệm đối với em và con, em thầm nghĩ mình sẽ nỗ lực giúp anh biến ước mơ đó thành hiện thực.

Sau bao nhiêu hy vọng, tìm hiểu kiến thức, tham khảo bác sĩ, vợ chồng mình háo hức đón tin vui khi em mang thai đứa con thứ hai. Anh chăm sóc mẹ con em luôn tận tụy và chu đáo, chờ ngày đứa con mình mong ước bấy lâu chào đời.

Bức thư đẫm lệ của người phụ nữ 7 năm chịu đòn oan nghiệt của chồng - 1

Sau bao nhiêu hy vọng, tìm hiểu kiến thức, tham khảo bác sĩ, vợ chồng mình háo hức đón tin vui khi em mang thai đứa con thứ hai. (ảnh minh họa)

Khi đón đứa con gái thứ hai từ tay bác sĩ, em nhìn rõ sự thất vọng cùng cực của anh khi ước mơ không còn nữa, em đã khóc.

Kể từ đó, anh quay ngoắt 180 độ trong cách đối xử với ba mẹ con em. Không còn những cái nhìn âu yếm dành cho con, không còn những cái ôm nựng nịu đầy trìu mến tình yêu thương và sự quan tâm nữa.

Thay vào đó, chỉ còn lại cái nhìn ghẻ lạnh, sự nóng nảy vô cớ và sau đó là sự bỏ mặc trách nhiệm đối với gia đình. Bằng tất cả sự khéo léo của mình, em nhiều lần muốn chia sẻ và góp ý với anh, nhưng đổi lại em chỉ nhận lại được những lời nguyền rủa, chửi bới và những cái tát thẳng tay anh giáng xuống.

Nghe những lời đay nghiến, đổ lỗi của anh, em vô cùng đau khổ. Em hiểu được sự thất vọng, chua chát của anh như thế nào để rồi dẫn tới sự thay đổi với mẹ con em. Em sẵn sàng chịu đựng tất cả những điều đó. Nhưng em xin anh, anh đừng làm cho các con mình bị tổn thương bởi những lời cay nghiệt, mất tình nghĩa vợ chồng – cha con đó.

Vậy nhưng gặm nhấm nỗi đắng cay, uất nghẹn vào trong lòng, em cố gắng vực mình dậy để làm chỗ dựa tinh thần cho hai con, che chở cho các con trước những đòn roi của cha chúng.

Em biết, anh đã tính toán làm sao để không một ai biết chuyện gia đình của chúng ta. Anh có đủ sự khôn khéo không để lại “dấu vết” sau mỗi trận giông tố giữa gia đình.

Cấm đoán và “bế quan tỏa cảng” mọi nguy cơ từ vợ con có thể làm anh bị bại lộ việc làm của mình. Để khi mọi người nhìn vào, thấy rằng gia đình mình vẫn êm ấm và anh đang thực sự hạnh phúc trong ngôi nhà đó.

Đã có lúc, em nghĩ đến giải pháp ly hôn. Nhưng nghĩ đến hai đứa con gái của mình, hình dung ra sau này các con khôn lớn, đến tuổi lập gia đình, câu nói của các cụ “lấy vợ xem tông” luôn làm em đấu tranh với những gì trong thực tại.

Em sợ, sợ sự đổ vỡ trong hôn nhân sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của các con. Sợ các con sẽ thiếu vắng sự gần gũi, dạy dỗ của cha hoặc mẹ.

Em thấy sợ tất cả những hậu quả đang rình rập quanh gia đình mình. Và để lảng tránh nỗi sợ đó, em đã lựa chọn sự yếu hèn, nhẫn nhịn, cam chịu để ít nhất em có thể giữ được cho các con một mái ấm có cả cha lẫn mẹ, dù đó chỉ là hình thức.

Anh! Chính vì suy nghĩ như trên mà em đã chấp nhận sự giày vò của anh suốt 7 năm trời. Không một lời oán thán, trách móc, chỉ biết trân mình chịu đựng để anh có thể buông xả những bế tắc trong lòng, dù điều đó đối với mẹ con em là vô cùng đau đớn.

