Nguy cơ lây nhiễm bệnh từ các dịch vụ làm móng

Ngày 21/08/2015 10:00 AM (GMT+7)

Làm đẹp móng là nhu cầu ngày càng phổ biến của chị em phụ nữ. Có thể thấy số lượng các tiệm và thợ làm móng cũng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, rất nhiều nơi không chú ý đến vệ sinh dụng cụ làm móng, dẫn đến nhiều hiểm họa rình rập cho khách hàng.

Dạo quanh nhiều tuyến đường tại TP.HCM không khó để nhận ra dịch vụ làm móng đang nở rộ, thu hút đông đảo các chị em đủ mọi lứa tuổi. Đặc biệt vào những ngày cuối tuần, từ salon sang trọng đến những tiệm móng bình dân ở các ngõ hẻm đều nườm nượp khách.

Buổi sáng chủ nhật tại một tiệm nail ở Q. Phú Nhuận (TP.HCM), trong tiệm có khoảng 7 người thợ đang tập trung làm móng cho khách. Hầu hết họ từ các tỉnh đến TP.HCM học việc chỉ trong một thời gian ngắn rồi thành thợ chính. Những thợ này không được đào tạo về việc khử trùng dụng cụ đúng cách và nhận biết các loại bệnh truyền nhiễm liên quan đến móng. Do đó, hầu như tiệm không từ chối bất cứ “thượng đế” nào có nhu cầu làm đẹp móng mà không biết (cũng không quan tâm) khách đó có bị các bệnh nhiễm khuẩn móng hay không. Điều đáng nói hơn nữa là, trước khi làm móng cho khách, người thợ chỉ lau chùi qua loa cây kềm cắt da và móng bằng cồn hoặc axeton để khử trùng; và sau khi cắt xong cho khách này, cây kềm đó lại được dùng để cắt cho những người khách sau đó.

Đang chăm chú cắt da tay cho khách, chị Võ Thị Hồng (chủ tiệm), chia sẻ về nghề làm móng hơn 10 năm nay của chị: “Nếu khách đến đây không có kềm riêng thì mình dùng kềm của tiệm để cắt cho khách”, và chị khẳng định “tuy dùng chung kềm cho nhiều khách nhưng trước khi cắt mình có sát trùng rất cẩn thận bằng cồn nên khách hàng cũng yên tâm. Nếu có lỡ cắt phạm sâu vào da gây chảy máu thì dùng cồn, oxi già xức vào ngay là cũng đảm bảo tiệt trùng rồi”. Quan sát thêm tại tiệm này, cũng có nhiều khách dùng kềm riêng của mình để cắt da, nhưng lại vô tư dùng chung dụng cụ lấy khóe. Điều này vẫn chứa đựng nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Nguy cơ lây nhiễm bệnh từ các dịch vụ làm móng - 1

Ảnh minh họa

Hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa có các yêu cầu hay qui định về việc cấp các giấy chứng nhận an toàn vệ sinh tại các dịch vụ chăm sóc móng (như các tiệm nails ở Mỹ). Hầu hết các thợ chỉ được đào tạo về kỹ thuật cắt da, cắt móng mà hoàn toàn không được trang bị những kiến thức về cách nhận biết và phòng tránh lây lan các bệnh truyền nhiễm về móng cũng như quy trình sát trùng dụng cụ đúng cách.

Bác sĩ Ngô Minh Vinh, BV Da liễu TPHCM – giảng viên đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch,  cho biết việc khử trùng dụng cụ bằng cồn hoặc axeton không đảm bảo tiêu diệt toàn bộ các vi khuẩn gây bệnh. Chính điều này dẫn đến khách hàng có thể bị nhiễm trùng, bị lây bệnh nấm móng, chín mé… hay đặc biệt nguy hiểm là nhiễm viêm gan B, C, kể cả HIV từ những khách hàng mắc bệnh trước đó.

Cũng theo bác sĩ Vinh, muốn diệt hết vi khuẩn trên các dụng cụ làm móng cần phải khử trùng theo quy trình tương tự như khử trùng các dụng cụ y tế trong các bệnh viện với dụng cụ và chất khử trùng chuyên ngành và được bảo quản đúng cách. Nhưng hiện nay rất ít tiệm làm móng có trang bị này. Đây điều đáng lo ngại nhất cho chị em khi đi làm đẹp móng. Do đó, thay vì trông chờ vào việc khử trùng dụng cụ đúng cách và an toàn của các thợ làm móng, cách tốt nhất để chị em tự bảo vệ sức khỏe của mình là nên chủ động sử dụng bộ dụng cụ làm móng riêng cho mình.

(Nguồn: VTV)

Nguồn: [Tên nguồn].