"3 không, 2 có" tập cho bé ăn dặm nhàn tênh

Ngày 12/04/2014 09:00 AM (GMT+7)

Con mình 8 tháng đã ăn cơm nát, 12 tháng ăn cơm cùng bố mẹ và 13 tháng tự xúc ăn hết khẩu phần.

Không cần áp dụng phương pháp Ăn dặm kiểu Nhật (ADKN), không luyện qua phương pháp ăn dặm tự chỉ huy (BLW), chỉ với kinh nghiệm của bản thân và áp dụng phương pháp "3 KHÔNG - 2 CÓ", bé Mật Ong của mẹ Uyên giờ đã ăn uống giỏi như người lớn. Hãy nghe mẹ Mật Ong chia sẻ phương pháp độc đáo này.

Chuyện ăn uống của con là nỗi ám ảnh của hầu hết các mẹ, nhất là những người làm mẹ lần đầu. Nhiều mẹ vẫn thường vào facebook của mình để hỏi bí quyết tập cho con ăn dặm, hỏi mình áp dụng phương pháp nào? Mình hay cười bảo "phương pháp ăn dặm kiểu Việt".

Thực ra mình biết nghe đến "ăn dặm kiểu Việt" là mọi người sẽ tưởng tượng ra cảnh bé vừa ăn vừa xem tivi, chơi ipad, vừa ăn vừa đi, hay thức ăn được xay nhuyễn dù trẻ đã 2 tuổi chẳng hạn,... Với mình, mọi khái niệm đó hoàn toàn xa lạ. "Ăn dặm kiểu Việt" là đến bữa, bé sẽ tự mang chén bát ra bàn, leo lên ghế, tự xúc ăn. Con mình thậm chí còn nói "KHÔNG" với cháo trong suốt quá trình ăn dặm và nếu mẹ nấu không ngon sẵn sàng từ chối cả bữa ăn. Bí quyết của mình đơn giản và quen thuộc lắm!

quot;3 không, 2 cóquot; tập cho bé ăn dặm nhàn tênh - 1
Mật Ong bắt đầu được mẹ tập cho ăn dặm từ 4 tháng 20 ngày tuổi

Qui tắc "3 KHÔNG"

- Không làm giúp con: Nếu bạn làm hộ con ngay cả việc cơ bản nhất như chuyện ăn uống, bạn sẽ phải làm hộ con tất cả những việc còn lại và vô tình tước đoạt đi sự tự lập, ham học hỏi của con trẻ. Do đó, mình toàn tự để con tự xoay sở với bữa ăn của mình. Từ tháng thứ 5 - tháng thứ 6, mình hỗ trợ con dùng thìa múc thức ăn. Sau đó thì để cho con tự xử lý. Không thìa không khéo thì bốc, bốc bột không được thì bưng bát liếm, sau một thời gian kiên trì là con dùng thìa rất nhuyễn.

- Không ép con: Mình biết nhiều mẹ rất hay lo, chỉ cần thấy con ăn hơi ít hơn một chút là đã sốt vó lên rồi. Với mình đó là "bệnh sướng quá". Vì sướng quá nên lúc nào cũng lo con đói, con gầy. Bản năng của trẻ cứ đói là ăn. Không ăn nghĩa là chưa đói. Đơn giản thế thôi. Thông thường biếng ăn tâm lý sẽ kéo dài đến 1 tuần (đó là khoa học bảo thế!). Mình đã từng có những bữa ngồi nhìn con bốc hết món này bôi trét ra bàn, bốc đến món khác chỉ để chơi mà không ăn một tí nào. Cứ như thế, kéo dài đến 1 tuần. 1 tuần sau, bé tự ăn trở lại bình thường một cách ngon lành, ăn không biết no.

- Không biến con thành robot: Thông thường các mẹ thu nhặt những phương pháp này kia được nhiều người chia sẻ, rồi về cứ thế áp 100% lên con mình, thay vì tìm hiểu xem con mình thích gì, có hứng thú với món nào, màu sắc thức ăn nào,... Chưa kể suất ăn của con còn thường trở thành "chiến tích" để khoe với những mẹ khác. Mình không "nuôi lợn con" nên không chỉ quan tâm đến mỗi chuyện ăn. Ăn ít ăn nhiều là tuỳ theo nhu cầu của từng bé. Mình có tham khảo bí quyết của chị bạn, nhưng vì con mình biểu hiện rất khác nên mình nương theo con. 6 tháng bé đã bắt đầu ăn thức ăn thô và 8 tháng thì chuyển qua cơm nát (hoặc cơm nhai) và thức ăn thô hoàn toàn vì bé không thích cháo.  

quot;3 không, 2 cóquot; tập cho bé ăn dặm nhàn tênh - 2
Ngày thứ 14 là cô nàng đã nghịch lắm

quot;3 không, 2 cóquot; tập cho bé ăn dặm nhàn tênh - 3
7 tháng là tự bốc ăn

Qui tắc "2 CÓ"

- Có thời gian dành cho con: Nhiều mẹ vẫn hay than vãn rằng công việc bận rộn, đâu phải ai cũng có thời gian để mà ngồi chờ con ăn xong. Thực ra thì người mẹ nào cũng bận rộn hết, không việc này thì việc kia. Chỉ cần bạn sắp xếp khéo léo một chút thì hẳn là không khiến bạn quá mất thời gian. Đổi lại, con càng lớn bạn sẽ càng nhàn nhã hơn. Nếu bạn ngại con dây bẩn phải dọn rửa, cứ sắm cho bé yếm ăn bằng nilon, ghế ăn bằng nhựa, hết giờ ăn lột yếm và mang ghế vào xối nước. Xong. Không mất thêm quá 1 phút. Còn trong bữa ăn tối đa 30 phút ấy, thay vì lo lắng việc con dây bẩn, mình nói chuyện với con về đồ ăn, màu sắc, mùi vị, kết cấu,... và ăn làm mẫu để bé thấy thức ăn ngon như thế nào.

- Có biết ăn ngon: Nghe thật buồn cười nhưng khẩu vị của con trẻ rất là tinh nhạy, thậm chí là còn hơn người lớn hẳn một bậc. Chúng ta thích ăn ngon, con trẻ cũng thế và còn hơn thế. Vì thế hãy nấu thật ngon, bày biện thật đẹp, chế biến riêng từng món rõ ràng, mùi vị khác nhau, trẻ sẽ cảm thấy thích thú với việc ăn uống hơn là tống tất cả thực phẩm vào trong một nồi rồi nấu nhừ lên. Thú thật, nếu là bạn, bạn có cảm thấy hứng thú với việc ăn một bát thức ăn như thế hay không?

Đấy chỉ là những qui tắc cơ bản nhất để "nhập môn" khi bạn quyết định cho con "ăn dặm kiểu Việt". Và mình đã thành công với những qui tắc bình thường như thế đấy!

quot;3 không, 2 cóquot; tập cho bé ăn dặm nhàn tênh - 4
Bé biết cầm bình tự uống nước từ sớm

quot;3 không, 2 cóquot; tập cho bé ăn dặm nhàn tênh - 5
15 tháng là nàng ăn ngon lành rồi

Mời độc giả đọc thêm bài viết được quan tâm:

8 món mẹ đừng “dại” cho con ăn

Bác sĩ Tây ‘vạch tội’ mẹ cho con ăn

Củ cải ăn dặm: ‘nhân sâm’ giá rẻ cho bé

Thích ăn dặm kiểu Nhật thì...sang Nhật ở

Mẹ Mật Ong
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ăn dặm