Bức thư đẫm lệ của người phụ nữ 7 năm chịu đòn oan nghiệt của chồng - 2

Em sợ, sợ sự đổ vỡ trong hôn nhân sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của các con. Sợ các con sẽ thiếu vắng sự gần gũi, dạy dỗ của cha hoặc mẹ. (ảnh minh họa)

Giờ đây, khi em cảm nhận thấy mình đã chạm đến giới hạn cuối cùng của sự chịu đựng, trong lòng em lại trỗi dậy sự đấu tranh trong sợ hãi: rồi không biết tiếp những ngày sau em và hai con sẽ phải sống như thế nào đây khi anh vẫn chưa nguôi được sự oán trách, thù hận?

Thực sự, em không biết phải làm sao mới có thể giúp anh hiểu được rằng: Con cái là phước đức do tạo hóa ban cho chúng ta. Dù các con có là ai, có như thế nào thì con vẫn là giọt máu của mình, do mình dứt ruột sinh ra. Đừng vì những lệch lạc trong nhận thức mà làm tổn thương đến tình cảm và nhân cách của các con mình!

...

* Ý kiến của nhà tâm lý

Qua khảo sát, tỉ lệ các vụ bạo hành trong gia đình (đánh đập, chửi mắng, tình dục…) đang ngày càng gia tăng trong xã hội. Trong số đó có đến gần nửa những gia đình tri thức, có địa vị mang biểu hiện của việc bạo hành hết sức tinh vi mà người ngoài nhìn vào không phát hiện ra, pháp luật khó can thiệp được.

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ lối tư duy bị ảnh hưởng từ nhiều thế hệ trước – vốn đã lỗi thời, lạc hậu trong xã hội hiện đại. Mặt khác, tâm lý sĩ diện cũng là một “rào cản” gây áp lực lớn cho người trong cuộc để có nhìn nhận thoáng hơn về vấn đề và đưa ra giải pháp hợp lý cho hoàn cảnh đang vấp phải.

Nhiều người phụ nữ thường có suy nghĩ sai lầm rằng: cố níu giữ gia đình không hạnh phúc bởi sợ sau này con mình khổ. Và họ tâm nguyện sẽ sống và làm tất cả vì con.

Nhưng thực tế, suy nghĩ và tiếng nói của những đứa trẻ ra sao, có lẽ họ chưa bao giờ thấu hiểu, mà chỉ đơn thuần nghĩ chủ quan rằng, sự hy sinh âm thầm của mình là vì con.

Họ không nhận ra một điều, chứng kiến việc đối xử giữa bố mẹ (cả tiêu cực lẫn tích cực) sẽ tác động trực tiếp đến tình cảm, nhân cách của trẻ – yếu tố quan trọng hình thành sự trưởng thành và tương lai của trẻ sau này.

Mặt khác, sự nhẫn nhịn, cam chịu của người phụ nữ trong gia đình sẽ vô tình “tiếp tay” cho người chồng có những hành vi bạo hành tiếp sau đó, thậm chí không giúp người chồng nhận thức ra được đó là việc làm trái đạo đức, mà còn cho rằng “mình có quyền làm điều đó”.

Đôi khi, quyết tâm chấm dứt tình trạng bạo hành bằng việc cởi mở chia sẻ cảm xúc bản thân, mạnh dạn đưa ra quan điểm cá nhân và ý thức con người mình để đối phương hiểu; hoặc ly thân, đưa đơn ra tòa có thể coi là giải pháp tạm thời nhưng hiệu quả trong việc người vợ giúp người chồng nhận ra giá trị của gia đình, giúp họ “tỉnh ngộ”.

Còn nếu trong quá trình “thử thách” đó, nhận thức của người chồng làm họ không muốn hợp tác với người vợ, bắt buộc người vợ phải cân nhắc thật kỹ và tự đưa ra sự “giải thoát” cho mình bằng việc trả lời “nên hay không”?

Nhà tư vấn tâm lý Nguyễn Việt Hà

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hôn nhân gia đình